Kỹ thuật trồng đậu tương DT84, DT96 và DT99 cho năng suất cao

Tiến sĩ Mai Quang Vinh giới thiệu giống đậu tương DT96 tại mô hình khuyến nông Hợp tác xã Vạn Hoa (Lào Cai).
Tiến sĩ Mai Quang Vinh giới thiệu giống đậu tương DT96 tại mô hình khuyến nông Hợp tác xã Vạn Hoa (Lào Cai).

Chuẩn bị đất và bón phân:

Chọn đất chủ động tưới tiêu, cát pha, ít chua.

Làm đất khô: Làm đất toàn diện, cày bừa kỹ, lên luống rộng 1-1,2 m; rạch hàng gieo hạt ba hàng dọc, hoặc theo hàng ngang sâu 5-7 cm, hàng cách nhau 35-40 cm, hàng ngoài cách mép luống 10-15 cm.

Làm đất ướt: Đất phải cày, lên thành luống để bảo đảm thoát nước tốt. Bề mặt luống rộng 1,2 m, rãnh rộng 30-40 cm, sâu 20-25 cm. Rạch hàng gieo hạt rạch ngang, sâu 2-3 cm, hàng cách nhau 35-40 cm.

Lượng phân bón cho 1 ha:

Phân chuồng 7-8 tấn (250-300 kg/sào Bắc Bộ)

Urê 80-110kg (3-4 kg/sào)

Super lân 330-420 kg (12-15 kg/sào)

Kali Clorua 110-170 kg (4-6 kg/sào)

Vôi bột 270-400 kg (10-15 kg/sào áp dụng trên đất chua); hoặc phân hỗn hợp NPK 5-10-3 khoảng 500-700 kg (20-25 kg/sào).

Đối với vụ hè, giảm lượng urê bằng nửa mức bón trên.

Thời vụ gieo hạt và chăm sóc:

Thời vụ: Vụ xuân từ 20-2 đến 1-4; vụ hè từ 25-5 đến 25-6, vụ hè thu trước 30-7, vụ đông 1-9 đến 5-10, riêng giống DT99 có thể gieo đến 10-10.

Bón phân, gieo hạt:

Trên đất khô: Đối với phân rời, bón lót toàn bộ phân chuồng và lân, cùng 1/2 lượng urê hoặc NPK vào rạch, lấp nhẹ, gieo hạt bên cạnh, cách phân 5 cm, lấp hạt sâu 1-2 cm.

Trên đất ướt: Toàn bộ phân chuồng ủ hoai mục+lân+vôi bột và trộn thêm trấu với đất màu khô theo tỷ lệ 1:1 để lấp hạt, độ sâu 1-2 cm, nên gieo thêm 0,5 -1 m2 mạ đậu tương ở đầu bờ để dặm.

Tỉa dặm khi cây con chưa có lá nhặm (5-7 ngày sau gieo) ở các chỗ khuyết mật độ.

Xới xáo làm cỏ lần một khi cây chưa có lá thật (lá nhặm ba thùy), lần hai khi cây có 5-6 lá kết hợp bón thúc đợt hai với lượng urê và kali hoặc NPK còn lại và vun cao gốc.

Nếu cây phát triển kém do úng, hạn cần pha nước phân chuồng ngâm phân lân và urê pha loãng tưới 2-3 lần.

Phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch:

Phòng dòi đục thân khi cây có hai lá sò, phun dipterex 0,2% +Selecron 0,15% hoặc Bassa 0,1%, Ofatox 0,15% (đặc biệt cho vụ đông).

Phòng sâu ăn lá, nụ, hoa, đục quả bằng Ofatox, Regent hoặc Selecron 0,2% khi cây có 2-3 lá thật cho đến trước khi ra nụ; khi cây ra nụ đến trước nở hoa và sau khi tắt hoa.

Phòng bọ xít hại quả giai đoạn quả non đến vào chắc bằng Bi-58, Bassa, Selecron... Có thể kết hợp phun với các chế phẩm bón lá để tăng năng suất ở thời kỳ sinh trưởng thân lá.

Lúc một nửa số quả chuyển sang khô vỏ quả, chọn ngày nắng ráo, cắt gốc bỏ lại lá già làm phân (dùng 50 g muối -một chén to- pha cho bình 10 lít phun trước một tuần vào sáng sớm làm rụng lá).

Rải cây trên sân phơi tái một nắng, đêm ủ đống cao không quá một m, đến ngày thứ ba  đem phơi một nắng đập lấy hạt đợt một làm giống, ủ đống tiếp hai ngày sau đó đem phơi rồi đập thu toàn bộ hạt.

Phơi hạt khô tới khi cắn không dính răng (thủy phần đạt 13-14%) để nguôi rồi mới đem vào bảo quản.

Trong quá trình canh tác, bà con nông dân nào muốn biết thêm chi tiết về giống hoặc kỹ thuật, xin liên hệ với Tiến sĩ Mai Quang Vinh, giám đốc Trung tâm tư vấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - Viện Di truyền nông nghiệp, đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội.

Điện thoại/FAX: (04)8364.315.
E-mail: mqv@hn.vnn.vn.

MINH TRANG           
(Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
và Viện Di truyền nông nghiệp)