Từ giữa tháng 2/2022, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi: Công ty cổ phần MNS Feed (hệ thống nhà máy Proconco và Anco), Công ty TNHH De Heus, Công ty TNHH CJ Vina Agri…, tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm từ 200 đến 300 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng theo, cụ thể: Giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60 kg đến xuất chuồng là 11.295 đồng/kg (tăng 20,8%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng là 11.778 đồng/kg (tăng 18,3%), gà thịt lông màu là 11.290 đồng/kg (tăng 19,2%), mức tăng khá cao so với thời gian trước đó. Giá thức ăn chăn nuôi tăng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi vì thức ăn chiếm từ 65 đến 70% cơ cấu giá thành sản phẩm.
Nguyên nhân chính khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là bởi sản xuất phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác. Ðơn cử tháng 1/2022, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là 351,83 triệu USD, chủ yếu nhập ngô từ Argentina, Brazil, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang dần khan hiếm, dự báo năm nay sản lượng đậu tương ở Nam Mỹ sẽ còn giảm nhiều so với năm trước, ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. Trong khi đó, các chi phí liên quan như phí vận chuyển quốc tế, phí kho bãi tại cảng nhập, phí vận chuyển (phí logistics) trong quá trình phân phối lưu thông trong nước đều tăng. Việc vận chuyển cơ bản bằng đường bộ, đường sắt cho nên công suất thấp, phí lại cao.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 9,5 triệu tấn ngô, bốn triệu tấn khô dầu đậu tương, gần hai triệu tấn lúa mì và cám các loại. Thí dụ như ngô của nước ta, năng suất chỉ đạt từ 5 đến 6 tấn/ha, trong khi ngô của Mỹ năng suất là hơn 10 tấn/ha, chất lượng tốt hơn, giá hợp lý hơn. Mặt khác, vẫn còn lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp (rơm lúa, bã dứa, bã sắn, vỏ điều, vỏ cà-phê...) có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (khoảng 62 triệu tấn) đang bị lãng phí do công nghệ chế biến ở nước ta còn yếu (chỉ sản xuất được gần 1,5 triệu tấn thức ăn giàu đạm/năm).
Theo các chuyên gia, để kìm giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cần thực hiện ngay một số giải pháp căn cơ như: Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ động tìm kiếm và tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, nhất là nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp có thể làm thức ăn chăn nuôi, không để lãng phí; dần dần thay thế một phần nguồn nhập khẩu. Cần có các chính sách thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tham gia đầu tư tạo vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn. Cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn nguyên liệu chính để làm thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, nên đẩy mạnh các quy trình, công nghệ chế biến phụ phẩm trong ngành trồng trọt, thủy sản để sản xuất ra những sản phẩm thức ăn có thế mạnh trong nước. Cùng với đó, các cơ sở chăn nuôi nên tiếp tục áp dụng công nghệ cao vào chuồng trại, thiết bị, con giống để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, giảm tiêu tốn thức ăn chăn nuôi. Hộ chăn nuôi cần liên kết sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để thu hẹp các khâu trung gian nhằm giảm giá thức ăn chăn nuôi. Chú trọng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Về lâu dài, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi để không chỉ cung cấp dữ liệu về ngành thức ăn chăn nuôi, kiểm soát những bất cập trong ngành này mà còn hỗ trợ minh bạch thông tin phục vụ nông hộ, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời mang lại "sân chơi" công bằng cho các chủ thể liên quan. Nếu làm đồng bộ, có hiệu quả thì ngành chăn nuôi sẽ nâng cao sức cạnh tranh, dần dần khắc phục việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước và có "đất" phát triển tốt ■
ANH QUANG