Ðối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh chú trọng nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn, nuôi tôm nước lợ tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu thị trường; đẩy mạnh nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi thủy sản ở vùng biển xa.
Tỉnh đang tập trung thực hiện các dự án, như: Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (WB9); nâng cấp cảng cá Tắc Cậu; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Cái Lớn - Cái Bé; khu neo đậu tránh trú bão kết hợp nâng cấp, mở rộng cảng cá Thổ Chu; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương). Ngoài ra, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến ngư; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất; quản lý vật tư, vệ sinh an toàn thực phẩm. Những năm qua, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang đạt bình quân 500 đến 600 nghìn tấn/năm; nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, ven đảo, quần đảo phát triển nhanh và đa dạng.
★ Bình Thuận ưu đãi thu hút đầu tư
Tỉnh Bình Thuận chủ trương đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư, nhằm khai thác các nguồn lực sẵn có cũng như phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trên tất cả các lĩnh vực, nhất là du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo đảm thân thiện môi trường. Cùng với các chính sách ưu đãi tối đa theo quy định nhà nước, tỉnh thực hiện một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù; trong đó coi trọng hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, thường xuyên đối thoại trực tiếp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan môi trường đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, vốn, các thủ tục cấp phép xây dựng, thuế…, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Một trong những thế mạnh hiện nay của tỉnh để thu hút đầu tư là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Ðặc biệt, tỉnh được quy hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất hơn 12 nghìn MW vào năm 2020. Tỉnh hiện có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió) với tổng vốn đầu tư gần 176 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 39 dự án đã đi vào hoạt động (26 dự án điện mặt trời và 13 dự án điện gió) với tổng công suất 1.832 MWp và tổng vốn đầu tư là 59 nghìn tỷ đồng. Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Thuận có chín khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp (tổng diện tích 4.092 ha). Ðến nay, có sáu khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đã và đang được triển khai đầu tư.