Kinh tế Quảng Ngãi tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh

NDO -

Năm 2021, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức như thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, song với sự lãnh đạo đúng định hướng, linh hoạt, hiệu quả, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng cao so các tỉnh duyên hải miền trung.

Quang cảnh Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ 6, khóa 20.
Quang cảnh Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ 6, khóa 20.

Đây là nhận định của Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại Hội nghị lần thứ 6, khóa 20 được tổ chức vào sáng 3/12. Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (GRDP) tăng 6% so cùng kỳ.

Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp ngoài lọc hóa dầu ước đạt hơn 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, nhưng phát triển của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ở tỉnh đạt được những kết quả đáng kích lệ, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 85,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,72 tỷ USD).

Thu ngân sách đạt 22.366 tỷ đồng, đạt 123,6% dự toán, vượt chỉ tiêu Trung ương giao; kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, ước đạt 2.570 triệu USD, tăng 53,4% so cùng kỳ, vượt 46,9% kế hoạch năm; các hoạt động văn hóa-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội được duy trì, đời sống nhân dân, nhất là ở vùng dịch được quan tâm; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những kết quả đạt được trong năm 2021 là nhờ sự quyết tâm trong tổ chức triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và sự hỗ trợ thiết thực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh góp phần giúp nhân dân từng bước vượt qua khó khăn.

Đồng chí chỉ ra nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm, cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tổ chức triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu. Ở các cấp, các ngành, vẫn còn biểu hiện thụ động, chưa thật sự “sáng tạo”, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hoạt động kinh tế chịu thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề do tác động dịch Covid-19, sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Giá một số nông sản giảm mạnh, thị trường không ổn định, khó khăn trong tiêu thụ; sức mua giảm.

“Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, là năm triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa 20, tạo nền tảng góp phần vào việc hoàn thành những mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do vậy, cần phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với phục hồi phát triển kinh tế-xã hội”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5-6%, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 3.280 USD/người; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ trong GRDP khoảng 64-65%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 29-31 nghìn tỷ đồng; năng suất lao động tăng 5-6%.