Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cầu Nhe là cửa ngõ quan trọng chung huyết mạch với Ngã ba Đồng Lộc nối hậu phương lớn miền bắc với tiền tuyến lớn miền nam. Sau hơn một tháng huấn luyện, Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Hải Phòng nhận lệnh vào miền nam chiến đấu. Đến trưa 15-4-1968, khi đơn vị vừa đến Cầu Nhe thì bị máy bay địch phát hiện và trút bom vào giữa đội hình. 70 người vĩnh viễn nằm xuống nơi đây, riêng Tiểu đoàn 351 có 53 chiến sĩ hy sinh, số còn lại là bộ đội và dân quân địa phương. Họ mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Can Lộc thân yêu, những đồng đội còn lại tiếp tục hành quân vào miền nam chiến đấu.
Để tưởng nhớ sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, năm 2005, Nhà bia - Miếu thờ các liệt sĩ hy sinh tại Cầu Nhe đã được xây dựng. Ngày 27-01-2014, UBND tỉnh công nhận Nhà bia - Miếu thờ liệt sĩ Cầu Nhe là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, các hạng mục của nhà bia, miếu thờ các Anh hùng liệt sĩ, khu mộ 53 liệt sĩ và ngôi mộ chung cùng các hạng mục khác đã được hoàn thành, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hải Phòng đã trao một suất quà trị giá 10 triệu đồng cho xã Vĩnh Lộc, 53 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho thân nhân 53 Anh hùng liệt sĩ. UBND quận Hồng Bàng và huyện An Dương, TP Hải Phòng trao 40 suất quà (500 nghìn/suất) cho các gia đình chính sách trên địa bàn và quà lưu niệm cho Khu di tích lịch sử Cầu Nhe.
Ngay sau lễ kỷ niệm, diễn ra chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ cho sự bình yên, tươi đẹp của Tổ quốc hôm nay.
Cũng trong sáng nay, huyện Can Lộc tổ chức lễ cắt băng khánh thành cầu Nhe. Công trình có tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng, có thiết kế chiều dài 24m, rộng 10m, do huyện Can Lộc làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Phúc Đạt (TP Hà Tĩnh) thi công. Sau hơn hai tháng thi công, cầu Nhe được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân địa phương.