Vỡ òa niềm hạnh phúc
“Mẹ ơi, con đây này”, bé Trương Quốc Huy sà vào lòng mẹ háo hức chỉ vào bức ảnh trên màn hình điện thoại. Mỗi lần xem ảnh sinh con trên tàu, ký ức lại ùa về, chị Nguyễn Thị Nhâm lại bồi hồi. “Mẹ con em rất may mắn và biết ơn ngành đường sắt nhiệt tình hỗ trợ”, chị xúc động bày tỏ.
Cô gái quê Quảng Bình và chàng trai Trương Quốc Tiến, quê Quảng Trị cùng vào làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh, cảm mến nhau và nên duyên chồng vợ. Mang bầu đến tháng thứ tám, Nhâm muốn về quê sinh nhưng đúng lúc dịch bùng phát mạnh. Ở xóm trọ, mỗi lần nghe tiếng xe cấp cứu, những người chung quanh mắc dịch qua đời là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đăng ký chuyến bay giải cứu không thành, chị hụt hẫng, tuyệt vọng, chỉ biết khóc và xác định chấp nhận sinh con nơi tâm dịch. Khi nhận được tấm vé về quê trên chuyến tàu đặc biệt do tỉnh nhà hỗ trợ, chị mừng vui khôn xiết. Lên toa 9 toàn gặp đồng hương, nhân viên quan tâm chia sẻ, động viên, nhà tàu phục vụ tận tình, chị yên tâm phần nào.
Tặng quà sản phụ Nguyễn Thị Nhâm sau khi sinh |
8 giờ sáng 8/10/2021 tàu SE16 xuất phát từ ga Sài Gòn, đến buổi tối Nhâm lâm râm đau bụng. Cơn đau càng mạnh, tần suất dày hơn, lo lắng, hoang mang, chị nhờ tổ tàu hỗ trợ. Trưởng tàu Trần Văn Trí chỉ đạo phương án khẩn trương đỡ đẻ. Tình thế cấp bách, hành khách tản bớt để tạo khoảng rộng thông thoáng, sản phụ nằm sinh ngay trên lối đi giữa toa. Từng có kinh nghiệm đỡ đẻ trên tàu, nhân viên Ngô Thị Phương Thảo động viên, trấn an Nhâm yên tâm, điều hòa nhịp thở, hướng dẫn cách lấy hơi, nhanh chóng thao tác, nhân viên Nguyễn Thị Cẩm Vân cùng bác sĩ được cử đi cùng đoàn xăm xắn hỗ trợ để bà bầu vượt cạn thuận lợi, an toàn. Hai chị sốt sắng lo lắng như cho chính người thân mình. Mọi người nín thở theo dõi. Niềm vui vỡ òa khi bé trai chào đời khỏe mạnh, cả toa vỗ tay chúc mừng. Nhìn thấy mặt con, nghe tiếng khóc, hạnh phúc dâng trào, Nhâm quên cả cơn đau. Biết tin, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhờ tổ tàu gửi quà chúc mừng, hành khách quyên góp ủng hộ.
Bé trai Trương Quốc Huy khi mới chào đời |
Nhớ lại hôm đó, chị Thảo kể thật sự rất lo, bởi ca sinh giữa thời điểm dịch bệnh, phải bảo đảm vô trùng tránh lây nhiễm, rất may là mẹ tròn con vuông, nhỡ may sơ suất xảy ra sự cố thì vô cùng áy náy. Tàu vào ga Diêu Trì đã có xe cứu thương đợi sẵn cùng nhóm thiện nguyện ở Bình Định đưa thẳng tới bệnh viện tỉnh. Chị Đỗ Thị Thu Trang bế bé, các thành viên trong nhóm livestream, kêu gọi hỗ trợ sữa, đồ dùng trẻ sơ sinh. Được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, mẹ con Nhâm mau chóng hồi phục và tiếp tục lên chuyến tàu giải cứu cuối cùng về quê, được lãnh đạo tỉnh đón ở ga Đồng Hới, bố trí xe đưa về tận nhà. Cũng trong chuyến tàu đó, sản phụ Võ Thị Hài trở dạ, khó sinh đã được tổ tàu liên lạc với ga Quảng Ngãi đón, hỗ trợ đưa đi sinh.
Có duyên với xứ Nẫu, bé Huy được nhóm thiện nguyện nhận làm con nuôi và đặt tên là cu Rớt. Lời chúc bé yêu hay ăn, chóng lớn, ngoan giỏi, một đời bình an và mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười hạnh phúc cho cả gia đình năm xưa nay đã thành hiện thực. Cậu bé hơn ba tuổi, thông minh, lanh lợi, biết nói tiếng Anh, đọc thơ, ca hát. Vợ chồng chị Nhâm về quê nội sinh sống, xây cất căn nhà khang trang, để có điều kiện gần gũi, nuôi dạy hai con khôn lớn.
Chị Nguyễn Thị Nhâm và con trai Trương Quốc Huy |
Đã có hàng chục em bé ra đời trên những chuyến tàu nam bắc. Ngay cả nhân viên từng có kinh nghiệm đỡ đẻ trên tàu, lần nào làm bà đỡ cũng hồi hộp, lo lắng. Bởi lỡ có ca sinh khó phải gọi điện nhờ bác sĩ hướng dẫn từ xa, may mắn là mọi việc hanh thông. Sáng 3/1/2020, chị Trương Thị Hồng cùng mẹ và con trai lên tàu SE6 từ Biên Hòa (Đồng Nai) về quê ngoại Tân Kỳ (Nghệ An), đến tối có dấu hiệu trở sinh, bụng đau dữ dội. Tổ tàu khẩn trương làm thủ tục, liên hệ với ga Quảng Ngãi chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ. Khoảng 11 giờ đêm, tàu chỉ còn cách ga 100m, nhân viên Hà Thị Thủy vừa dìu thì Hồng níu tay, hốt hoảng kêu to “Em đẻ rồi”. Với phản xạ bản năng, Thủy lập tức đỡ sản phụ nằm xuống và giơ hai tay đón cháu bé. Trưởng tàu Cao Hùng Nam chưa vợ nhưng cũng không ngại ngần cùng các nhân viên hỗ trợ. Chị Thủy lấy kéo cắt cuống rốn, tháo tràng hoa quấn cổ, lau bớt trơn nhớt cho bé gái, vuốt bụng sản phụ, sát trùng, lấy chăn ga đắp phủ ấm. Sản phụ tuy ra nhiều máu nhưng tỉnh táo, em bé khóc vang, người hồng hào dần lên, chị mới thở phào. Chị Thủy trải lòng: mọi người cứ khen tôi đỡ đẻ siêu chẳng kém bác sĩ, nhưng sinh nở trên tàu rủi ro khó lường. Tôi cũng chỉ được tập huấn cách đỡ đẻ qua mô hình nhưng trong tình thế nguy cấp đó, cũng phải nhanh trí xử lý tốt nhất có thể. Ga Quảng Ngãi bố trí nhân viên đưa mẹ con Hồng vào viện, túc trực chăm nom, hỗ trợ mẹ chị chăm cậu con trai 2 tuổi cho đến khi người thân từ trong quê vào. Ba ngày sau, khi sức khỏe chị đã ổn định, ngành đường sắt lại tạo điều kiện cho gia đình chị tiếp tục lên tàu về quê, không phải mua thêm vé. Khi con đã cứng cáp có thể cùng chị quay trở vào TP Hồ Chí Minh, hai mẹ con ra ga gặp tổ tàu cảm ơn. Thỉnh thoảng Hồng vẫn gửi ảnh cho bác Thủy chia sẻ niềm vui con hay ăn, chóng lớn từng ngày.
Nhân viên Hà Thị Thủy bế bé Trương Thị Thu Thúy lúc mới chào đời |
Vì hành khách phục vụ
Hồi dịch Covid-19, đã có 10 “chuyến tàu giải cứu” đưa bà con hồi hương về các tỉnh miền bắc và miền trung. Dù dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh còn căng thẳng, Trưởng tàu Trần Văn Trí cùng nhân viên tổ tàu tình nguyện phục vụ, với tinh thần “chưa hết dịch, chưa về nhà”. Làm cùng tổ, yêu ngành, mến nghề, vợ chồng Dương Đình Thành và Ngô Thị Phương Thảo gửi con cho ông bà nội ở quê, đồng lòng lên đường. Sự thấu hiểu, ủng hộ, động viên của người thân tiếp thêm động lực để cả tổ tàu vững tâm bởi “làm nghề phục vụ, lúc khó khăn, khách cần mà mình từ chối thì lấy ai phục vụ”.
Một ngày trước khi lên đường, toàn bộ nhân viên được test Covid, trang cấp đồ bảo hộ, thuốc men, nhận tàu, làm vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị phương án ứng biến với các tình huống phát sinh. Chuyến tàu về Quảng Bình đón hơn 500 khách, phụ nữ mang thai chiếm gần một nửa, lại đông người già và trẻ nhỏ nhưng nỗi lo chóng qua, tất cả vì mục tiêu phục vụ chu đáo nhất để “đi đến nơi, về đến chốn”, tuyệt đối an toàn. Toàn thể hành khách được thông báo tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, hạn chế đi lại và tiếp xúc với người chung quanh, được cung cấp suất ăn miễn phí tại chỗ. Nhân viên các toa túc trực bao quát, tác nghiệp cẩn trọng, thường xuyên xịt khử khuẩn tay nắm, nhà vệ sinh, rác thải… Hơn một ngày đêm chỉ tranh thủ chợp mắt, tổ tàu thấm mệt nhưng hạnh phúc, tự hào vì đã giúp bà con kẹt lại vùng dịch về quê suôn sẻ. Thêm một “chuyến tàu giải cứu” nữa đưa khách về Thừa Thiên Huế, là hơn ba tháng ròng tổ tàu tiếp tục xuôi ngược bắc nam nỗ lực vượt khó phục vụ hành khách, sau mỗi chuyến tàu về thẳng khu lưu trú cơ quan cách ly, xa nhà biền biệt.
Bé Trương Thị Thu Thúy |
Tàu chạy chặng dài, hai vòng quay phục vụ cả nghìn người, trường hợp hành khách ốm đau bất thường khó tránh khỏi. Còn muôn vàn tình huống cần chăm sóc, hỗ trợ khi khách sốt cao, lên cơn huyết áp, động kinh, đột quỵ… ca nhẹ thì sơ cứu, nếu trở nặng thì tạo điều kiện cho khách xuống ga để thuận tiện chữa trị, các tổ tàu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo toàn tính mạng, sức khỏe cho hành khách. Rất nhiều lần khách bỏ quên tư trang, hành lý trên tàu đều được liên hệ trả lại.
“Tư duy đổi mới trong cung cách, thái độ, giao tiếp ứng xử và những việc làm tận tụy, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ đã góp phần xây dựng hình ảnh đường sắt ngày càng đẹp, thân thiện, để hành khách thêm gắn bó với nhà ga, con tàu. Khách hài lòng là cả tổ tàu vui”, Trưởng tàu Cao Hùng Nam hồ hởi bộc bạch.
Trưởng tàu Đặng Văn Hưng (giữa) và các nhân viên tổ tàu |
Cùng với Nam và một số đồng nghiệp, Trưởng tàu Đặng Văn Hưng xung phong nhận nhiệm vụ đi tàu hàng thời điểm dịch Covid-19. Một đoàn tàu chở hơn 20 container, bốn trưởng tàu thay phiên nhau tác nghiệp giữa toa tàu nóng bức. Ngày hè nắng nóng, mặc đồ bảo hộ mồ hôi vã ra như tắm, nước cấp vào bể dùng dè xẻn, tiết kiệm, không có điện, phải mua đá bảo quản thực phẩm, nấu ăn tại chỗ trên tàu. Hơn hai ngày chỉ ngủ chập chờn, mỗi lần tàu đỗ dọc đường lại lo quán xuyến, trông coi. Có lần nằm đợi cả tuần chờ chuyến về. Vất vả là thế nhưng ai cũng vui vì hàng về ga an toàn, phục vụ kịp thời bà con nơi tâm dịch.