Ngôi làng từ triệu trái tim

Sát Tết, tôi trở lại Làng Nủ. Cái tên đã từng nhói sâu trong tâm can đồng bào cả nước bởi thiên tai tàn khốc đã ập xuống nơi này. Con đường từ thị trấn Phố Ràng ngoằn ngoèo vắt qua dốc cao, uốn xuống thung sâu, qua những bản làng người Tày thấp thoáng hoa đào bung nở… Kia rồi, Làng Nủ mới sáng mái lợp những ngôi nhà sàn trên đồi cao, như bàn tay thân thương vẫy chào ngày mới.
0:00 / 0:00
0:00
Làng Nủ mới trên đồi Sim, cách làng Nủ cũ khoảng 2 km. Ảnh | THÁI BÌNH
Làng Nủ mới trên đồi Sim, cách làng Nủ cũ khoảng 2 km. Ảnh | THÁI BÌNH

Dọc đường từ thị trấn huyện lỵ Phố Ràng vào lại nơi đã từng xảy ra trận lũ quét lịch sử ngày 10/9/2024, những cánh rừng trồng, đất bãi ven suối Nủ kín màu xanh ngút mắt, chở che những ngôi nhà sàn bao năm của đồng bào Tày, riêng một sắc màu văn hóa bản địa ở miền đất tận cùng phía nam của Lào Cai giáp với tỉnh Yên Bái. Tốp công nhân của Công ty Minh Đức đang miệt mài cắt cua, nắn thẳng con đường, mở rộng thêm tầm nhìn cho người và xe ra vào Làng Nủ mới. Không khí Tết “bươn chiêng pi mấu” (Tết Nguyên đán) đã rất gần, hiện lên ở những ngôi nhà sàn dán giấy đỏ trước cửa mong sức khỏe, những cây “pha liêu” (cây trừ tà) cắm trước cửa bếp và chuồng trại gia súc cầu bình an . Các “ếm” (mẹ), các “noọng” (em gái) người Tày chuẩn bị gạo nếp, lá dong xanh gói bánh gù truyền thống, tiếng nói cười rộn ràng một vùng “non xanh nước biếc” đẹp như bức tranh thủy mặc.

Làng Nủ mới hiện ra ở cuối con đường, trên đồi Sim ở đầu bản Nủ, như bàn tay thân thương vẫy chào mọi người. Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Trần Trọng Thông đi cùng bảo, nhìn từ trên cao, Làng Nủ mới như “lá phổi” xanh đang hồi sinh, với những nhịp thở mạnh mẽ mang sự sống cho đất và người nơi đây sau thiên tai tàn khốc. Nhớ lại cái ngày đau thương không mong muốn ấy, cũng trên con đường này, chúng tôi đội mưa tầm tã, vượt dốc trơn như mỡ, lội bùn lầy để vào hiện trường lũ quét làng Nủ. Chỉ sau một đêm, làng Nủ trù phú bình yên bao năm của hơn 30 hộ đồng bào Tày đã biến thành bình địa ngổn ngang đá, cột nhà, chăn chiếu mắc lại những gốc cây, téc nước, gỗ ván và cả những chiếc xe máy vẹo vọ chỏng chơ trong bùn đất. Khi “quả bom nước”, do mưa lớn kéo dài tích tụ phía trên núi Voi vỡ tung thì hàng triệu mét khối nước kèm theo đất đá sập xuống vùi lấp, san phẳng cả thung lũng trù phú, bình yên bao đời nay. Sức tàn phá của lũ quét thật kinh hoàng, không thể ngờ chỉ sau một đêm cả Làng Nủ đã bị xóa sổ như chưa từng có người ở…

Nhớ hôm ấy rầm rập những bước chân trần chạy gằn dưới mưa của Trung tá Đỗ Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng cùng hơn 300 chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 trên con đường sạt lở, gập ghềnh, lầy lội để kịp vào hiện trường cứu dân nhanh nhất có thể. Vừa hạ ba lô xuống, những người lính đã vội mặc quần cộc, áo phao, đeo xẻng công binh sau lưng rồi dàn đội hình hàng ngang thụt ngang lưng để tìm kiếm trên bãi bùn đất mênh mông, mưa vẫn tuôn xối xả trên đầu.

Ngày 12/9/2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, sau đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có mặt tại Làng Nủ. Khuôn mặt đanh lại, sạm mưa gió, Thủ tướng cầm gậy chống xuống bùn lội bộ trên những thân cây, tảng đá còn mắc lại để ra giữa hiện trường gặp những người lính đang dầm mình dưới bùn nước tìm kiếm nạn nhân. Tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, Thủ tướng động viên, an ủi người dân đang ngóng chờ bộ đội tìm kiếm người thân, tài sản còn sót lại. Chứng kiến sự tàn khốc, đau thương của người dân Làng Nủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành trong đoàn công tác tập trung nguồn lực nhanh nhất, tốt nhất để xây dựng lại Làng Nủ bảo đảm an toàn, giao thông thuận tiện và sinh kế cho người dân trước ngày 31/12/2024.

Thực hiện lời hứa với Thủ tướng, với hơn 70 người dân Làng Nủ đã nằm xuống nơi này, những người lính thợ của Binh đoàn 12, thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) lại hành quân gấp từ Hạ Long (Quảng Ninh) đến Lào Cai xây dựng Khu tái định cư cho bà con Làng Nủ làm chỗ “an cư” mà đứng dậy sau bão lũ. Chúng tôi đã nhiều lần có mặt tại công trường dõi theo tiến độ từng ngày, nhanh đến “chóng mặt” tại đây. Tất cả các lực lượng thi công như san gạt mặt bằng, làm hố móng, vận chuyển kết cấu bê-tông, lắp dựng nhà, rồi làm đường, kéo điện, lắp đồng hồ đo nước từng nhà… đều tranh thủ thời tiết khô ráo, chạy đua với thời gian để thi công các hạng mục theo kế hoạch tiến độ đã đề ra từng ngày, từng tuần, mỗi tháng.

Liên tục có mặt bám công trường, Thượng tá Vũ Đình Dũng, Binh đoàn 12, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng khu tái định cư Làng Nủ chia sẻ: “Bí quyết của chúng tôi là “quân lệnh như sơn” và sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ theo từng ngày, từng tuần giữa các đơn vị, bộ phận thi công các hạng mục công trình. Chúng tôi thi công theo kiểu song hành và cuốn chiếu, như thế bảo đảm được tiến độ và chất lượng công trình, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí”.

Nhìn lại, ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai chính thức khởi công xây dựng khu tái định cư Làng Nủ thì Binh đoàn 12 tập kết nhân lực, phương tiện máy móc, làm lán trại ở tạm tại công trường, kéo điện nước phục vụ sinh hoạt và phục vụ thi công công trình. Ngày 3/10, tại công trường xây dựng Làng Nủ, những người lính Binh đoàn 12 nhận mệnh lệnh từ Đại tướng Phan Văn Giang Bộ trưởng Quốc phòng chính thức bắt tay vừa san gạt mặt bằng vừa đào hố, đan sắt, đổ bê-tông để xây dựng nền và móng cho những ngôi nhà tại khu tái định cư Làng Nủ, trên đồi cao lộng gió và nắng thu vàng, cách làng cũ hơn 2km. Ngày 15/10, Hoàng Đức Công- người lính thợ Binh đoàn 12 chính thức lao chiếc dầm cất nóc ngôi nhà đầu tiên mang tên số 5 tại Khu tái định cư Làng Nủ. Mang khí thế Trường Sơn lên công trường thi công Làng Nủ, những người lính thợ Binh đoàn 12, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn chia thành từng bộ phận, từng tổ chuyên môn kỹ thuật làm việc liên tục 3 ca, tất cả cùng “hành tiến” để bảo đảm tiến độ xây lắp 40 ngôi nhà kết cấu bê-tông đúc sẵn, bền và đẹp cho bà con Làng Nủ an cư lạc nghiệp, khôi phục cuộc sống và sản xuất sau thiên tai tàn khốc.

Ngôi làng từ triệu trái tim ảnh 1

Trồng rau ở Làng Nủ mới. Ảnh | QUỐC HỒNG

Hơn 3 tháng liền bám trụ công trường, không một ngày nghỉ, giỗ mẹ ở quê cũng không thể có mặt, Chỉ huy trưởng công trường, Thượng tá Vũ Đình Dũng vừa chỉ huy vừa xắn tay áo làm việc cùng những người lính, gương mặt sạm đen nắng gió, rét lạnh vùng cao. “Đây là những ngôi nhà đặc biệt, gói trọn tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước với đồng bào Làng Nủ. Bởi vậy, những người lính Binh đoàn 12 vinh dự được giao trọng trách lớn, càng quyết tâm cao nhất, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình để đón đồng bào Làng Nủ về nơi ở mới, trước ngày 31/12/2024 như lời hứa với Thủ tướng”, anh Dũng bộc bạch.

Sát cánh cùng với những người lính thợ Binh đoàn 12, những công nhân Công ty bê-tông Xuân Mai, những lái xe tải nặng của Công ty TNHH Trung Kiên, rồi công nhân Điện lực Bảo Yên cùng “đội nắng thắng mưa”, làm việc thần tốc quên ngày đêm để đưa từng cấu kiện bê-tông nặng vượt đường núi trơn trượt vào công trường, dựng cột kéo dây đưa nguồn điện đến Làng Nủ mới thân thương. Còn hàng vạn tấm lòng, triệu trái tim đồng bào cả nước hướng về ngôi làng mới với niềm tin yêu hiện lên từng ngày, như đã từng xót đau, sẻ chia, đùm bọc trong những ngày Làng Nủ đau thương ấy…

Còn người Làng Nủ ngày ngày sau buổi làm đồng áng lại lên công trường, làm được gì thì giúp việc nấy, ai cũng mong ngôi làng của mình sớm hoàn thành. Như anh Sầm Văn Bóng, cuối mỗi ngày lại tranh thủ ngược dốc lên đồi Sim để hỗ trợ bộ đội tái thiết Làng Nủ mới. Trận lũ hồi đầu tháng 9 đã cướp đi của anh 5 người thân cùng toàn bộ nhà cửa và tài sản. Anh Bóng bảo, anh không thể chỉ ngồi mà không làm gì. Thỉnh thoảng, sau giờ làm, anh lên công trường xem có giúp được gì không. Vừa để khuây khỏa, vừa để nhìn ngắm ngôi làng tương lai của mình. Thế mới biết, trong hoạn nạn tình quân dân, nghĩa đồng bào càng sáng lên hơn và kết thành sức mạnh như trùng trùng lớp sóng biển Đông sát bên nhau, gối lên nhau mà cùng tạo năng lượng mới đẩy con tàu chở nặng vượt trùng khơi mà cập bến.

Hôm chúng tôi đến, “ếm” Hoàng Thị Sời vừa dọn đồ đạc từ khu nhà tạm lên ngôi nhà sàn bê-tông vững chãi mang số 33 trên Làng Nủ mới. “Ếm” thắp nén hương thơm lên ban thờ 5 người thân đã nằm xuống vì lũ dữ mà xúc động không nói nên lời. Nắng xuân đã bừng lên, chiếu qua ô cửa kính lấp lánh, “ếm” Sời mở tung cửa đón nắng xuân vào. Xuân này những người dân Làng Nủ đón Tết cổ truyền trong những ngôi nhà mới vững chãi, bền đẹp, ấm áp yêu thương. Ngôi làng từ vạn tấm lòng và triệu trái tim…!