Dự Lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân đoàn 3, đại diện chỉ huy các đơn vị quân đội từng chiến đấu tại chiến trường Đăk Tô; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên; đại diện lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố và đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Với vị trí chiến lược quan trọng, Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn diễn ra tại đây, như: Chiến dịch Đăk Tô I vào năm 1967, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Đăk Tô II vào năm 1969, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên; đặc biệt là chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên, trọng điểm là chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh.
Đêm 23, rạng sáng ngày 24/4/1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về phía Tây và phía Bắc, Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng của Mặt trận, do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy bất ngờ từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch. Các vị trí trọng yếu của địch lần lượt bị quân ta tiêu diệt, phá hủy. Trước sức tấn công dũng mãnh, kiên cường của quân đội ta, quân địch đã hoàn toàn thất bại.
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh được coi là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Đăk Tô-Tân Cảnh, bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh, trong đó có rất nhiều sĩ quan cấp tá, cấp úy.
Để có được chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, phải kể đến trận đánh tại Điểm cao 1015 (đồi Charlie) và điểm cao 1049 (đồi Delta), thuộc hai huyện Sa Thầy và Đăk Tô. Nơi đây là pháo đài kiên cố của địch nằm án ngữ giữa vùng Ngã ba biên giới, trấn giữ căn cứ Đăk Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum từ xa. Chiến thắng tại hai cao điểm đã đập tan toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch ở bờ tây sông Pô Kô, góp phần giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân Hè 1972. Tạo điều kiện cho các lực lượng tấn công tiêu diệt cứ điểm Kleng, giải phóng hoàn toàn huyện Sa Thầy vào ngày 9/5/1972 và tiếp tục vây lấn đánh vào thị xã Kon Tum trong bước hai của chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972.
Tại buổi lễ, đồng chí Dương Văn Trang khẳng định, 50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
"Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thời gian tới là rất nặng nề, với nhiều khó khăn, thách thức; song với bề dày truyền thống và những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, đưa quê hương Kon Tum ngày càng phát triển" đồng chí Dương Văn Trang bày tỏ sự tin tưởng.
Tại buổi Lễ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 chia sẻ với các đại biểu và nhân dân về những khó khăn và sự ủng hộ trong sáng, hết mình của nhân dân địa phương trong trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh. Tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã nằm xuống cho sự độc lập, thống nhất của đất nước.
“Nếu không có đồng bào che chở, thì bộ đội ta khó có thể giành được Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972, mà không có chiến thắng 1972 thì không có 30/4/1975 bởi những năm 1969-1970, bộ đội ta đã phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng cũng như tình trạng thiếu thốn lương thực. Trong ngày lễ trang trọng này, thay mặt cho các anh em đã chiến đấu ở Kon Tum, tôi xin cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của bà con nhân dân trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Và bây giờ, tôi lại xin được cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Tum sau 50 năm vẫn luôn nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để có một Kon Tum phát triển như ngày hôm nay”, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước xúc động nói.
Đại diện cho tuổi trẻ Kon Tum, đồng chí Y Việt Sa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Kon Tum chia sẻ: 50 năm đã trôi qua, song truyền thống oanh liệt và tinh thần Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh vẫn toả sáng cho đến hôm nay và mãi sau này. Tuổi trẻ Kon Tum xin hứa sẵn sàng xung kích, tình nguyện, khát vọng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực trong học tập, lao động để cùng tổ chức và nhân dân các dân tộc đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững như tinh thần cốt lõi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, góp phần dựng xây Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường.
Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vui mừng được đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử điểm cao 1015 và điểm cao 1049, bổ sung vào Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh.
Kết thúc Lễ Kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Kỷ niệm với chủ đề "Đăk Tô-Tân Cảnh - Một thời hoa lửa" với những tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất và người Kon Tum trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng tỉnh nhà.