Sống đẹp

Người thúc đẩy sự học trên đất nghèo A Lưới

NDO - Vốn học giỏi và xông xáo, nhiều khát vọng, tốt nghiệp đại học, cô cử nhân Anh văn Nguyễn Thị Thu Hằng gây bất ngờ khi quyết định trở về A Lưới (Thừa Thiên Huế) dạy học. 35 tuổi, đảm nhận vai trò Hiệu trưởng, cô đã đưa ra nhiều quyết sách mạnh mẽ để khuyến học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế).
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Xây đắp trường lớn mạnh mỗi ngày

Chúng tôi dễ dàng tìm đến Trường THPT A Lưới, đã hết ca học buổi sáng nhưng vẫn đông người vào ra. Ấn tượng mạnh nhất là trường rất sạch; không khí hoạt động dạy và học sôi nổi nhưng vào trường cảm thấy dễ chịu vì ít tiếng ồn. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng lý giải không thể giản dị hơn: may mắn là học trò trường tôi rất ngoan, nghe lời và tuân thủ kỷ luật. Không xả rác bừa bãi, không cười nói to gây tiếng ồn trong khuôn viên trường... những quy định chung đều được học sinh thực hiện và hình thành thói quen, nếp sinh hoạt của trường nhiều năm nay.

Cô Hằng cho biết, cô về nhận công tác ở Trường THPT A Lưới năm 2007, khi tách từ Trường THCS và dân tộc nội trú được 5 năm. Lúc bấy giờ, A Lưới còn đối mặt với bộn bề khó khăn. Chính vì thế, trường thiếu cán bộ, giáo viên, đặc biệt ở các môn học đặc thù. Cơ sở vật chất của nhà trường lúc đó hầu như cũng không có gì đáng kể.

Bày tỏ nỗi băn khoăn, rằng mới ra trường xinh đẹp, giỏi giang và nhiều khát vọng phấn đấu, tại sao lại chọn A Lưới làm nơi gắn bó duy nhất cho đến hiện tại, cô Hằng chỉ cười: khó khăn buộc con người phải nỗ lực cố gắng để khắc phục. Đó là cách khiến con người ta tiến bộ nhanh nhất. Trên thực tế, không lâu sau khi về trường, cô giáo trẻ Thu Hằng đã khẳng định mình bằng thành tích ấn tượng: Đoạt giải nhất tại cuộc thi giáo viên giỏi toàn tỉnh bằng lối giảng sáng tạo, đầy thăng hoa. Cô luôn tìm cách tạo niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh của mình. Cô soạn nội dung bài giảng theo chủ đề chủ điểm nhưng gần gũi với cuộc sống hằng ngày, phân vai đóng kịch, vì thế học sinh tìm thấy niềm vui hứng thú, rồi yêu thích ngoại ngữ theo cách hoàn toàn tự nhiên như thế.

Ngày đó, thấy phạm vi trường hơi bó hẹp, cô Hằng chủ động đề xuất phối hợp với phòng văn hóa huyện mở câu lạc bộ tiếng Anh nhằm tạo môi trường trao đổi, trau dồi giao tiếp tiếng Anh cho học sinh cũng như những người có nhu cầu học. Đó là CLB ra đời sớm nhất và luôn hoạt động hiệu quả. Dù hiện tại, bộ môn tiếng Anh đã do đồng nghiệp đảm nhiệm, nhưng đó vẫn là môn thế mạnh, hầu như năm nào trường cũng có thành tích.

Sau 22 năm thành lập, đến nay Trường THPT A Lưới đã khoác một diện mạo mới khang trang hiện đại và nhiều thành tựu. Từ chỗ là một giáo viên non nớt mới vào nghề nay cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng đã là hiệu trưởng xông xáo, dày dạn cả trong chuyên môn cũng như công tác quản lý. Với cô, đó là cả quá trình dài phấn đấu không ngừng mỗi ngày, sự đoàn kết thống nhất của cả tập thể chứ không riêng một cá nhân nào.

Nuôi dưỡng ước mơ xanh

Cô Hằng mở cho chúng tôi xem phần thi tài năng của cuộc thi Trường học không ma túy 2024. Trên sân khấu lớn, các học trò của cô trong những bộ trang phục truyền thống tự tin thể hiện năng lực bản thân. Cô hiệu trưởng không giấu niềm tự hào: Học sinh của tôi có năng lực tốt, nếu được động viên phát huy kịp thời đã đem về kết quả bằng cách này hay cách khác.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho thầy trò không chỉ dạy và học tốt mà còn tham gia nhiều nhất có thể các hoạt động ngoại khóa. Học sinh miền núi hầu hết đều nghèo, cô chủ trương ít tiền hoạt động theo cách ít tiền, nếu có sự đầu tư tâm sức, chắc chắn sự nỗ lực sẽ mang lại hiệu quả. Ở một trường học mà 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc nói và nghe tiếng phổ thông của nhiều em vẫn gặp khó khăn. Bị hạn chế trong tiếp nhận kiến thức, kéo theo kỹ năng giao tiếp, ứng xử đều cần được cải thiện. Hiểu được căn nguyên, cô Thu Hằng trong các buổi sinh hoạt chuyên môn luôn đưa ra những đề xuất nhằm tạo môi trường, sân chơi để khuyến khích, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện hơn. Các CLB, các sân chơi được thành lập, hoạt động và phát huy hiệu quả, như CLB Âm nhạc, các câu lạc bộ học tập như tiếng Anh, CLB Sáng tạo trẻ, CLB Truyền thông... Đây là nơi tôi luyện cho học sinh tập dượt để tự tin tổ chức các hoạt động ngoại khóa như chợ phiên tết, các phiên tòa giả định nhằm giáo dục phổ biến kiến thức về pháp luật, tổ chức các cuộc thi giới thiệu, quảng bá quê hương, đất nước, như A Lưới hot check-in, Cuộc thi nét đẹp văn hóa A Lưới. Từ những hoạt động ở khuôn khổ trong trường, trong thị trấn, khi các CLB đủ mạnh, đến nay thầy trò THPT A Lưới luôn là đội ngũ giàu kỹ năng, kinh nghiệm, chủ động tham gia nhiều cuộc thi, các hoạt động giao lưu học hỏi của tỉnh, liên tỉnh, đoạt nhiều giải thưởng trong tỉnh cũng như toàn quốc.

- Học sinh của tôi hầu hết đều con nhà nghèo cho nên các em chăm chỉ, yêu lao động, ham học hỏi. Trường chúng tôi nhiều năm nay luôn là đơn vị gặt hái nhiều thành tích trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi ở tất cả các môn học, đặc biệt có thế mạnh trong nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng kiến thức đã học trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật vào đời sống. Đầu tháng 11 vừa rồi, thầy trò CLB Sáng tạo trẻ đã mang dự án tham dự Cuộc thi Sáng tạo giành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024 do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, thầy trò Trường THPT A Lưới vừa mới ra Hà Nội nhận giải, tuy chỉ là giải nhỏ nhưng động viên mạnh mẽ tinh thần phấn đấu cho các em.

Điều khiến Hiệu trưởng Thu Hằng tâm huyết là những hoạt động của trường luôn theo hướng gần gũi thiết thực với cuộc sống. Đề tài Sản xuất phân bón tăng cường dinh dưỡng kháng khuẩn từ dịch chiết vỏ chuối và nano bạc, đề tài Sử dụng vỏ chuối để tăng độ ngọt cho ổi, hay đề tài Xây dựng, thiết kế hệ thống học liệu điện tử giáo dục địa phương, xây dựng hệ thống học tập trực tuyến kết nối nhà trường, phụ huynh, học sinh...khi tham gia các cuộc thi đều được ban giám khảo và đội bạn đánh giá cao vì tính thiết thực .

Trên thực tế, trong học tập và sáng tạo, tình cảm và sự gắn kết thương yêu giữa thầy trò, bạn bè thêm khăng khít. Cô giáo Phạm Nguyễn Trang Ngân, người đã gợi ý và hướng dẫn đề tài Xây dựng học liệu Giáo dục địa phương cho các em học sinh, sau đoạt giải Nhất cấp tỉnh và là một trong 7 dự án được lựa chọn vào vòng 2 thi chọn dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, luôn nhắc về người hiệu trưởng của mình với niềm hạnh phúc: Nếu không có cô Hằng bên cạnh động viên khuyến khích, kêu gọi sự đoàn kết chung tay của tập thể, cả hỗ trợ tiền, cả công sức của phụ huynh, của các bạn học sinh không chỉ trong nhóm tham gia đề tài, thì cô trò không thể thực hiện được một công trình công phu đến thế. Hoạt động tiến hành gặp khó khăn vướng mắc gì cần hỗ trợ tháo gỡ, cô trò tôi luôn yên tâm có sự đồng hành, hỗ trợ từ Ban Giám hiệu nhà trường, đặc biệt từ Hiệu trưởng.

Người thúc đẩy sự học trên đất nghèo A Lưới ảnh 1
Một trong những hoạt động ngoại khóa của thầy trò Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ luôn nhắc nhở các thành viên CLB phải biết trân trọng, biết ơn, sống yêu thương và có trách nhiệm.

Mỗi thầy cô giáo là tấm gương để học sinh noi theo. Thấm thía điều đó, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng luôn gương mẫu, tạo dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết để luôn hoàn thành tốt nhất trách nhiệm, đưa sự học của A Lưới ngày một chất lượng hơn. Với người A Lưới, cô giáo, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng luôn là hình ảnh phụ nữ đẹp người đẹp nết, bà con tin yêu cô, đồng hành cùng cô và nhà trường để tạo điều kiện cơ hội tốt nhất cho sự nghiệp học hành của thế hệ trẻ.