Tới dự tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; Ðại sứ, Tùy viên Quốc phòng các nước, Trưởng đại diện Phái đoàn EU và Trưởng đại diện cơ quan UNDP tại Hà Nội. Tại điểm cầu các nước có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ADMM+; Tổng Thư ký ASEAN; Bộ trưởng Quốc phòng các nước khách mời.
Trong thông điệp gửi tới buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, khẳng định lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+ là sự kiện đánh dấu chặng đường hợp tác quan trọng, góp phần thiết thực vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định khu vực của Cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt. Thủ tướng đánh giá cao những bước trưởng thành của ADMM+ trong 10 năm qua; ADMM+ thật sự là một cơ chế có tầm vóc vô cùng lớn lao, đã và đang phát huy hiệu quả vai trò là cơ chế tham vấn cấp chính sách và hợp tác thực chất về quốc phòng - an ninh cấp Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời có những bước chuyển mình phát triển phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình thực tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên.
Thủ tướng cho rằng, để ứng phó hiệu quả với các vấn đề chung của nhân loại và khu vực, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, hơn bao giờ hết, tất cả các quốc gia trên thế giới cần hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển; người dân cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Ðiều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thái độ thiện chí của các bên. Ðây là lúc các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực với vai trò trụ cột, dẫn dắt của ASEAN cần được phát huy và ADMM+ chính là một trong những cơ chế đó. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của cơ chế hợp tác quốc phòng ADMM và ADMM+ trong năm 2020 với cách làm mới, bao gồm việc tổ chức các hội nghị bằng hình thức trực tuyến, góp phần duy trì đối thoại, giữ vững đà hợp tác trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác...
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, một trong những dấu mốc quan trọng trong những đóng góp của Việt Nam, cũng là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN là sự ra đời của ADMM+ năm 2010 tại Hà Nội, đánh dấu sự hình thành một cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực thông qua đối thoại cũng như các hoạt động hợp tác thực chất về quốc phòng, an ninh, xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực. Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN cũng như ADMM+, Việt Nam sẽ tiếp tục làm hết sức mình cùng các nước ASEAN, các nước bạn bè, đối tác, đặc biệt là các nước Cộng đóng góp cho một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong chương trình buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng các nước: Nhật Bản, Ấn Ðộ , Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu chúc mừng kỷ niệm 10 năm ADMM+.
★ Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7. Ðại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì hội nghị. Tới dự tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng; Ðại sứ, Tùy viên Quốc phòng, Tùy viên Quân sự các nước. Tại điểm cầu các nước có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN, tám nước gồm: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ấn Ðộ và Tổng Thư ký ASEAN.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng các nước ADMM+ và Ban Thư ký ASEAN đối với Việt Nam trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Ðồng thời nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nước ADMM+ đã chủ động thích ứng, triển khai nhiều sáng kiến, cách làm mới qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số nên hợp tác quốc phòng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy... Ðồng thời nêu rõ, hội nghị ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng mà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch; đồng thời đề xuất tại hội nghị này, các đại biểu tiếp tục trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực, đặc biệt là ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong thời gian tới.
Hội nghị đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ về tầm nhìn chiến lược an ninh. Tuyên bố chung này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 và kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+; thể hiện sự thống nhất cao, sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngay sau khi kết thúc chương trình nghị sự ADMM+ đã diễn ra lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho Bộ Quốc phòng Bru-nây Ða-rút-xa-lam.
Phát biểu ý kiến tại lễ bàn giao, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định tin tưởng rằng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Bru-nây Ða-rút-xa-lam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần "hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong ADMM và ADMM+; không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên ADMM+ sẽ tích cực ủng hộ Bru-nây Ða-rút-xa-lam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021.
PV