Bỏ bằng cấp, chạy lấy người...
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Lai Châu, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 bác sĩ học các hệ chuyên tu, cử tuyển đã chuyển công tác, bỏ việc hoặc học xong không về nhận công tác. Trong đó, có 16 bác sĩ được cử đi học bằng tiền của dự án đào tạo do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Theo cam kết với WB, mỗi bác sĩ được hưởng nguyên lương trong thời gian đi học cùng khoản tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo 30 triệu đồng/năm trong vòng bốn năm (khoảng 120 triệu đồng), học xong phải phục vụ nơi cử đi tối thiểu ba năm. Nhưng hầu hết các bác sĩ này học xong, người thì bỏ việc luôn, người ở lại công tác dài nhất một năm, còn lại thì được vài tuần hay vài tháng...
Ngành y tế đã dùng nhiều biện pháp để giữ chân bác sĩ, quy định và bắt buộc cán bộ khi đi học phải cam kết sau khi ra trường phục vụ cho tỉnh tối thiểu năm năm và Sở Y tế sẽ quản lý bằng cấp của đội ngũ này. Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Lê Phú Hiếu cho biết: "Ðể đề phòng bác sĩ lấy bằng rồi bỏ việc không về, Sở Y tế cử người về tận trường để "ốp", lấy bằng luôn tại phòng đào tạo của trường. Buổi lễ phát bằng cho các bác sĩ vừa tốt nghiệp chỉ là trao tượng trưng. Tuy nhiên, sau đó có trường hợp mượn bằng đi phô-tô công chứng rồi bỏ việc. Hoặc "bỏ của chạy lấy người", để lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp để về xuôi công tác. Về dưới xuôi, họ chỉ cần đến trường xin cấp lại giấy chứng nhận tốt nghiệp, hoặc là dùng bằng phô-tô công chứng đi xin việc, vẫn ổn như thường...".
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, trong bốn năm trở lại đây tổng cộng 227 người ở Lai Châu được cử đi học, tốt nghiệp bác sĩ, thì có 23 bác sĩ (khoảng 1/10 số cán bộ y tế) được đi học đã không về nhận công tác... Ðiều đáng nói nhất là nhiều người đã lên tới cấp phó trưởng phòng, phó trưởng khoa, cũng vẫn bỏ việc.
Nên có chính sách đãi ngộ thỏa đáng
Bước vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, "đập ngay" vào mắt chúng tôi là tấm biểu ngữ tại sảnh lớn với dòng chữ: "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo và sử dụng, đãi ngộ đặc biệt".
Trả lời băn khoăn này của chúng tôi, cũng chính là lời giải đáp cho nguyên nhân tại sao bác sĩ bỏ việc nhiều như thế, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lê Phú Hiếu cho biết, trong Quyết định 29 của UBND tỉnh Lai Châu ban hành năm 2011 về hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao về Lai Châu làm việc, thì với ngành y tế, không có thu hút dành cho... bác sĩ mới tốt nghiệp. Trong khi một số ngành khác như kiến trúc, giao thông, thủy lợi, xây dựng thì có chế độ thu hút từ 20 đến 50 triệu đồng, được xét tuyển biên chế ngay. Chính sách thu hút dành cho ngành y chỉ từ thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, II trở lên (mức trợ cấp thu hút là từ 100 đến 150 triệu đồng).
Chính sách thu hút chỉ là một chuyện, còn chế độ sử dụng và đãi ngộ cho ngành y tại Lai Châu đang được áp dụng mới là vấn đề. Bác sĩ thường ở Lai Châu sau mười năm học hành và công tác (sáu, bảy năm học; ba, bốn năm công tác) chỉ hưởng lương hành chính sự nghiệp từ 3,5 đến 4,2 triệu đồng/tháng. Bác sĩ chuyên khoa I (trung bình mất 15 năm học và công tác) lương cơ bản vỏn vẹn 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra được thêm một số khoản phụ cấp, tiền trực ít ỏi nữa. Công việc làm, khám, chữa bệnh ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập hoàn toàn không có.
Bác sĩ Tống Thị Chinh, Trung tâm HIV/AIDS của tỉnh cho biết, khi chị cùng đồng nghiệp phát thuốc cho đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Tè, có khi còn phải góp tiền mua mì tôm cho bệnh nhân ăn để lấy sức uống thuốc. Chính vì vậy, bác sĩ ngoại chuyên khoa II của Lai Châu hiện nay duy nhất có đồng chí Ðỗ Văn Giang (Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh kiêm Phó Giám đốc Sở Y tế) suốt ngày phải đi phẫu thuật không có thời gian để điều hành công việc hành chính của bệnh viện. Toàn tỉnh hiện có gần 300 bác sĩ với tỷ lệ là 7,2 bác sĩ trên 10 nghìn dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là số lượng, còn số bác sĩ giỏi thật sự của cả tỉnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bên cạnh chế độ lương và đãi ngộ của Nhà nước, hiện nay do cơ chế vướng mắc nên rất nhiều bác sĩ mới tốt nghiệp tại Lai Châu chưa được quan tâm chuyển ngạch, nâng bậc. Ðó là đội ngũ bác sĩ, còn lại 17 ngạch khác do Sở Y tế quản lý cũng đang gặp phải vấn đề nêu trên. Tất cả những việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và khiến đội ngũ cán bộ ngành y của tỉnh thiếu yên tâm công tác. Với sự chênh lệch về sử dụng và chế độ đãi ngộ như thế, trừ người địa phương, học xong về công tác, còn lại khó có bác sĩ nào dám bám trụ và phấn đấu. Ðể khắc phục nạn "chảy máu" chất xám ngành y của tỉnh Lai Châu, chỉ có thể trông chờ vào việc cải thiện chính sách của tỉnh, Nhà nước để thu hút nhân tài cho vùng dân tộc và miền núi.