Nhiều người bệnh phong còn đang được bà chăm sóc, hay đã bình phục trở về với cộng đồng, đều xúc động rơi nước mắt khi biết tin vị ân nhân của họ được trao tặng phần thưởng cao quý này,...
Chưa được gặp sơ Mai Thị Mậu nhiều lần, nhưng cuộc tiếp xúc ngắn ngủi và những gì biết được về người nữ tu ấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi ấn tượng thật khó phai mờ. Là nữ tu sĩ, là nhà quản lý, là cán bộ y tế, nhưng trước hết, bà là một người phụ nữ mà lòng nhân hậu và những việc làm nhân từ của bà khó lời nào nói hết. Mỗi lần tiếp xúc với sơ Mậu, mỗi lần đến với làng phong Di Linh (Lâm Ðồng), đều để lại trong tôi những cảm xúc mới. Gặp và trò chuyện với những con người ấy, cả người bệnh lẫn người chăm người bệnh, tôi đều cảm thấy như được tiếp thêm một chút sinh khí lạc quan.
Sơ Mậu với con em của người bệnh phong. |
Tôi nhớ mãi kỷ niệm nhỏ về lần gặp gỡ đầu tiên với sơ Mậu ở Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh, mà người dân địa phương quen gọi là "làng phong". Trên ngọn đồi dừng chân trong buổi trưa đứng bóng hôm ấy là một mầu xanh ẩn dật, lành lạnh và những ngôi nhà nhỏ nép tựa vào nhau, che chở và sẻ chia. Những cư dân nơi đây có đời sống rất riêng trên một "ốc đảo" giữa dòng đời xuôi ngược. Trước mặt tôi là một người đàn ông gầy gò, dáng nhỏ thó. Có vẻ như ông không muốn tiếp chuyện, khi ánh mắt chạm vào chiếc máy ảnh mà người đối diện đeo bên người. Tôi chợt hiểu ra sự mặc cảm. Chẳng có ai lại thích ngắm gương, khi khuôn mặt của mình đang biến dạng, méo mó.
"Lại nhà báo nữa à? Thôi, xin các anh đừng bắt họ phải khổ tâm thêm. Ðừng để họ phải chịu thêm những mặc cảm không đáng có". Tôi bất ngờ vì lời nói của người nữ tu sĩ già, mà về sau mới biết đó là sơ Mai Thị Mậu - Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh. Bà đã dành trọn cuộc đời mình cho những con người phải gánh chịu một chứng bệnh tai ác.
Trở lại với những ngày đầu của ngôi làng đặc biệt này, tôi nhớ lại những bài báo mà các đồng nghiệp đã từng viết về họ, và rất tâm đắc với cái "tít" của một nữ đồng nghiệp "Còn đáng sợ hơn cái chết". Vâng, đáng sợ hơn cái chết, đó chính là sự mặc cảm, sự lạnh lùng, miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình và cộng đồng. Họ đã bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, là mặc cảm vây hãm. Khoa học đã chứng minh, phong không phải là căn bệnh di truyền, rất khó lây nhiễm, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh được tàn phế, nếu điều trị sớm bằng đa hóa trị liệu. Trên thế giới có hàng trăm thầy thuốc đã lấy thân mình ra làm thí nghiệm để chứng minh điều đó. Họ tự cấy dịch u cùi vào cơ thể mình và qua nhiều năm vẫn không hề nhiễm bệnh. Ở Việt Nam cũng vậy, những năm qua, Nhà nước và ngành y tế đã ban hành nhiều văn bản, tài liệu, tổ chức nhiều diễn đàn, tuyên truyền nhiều hình thức để kêu gọi cộng đồng hãy thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách đối xử đối với bệnh phong và những người không may mắc phải căn bệnh này. Vậy mà, đến tận bây giờ vẫn còn không ít người kỳ thị người bệnh phong...
Hồi đầu thế kỷ, không ít người thiểu số Cơ Ho, Châu Mạ ở Lâm Ðồng, Bình Thuận bị mắc bệnh phong. Mặc cảm sợ hãi đã đưa họ vào rừng sâu với cuộc sống bế tắc, đói khổ, đau đớn. Trong những lần vào rừng săn bắn, vị giám mục người Pháp Giăng Ca-xanh thuộc dòng Thừa sai Pa-ri, đã tìm thấy họ. Năm 1927, ông đã lập nên trại phong Di Linh và gắn bó suốt bốn mươi tám năm của cuộc đời mình với những người bệnh phong cho đến năm 1973 ông mất. Giờ đây, phần mộ của ông vẫn yên vị giữa trung tâm trại phong và hằng ngày những người bệnh phong vẫn đến cầu nguyện cho linh hồn vị tu sĩ giàu lòng bác ái này. Khi Giăng Ca-xanh ra đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng đặc biệt này đã đặt lên đôi vai người nữ tu sĩ Mai Thị Mậu. Lúc đó bà vừa mới 32 tuổi đến từ Sài Gòn và đã sống ở làng phong năm năm...
Sơ Mậu nói rằng: "Ðược hòa nhập cộng đồng, được đối xử bình đẳng và nhân từ là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai bị mắc bệnh phong. Vì, họ cũng là con người và có đời sống tâm hồn như bất cứ ai khác". Bà đã nói như thế và suốt gần bốn mươi năm qua đã sống và làm hết sức cho điều tâm niệm đó. Từ những năm 1968, khi chiến tranh còn ác liệt, bà đã cùng những cộng sự của mình cáng đáng trách nhiệm chữa trị, chăm nom và tổ chức cuộc sống cho hàng trăm người bệnh phong. Sơ Mậu đã đi suốt các triền rừng, dốc núi khắp cao nguyên Lang Bi-ang để tụ họ về trên ngọn đồi này. Có lúc bà đi một mình, có khi cùng với những người thiểu số làm phiên dịch tiếng bản địa. Trong trái tim là lòng từ tâm, trên đôi vai gầy là chiếc gùi đựng gạo, là muối, là thuốc, rau rừng, quà bánh. Với những người mới chớm bệnh, người nữ tu đã học qua ngành y ấy chữa trị ngay tại buôn làng; với người bệnh nặng, bà thuyết phục họ tập trung về trại phong. Cuộc tìm kiếm và thuyết phục người bệnh phong khó khăn trăm bề. Một phần do đường sá cách trở, một phần do khoảng cách ngôn ngữ và phần nhiều là do nhận thức của đồng bào còn kém. Rất ít khi bà nhận được sự hợp tác. Có lần, người bệnh thấy sơ Mậu đã sợ hãi chạy trốn. Nhưng có lẽ, chính tấm lòng rộng mở, bao dung và tình yêu thương của bà đã tạo nên sự tin cậy, gần gũi của họ. Bà như một điểm tựa tinh thần giúp họ vượt qua cái "dốc" dữ dội nhất trong cuộc đời tàn phế của mình. Và họ, những con người không lành lặn ấy, đã chọn trại phong làm ngôi nhà ấm áp, chọn sơ Mậu cùng với những người cộng sự của bà làm người thân, hay nói cách khác là những vị ân nhân...
Một giấc ngủ không sâu trong cơn đau thể xác cũng có sự vỗ về của sơ Mậu. Một người trở dạ sinh con cũng bíu chặt bàn tay bà. Ai đó xấu số qua đời thì người chia sẻ sự mất mát, đau thương đầu tiên vẫn là sơ Mậu. Con người bệnh đi học, bà lo mọi giấy tờ thủ tục. Bọn trẻ yêu đương nhau, bà góp thêm đôi lời khuyên giải; khi chúng thành gia thất, bà lại giữ vai trò chủ hôn. Bà lo từng giấc ngủ, bữa ăn, không ngần ngại khi đưa bàn tay của mình rửa ráy, băng bó cho những cơ thể lở loét. Người thầy thuốc tu sĩ ấy coi nỗi đau của người bệnh phong như chính nỗi đau trên cơ thể mình. Không chỉ bản thân bà hành động, bà còn vận động nhiều người trong xã hội cùng có chung thái độ, tình cảm, sự chia sẻ như mình. Bà nói: "Xã hội mình bây giờ có nhiều người tốt lắm anh ạ. Càng ngày càng có nhiều người đến với người bệnh của chúng tôi. Có tháng hai ba đoàn khách đến thăm hỏi, tặng quà. Vật chất không đáng là bao, nhưng tình cảm thì xúc động lắm". Và, sơ Mậu đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người trên ngọn đồi tưởng chừng heo hút này. Bà tỏ rõ niềm hạnh phúc khi nói: "Trong cuộc đời gắn bó với những người bệnh phong, ngày mà tôi vui sướng nhất chính là ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận người bệnh phong như bất cứ bệnh thông thường nào và các trường học cũng phải tiếp nhận tất cả các học sinh có tiền sử mắc bệnh phong". Sơ Mậu nói vậy, bởi vì trong lòng người thầy thuốc tu sĩ ấy mãi mãi không bao giờ quên những trăn trở, mong mỏi mà những người bệnh của bà luôn mơ ước. Bà nói vậy bởi bản thân mình đã trở thành người trong cuộc, người sẻ chia, cộng cảm với mọi buồn vui của những người mắc bệnh phong...
Từ một "trại cùi" hẻo lánh được mệnh danh là "ốc đảo Han-sen" nay đã trở thành một Trung tâm điều trị bệnh phong tầm cỡ với những thành tích rất đáng trân trọng. Ðể đạt được kết quả như vậy, điều đáng nói đầu tiên chính là nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với những chính sách và chương trình hành động cụ thể, nhờ nỗ lực của ngành y tế và địa phương với quyết tâm loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng. Nhưng trực tiếp ở đây, ở chính làng phong này, công đầu thuộc về sơ Mậu và những người cộng sự hết lòng vì người bệnh. Lòng nhân hậu và tình yêu nghề đã tạo nên một không gian ấm áp. Mỗi ngày ở đây, trên ngọn đồi đầy sắc mầu hoa lá ở Bảo Thuận, cùng với những vườn cà-phê xanh tươi ở Gia Hiệp, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như bất cứ ngôi làng nào, vùng dân cư nào. Làng phong Di Linh chở che mái ấm của 100 hộ dân với 300 khẩu, mà trong đó có hơn 150 người đã bị tàn phế hoặc mới phát bệnh. Họ nhẫn nại trên bước đường tìm kiếm sự thành công trong điều trị bệnh, với niềm tin và mơ ước yên lành cho cơ thể cũng như tâm hồn. Họ gắng sức tạo lập một cuộc sống dù còn lắm gian truân, nhưng cũng đầy ý nghĩa. Con, cháu họ, những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất trại phong đã trả lời cho xã hội những câu hỏi bấy lâu còn chưa được giải đáp thỏa đáng. Chúng lớn lên, lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn, được chăm sóc dạy dỗ tử tế, nhiều em đã bước qua cổng trường đại học. Nhiều em trong số đó sau những tháng ngày đèn sách, đã trở về với làng phong trong vai trò thầy giáo hay thầy thuốc, góp sức cùng "mẹ Mậu", cùng mọi người và cả cộng đồng xoa dịu nỗi đau chung...
Ðã ở tuổi 65, nhưng sơ Mậu vẫn nhanh nhẹn, tháo vát và đầy nhiệt huyết với công việc của mình. Có lẽ bà không biết mệt mỏi? - Tôi hỏi. Anh hùng Lao động Mai Thị Mậu nói rằng: "Nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm chứ. Nhưng, những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi được quyền nghỉ ngơi. Tôi phải ở bên họ, chăm sóc họ. Cùng với những người đồng nghiệp, đồng đạo và cả xã hội này, tôi góp chút tình cảm và sức lực của mình làm dịu phần nào nỗi đau của những người bệnh phong. Cuộc đời tôi đã thuộc về họ". Tôi cảm nhận, đó chính là những lời nói xuất phát từ đáy lòng của người nữ thầy thuốc tu sĩ anh hùng.
UÔNG THÁI BIỂU