Lai Châu đối thoại vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

NDO -

NDĐT - Chiều nay, 22-5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp "Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp", với sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đại diện các hợp tác xã, đoàn viên thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu trả lời các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp tại diễn đàn.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu trả lời các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp tại diễn đàn.

Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, trong năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tính theo giá hiện hành là hơn 15 nghìn tỷ đồng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực; tỉnh có nhiều chính sách và đã thu hút được 199 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 110.717 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã và đang phát huy được hiệu quả, khẳng định sức hút của Lai Châu.

Đến nay, tỉnh Lai Châu có tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập là hơn 1.400 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 27.000 tỷ đồng; trong đó loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH gần 1.000; Công ty cổ phần gần 300; Doanh nghiệp tư nhân hơn 146. Số doanh nghiệp, hợp tác xã kê khai thuế đạt hơn 1.200 và giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động.

Với tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đã được xác định trên tất cả các lĩnh vực, ngoài những dự án đã có, tỉnh Lai Châu tiếp tục kêu gọi thu hút vào các lĩnh vực, như: chế biến lúa gạo chất lượng cao, trồng và chế biến chè, quế, mắc-ca. Các dự án phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, như: sâm, tam thất, nấm linh chi, hoa phong lan; nuôi trồng thủy sản lòng hồ và các dự án du lịch...

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có hơn 200 ý kiến, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu ở bốn nhóm lĩnh vực, như: chính sách của tỉnh hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, định hướng phát triển dược liệu. Vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm thủ tục giao đất, chuyển quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc chậm bổ sung quy hoạch lưới điện gây ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Khó khăn trong thu hút được khách du lịch, chính sách hỗ trợ, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chậm giải quyết thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đất đai, khai thác khoáng sản; việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo.

Phát biểu tiếp thu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Trần Tiến Dũng cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu khi đến Lai Châu. Lai Châu sẽ cố gắng để trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu các đề xuất, tư vấn, kiến nghị của các doanh nghiệp để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, với các lĩnh vực liên quan trực tiếp, các ngành, các cấp phải bằng hành động cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có được môi trường hoạt động công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh; gắn mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh Lai Châu cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của tỉnh để các nhà đầu tư mới hội nhập với cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tại diễn đàn đối thoại, Ban Vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu đã ra mắt, nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Lai Châu đối thoại vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp trình bày ý kiến kiến nghị của đơn vị tại diễn đàn.