Ao hồ trũng ngập thành khu đô thị
Sự xuất hiện một số KĐT mới ven Hà Nội, đa dạng về thể loại nhà ở (nhà liền kề, biệt thự, chung cư...) đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 không những đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô vốn đang bức bối mà còn góp phần đô thị hóa, biến nhiều làng thành phố với nếp sống mới. Đó là nhận định trong công trình nghiên cứu của TS, KTS Lương Tú Quyên và TS, KTS Đỗ Thị Kim Thành, Khoa Quy hoạch - đô thị nông thôn, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Gần 20 năm trước, cửa ngõ phía nam Hà Nội còn nhiều ao hồ, trũng ngập, dân cư thưa thớt. Làm gì để thay đổi là câu hỏi khó với thành phố Hà Nội lúc ấy. Và Tổng công ty phát triển nhà và đô thị (HUD) đã có câu trả lời khi ngày 15-6-1997, chính thức khởi công xây dựng KĐT mới Linh Đàm trên vùng trũng ngập, khởi động mô hình KĐT mới đầu tiên trong cả nước. Một thời gian sau, diện mạo của một KĐT rộng 184,09 ha làm bừng sáng cả vùng cửa ngõ cách trung tâm thành phố khoảng bảy km. Hiện đại nhưng KĐT Linh Đàm vẫn giữ được lợi thế về vị trí cảnh quan thiên nhiên đẹp với nhiều công trình di tích lịch sử đã được xếp hạng và hồ nước được quy hoạch rộng 74 ha. Toàn bộ dự án khu hồ Linh Đàm được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị hiện đại kết hợp nét đặc trưng phản ánh đặc điểm và bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan đô thị hài hòa với cảnh quan chung của toàn vùng, khai thác nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như diện tích mặt nước hồ, tạo ra những công viên với mật độ cây xanh rất cao (13m2/người). Tại đây, mô hình chung cư cao tầng có lắp đặt thang máy đầu tiên ở Thủ đô được xây dựng và quản lý thống nhất, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đồng bộ, với gần 4.000 căn nhà xây mới, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng phục vụ hàng chục nghìn người dân đến định cư. KĐT Linh Đàm đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn danh hiệu Công trình kiến trúc tiêu biểu thời đổi mới và được Bộ Xây dựng công nhận là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.
Còn ở cửa ngõ phía tây Hà Nội hơn 10 năm trước, ít ai có thể hình dung những cánh đồng ở quanh làng Văn La, Văn Phú thuộc tỉnh Hà Tây cũ lại có thể biến thành một KĐT hiện đại. Lúc đó, Hà Tây với lợi thế cận kề Thủ đô mà thu hút các nhà đầu tư còn kém xa các tỉnh khác. Lùm xùm quanh chuyện giải phóng mặt bằng ở khu An Khánh thời điểm ấy khiến các nhà đầu tư e ngại. Những cánh đồng quê lụa vẫn một năm vài vụ lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau, nông dân khó sống với nghề nông, trong khi Hà Nội và cả thị xã Hà Đông đang phát triển nhanh, nhà ở không theo kịp sự gia tăng của dân số, chẳng khác nào cơ thể đã lớn trong chiếc áo quá chật, tạo áp lực xã hội lớn.
Không ai ngờ, doanh nghiệp “liều” đầu tư xây dựng KĐT mới lúc ấy là một cái tên rất xa lạ: Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh (sau đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - invest) do Nhà nước làm chủ sở hữu, chi nhánh ở Hà Nội. Năm 2005 đơn vị này dốc 18 nghìn tỷ đồng đầu tư quả là “canh bạc” lớn... Chỉ mấy năm sau, một KĐT hiện đại, thay đổi hẳn diện mạo của vùng quê thuần nông. KĐT Văn Phú được xây dựng trên diện tích 94,8 ha, quy mô dân số khoảng 20 nghìn người được ví như một thành phố thu nhỏ trong lòng quận Hà Đông với sự kết hợp hài hòa giữa các khu nhà ở, công viên cây xanh và các công trình xã hội. Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng KĐT Văn Phú thuộc KĐT hạ tầng loại 1, đồng bộ về hạ tầng xã hội, mật độ xây dựng không cao, dưới 50%, đường rộng lớn, chọn xây nhà liên kề nhiều hơn chung cư để giảm mật độ dân số. Làm như vậy, lợi nhuận không cao nhưng để lại sản phẩm tốt cho xã hội. Chúng tôi còn chủ động đầu tư xây một trường mầm non, hai trường tiểu học và một trụ sở UBND phường, bàn giao sớm cho địa phương”.
Phong cách sống mới hình thành
KĐT Văn Phú đã kéo theo hai làng Văn La - Văn Phú thành phường và những người nông dân chuyển dần thành thị dân. Họ không còn mưu sinh bằng đồng ruộng nữa mà chuyển đổi nghề, tham gia làm các công việc dịch vụ trong KĐT hay trở thành công nhân, buôn bán nhỏ hoặc gắn bó với các nghề thủ công truyền thống. Nếp sinh hoạt cũng thay đổi theo nếp sống hiện đại, văn minh hơn. Gia đình ông Hoàng An ở phường Văn Phú đã rời ngôi nhà đất xây kiểu cũ vốn thiếu ánh sáng và nhiều cột để chuyển lên căn hộ chung cư gần đó. Giờ ông không còn thói quen đánh trâu ra đồng cày ruộng nữa, mà sáng sớm dậy tập thể dục trong công viên, tối không ngủ sớm như ngày còn làm ruộng mà tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi của tổ dân phố... Những người nông dân quen chân lấm tay bùn nay hòa mình vào nếp sống của đô thị, nhưng những nét văn hóa truyền thống của ngôi làng có lịch sử lâu đời vẫn được gìn giữ. Người dân ở chung cư không chỉ đơn giản mua nhà để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, mà còn để thụ hưởng một phong cách sống đô thị tiện nghi, phù hợp tác phong công nghiệp trong một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ.
TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhận định sự xuất hiện các KĐT ở Hà Nội như Văn Phú, Trung Hòa- Nhân Chính, Linh Đàm, Mỹ Đình... đã góp phần giải tỏa áp lực dân số nội thành, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở những vùng ven đô vốn tụt hậu và hình thành lối sống văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên đã xuất hiện một số vấn đề nan giải ở một số KĐT mới như mật độ dân số quá cao, thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ, có KĐT người dân từng phải sống trong cảnh dùng nước giếng khoan, điện đấu nhờ một thời gian rất dài như KĐT Mỗ Lao. Bộ Xây dựng cho biết, chỉ qua kiểm tra 18 KĐT mới vừa xây dựng tại Hà Nội chưa thấy KĐT nào hoàn thành toàn bộ dự án. Một số KĐT bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành điện, nước, nhà trẻ, trường học, tiện ích công cộng đúng như dự án đầu tư đã phê duyệt; việc đấu nối hạ tầng rất kém. Ngay cả KĐT kiểu mẫu Linh Đàm cũng đang trở nên quá tải và xuống cấp vì những khu chung cư giá rẻ của chủ đầu tư khác xen vào, chẳng khác nào những “quả bom” dân số.
Sự xuất hiện của các KĐT mới kéo theo làng lên phố, xã lên phường, nông dân thành thị dân đang cuốn theo xu thế đô thị hóa để trở thành một Thủ đô hiện đại, văn minh. Nhưng hành trình ấy sẽ để lại một số hệ lụy nếu không có những giải pháp quyết liệt bảo đảm quy hoạch và trật tự, để có những không gian sống xứng đáng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại.
Khu đô thị mới và hành trình làng lên phố
Những ruộng đồng biến thành khu đô thị (KĐT) hiện đại, làng lên phố và xã lên phường, những người nông dân thành thị dân - đó là một điểm nhấn trong quá trình phát triển của thành phố Hà Nội. Sự hình thành các KĐT mới không những làm thay đổi bộ mặt thủ đô mà còn kéo theo sự chuyển biến tích cực về mặt xã hội, hình thành lối sống văn minh hiện đại. Nhưng để xuất hiện được các KĐT mới ấy, không đơn giản như thần đèn trong truyện cổ tích...
![]() |
Những cánh đồng làng Văn Phú đã biến thành Khu đô thị Văn Phú hiện đại. |