Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa một mặt góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, tạo đà tiếp tục đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác cũng tạo những áp lực rất lớn tác động lên môi trường ở nước ta thời gian qua.
Nhiều dự án, cơ sở đang đầu tư, vận hành tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc các lĩnh vực như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Ðây đang là thách thức không nhỏ đối với công tác kiểm soát các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ở nước ta thời gian qua.
Ðể hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã duy trì hoạt động giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động, đồng thời hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “bốn bên” (Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao)...
Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương như: Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Hà Nội, Hậu Giang, Bình Dương, Nghệ An, Hưng Yên… cũng đã chủ động rà soát các dự án lớn, nhà máy thuộc phạm vi quản lý để yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 264/291 khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 91%), với tổng công suất tối đa đạt khoảng 2,4 triệu m3 nước thải/ngày đêm. Các khu công nghiệp còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn quốc gia về môi trường trước khi xả ra môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Trong số các khu công nghiệp đang hoạt động, có 239/264 khu công nghiệp có hệ thống quan trắc trước thải tự động (đạt tỷ lệ 90,5%); 234/264 khu công nghiệp đã xác nhận hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường; 74/264 khu công nghiệp đã có công trình phòng, ứng phó với sự cố môi trường hoặc hồ sơ ứng phó sự cố môi trường.
Ðối với 735 cụm công nghiệp, hiện có 162 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 22%); 292 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, trong đó có 30 cụm công nghiệp đã thực hiện xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (chiếm tỷ lệ 20%)…
Về làng nghề, hiện có 423 trong tổng số 1.951 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải (chiếm 21,7%); tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 16,1% Riêng đối với 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay có 11 làng nghề đã hoàn thành các biện pháp khắc phục ô nhiễm hoặc tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, chấm dứt hoạt động về cơ bản không còn ô nhiễm; 23 làng nghề đang triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Tiến sĩ Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức như: Hiện, mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý.
Trong khi đó, vẫn còn không ít cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vẫn còn nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Việc xây dựng các chính sách, giải pháp phù hợp bảo đảm hoạt động bền vững của các làng nghề truyền thống đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng do chính thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân…
Nhằm kiểm soát tốt hơn các nguồn thải lớn, cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trong đó yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lập và thực hiện phương án, tổ chức tự quản và xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở các làng nghề; đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cả các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề.
Mặt khác, tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình tổ chức giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường cao tại các địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, nhất là tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương, nhất là mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, các địa phương lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường các cấp và tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, trong đó chú trọng đến huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố môi trường; đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu các công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương mình quản lý.