Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam:

“Nghệ thuật xuyên biên giới sẽ là trào lưu tiếp theo”

NDO - Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam chia sẻ về xu hướng thưởng thức nghệ thuật hoàn toàn mới trên nền tảng số và những cách thức để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại nghệ thuật xuyên biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Lâm Thanh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh.

Thưa ông, đang có cách thức mới thưởng thức nội dung và nghệ thuật trên những nền tảng số như TikTok. Đâu là sự khác biệt so với cách thức truyền thống?

Những người làm sáng tạo nội dung thì thu nhập của họ, theo cách truyền thống là mua vé trước, sau đó mới thưởng thức nội dung, nếu nội dung không như kỳ vọng thì tiền cũng đã trả rồi. Nhưng ở trên nền tảng TikTok đang có cách thức khác với truyền thống, đó là thưởng thức nghệ thuật trước, trả tiền sau dựa vào mức độ hài lòng. TikTok có cơ chế donate (tặng một số tiền nhỏ) cho những nội dung trên nền tảng tùy vào người thưởng thức. Có thể donate cho một bài hát, một chương trình phê bình sách. Cơ chế donate đang được triển khai và lượng người sáng tạo nội dung nhận được thu nhập từ dịch vụ này rất lớn.

Gần đây nhất TikTok có tổ chức chương trình Bài ca thống nhất kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kêu gọi cộng đồng hát các bài hát truyền thống để hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/2025).

Theo chương trình, mỗi tối có 6 thí sinh tham gia, hát 2 bài hát và có sự chấm điểm của các giám khảo chuyên nghiệp như nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ An Hiếu. Khán giả có thể bình chọn bằng cách donate quà cho các thí sinh dự thi và mỗi một đêm sẽ chọn ra một người. Sau 5 buổi thi ngày thì đến thi tuần, sau 4 tuần có thi tháng và kết thúc vào tháng 4/2025. Khi mới làm chương trình này, chúng tôi lo nhất là thiếu thí sinh dự thi, bởi vì chương trình hoàn toàn online. Nhưng sau 2 tuần, lượng thí sinh đăng ký đã lên tới 800 người, mức độ lan tỏa rất lớn.

Với mô hình donate, hiện nay số người sống chuyên nghiệp bằng sáng tạo nội dung và nhận donate lên đến hàng chục nghìn, tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người. Trên nền tảng TikTok, 6 tháng đầu năm 2024, có 3,7 triệu tài khoản đã có thu nhập thông qua việc biểu diễn nghệ thuật, giải trí hoặc làm về thương mại điện tử. Có những người chuyên về hát, có người chuyên về đánh đàn, vẽ tranh, đọc sách. Có những bạn buổi tối lên TikTok đọc truyện cho mọi người nghe, có người lên đó dạy tiếng Anh, tiếng Hàn. Mỗi một phiên dạy tiếng Anh có cả trăm nghìn người vào xem, mỗi người chỉ tặng 1 nghìn đồng thôi thì họ có thu nhập rất cao.

Cách thức này cơ bản nhất là cơ chế trả sau, không bắt buộc theo tinh thần: Tôi thưởng thức nghệ thuật, mức độ hài lòng đến đâu tôi ủng hộ đến đấy. Ai cảm thấy yêu thích nghệ sĩ nào thì donate và điều này phụ thuộc vào khả năng chi trả của họ nữa.

Cái hay của thưởng thức nghệ thuật trên nền tảng số là không giới hạn không gian, thời gian. Thí dụ như chương trình Bài ca thống nhất nếu tổ chức một cuộc thi có khoảng 50-70 nghìn người xem thì cực kỳ tốn kém, phải có sức chứa cả sân vận động. Nhưng trên TikTok, ngày nào cũng có 50-70 nghìn người vào xem, cuộc thi tuần có thể 100-200 nghìn lượt xem, thi tháng có thể cả triệu người vào xem nhưng chi phí để tổ chức rất thấp. Tiền mọi người donate tuy nhỏ nhưng đủ để tổ chức và trả thù lao cho các nghệ sĩ. Mỗi người chỉ góp một nghìn thôi thì đã 50 triệu đồng rồi. Trong khi đó, thưởng thức nghệ thuật trên nền tảng số không phụ thuộc yếu tố thời gian, không gian, không phải di chuyển, dễ tạo ra các hoạt động phong trào.

Thưởng thức nghệ thuật trên nền tảng số như ông nói bên cạnh sự ưu việt sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề như cần có giải pháp cho cơ chế donate như nền tảng thanh toán, làm thế nào kiểm soát nội dung xấu độc, bản quyền và những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) làm ra sẽ được xử lý thế nào?

Nền tảng thanh toán cho cơ chế donate cũng đã đầy đủ, mọi người có thể sử dụng thẻ ngân hàng, kể cả thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Hầu như người Việt Nam nào bây giờ đều có một tài khoản ngân hàng. Với người sáng tạo nội dung số, khi họ đăng ký trở thành người cung cấp dịch vụ thì họ phải kết nối chính danh tài khoản ngân hàng của họ và kết nối cả mã số thuế vào hệ thống. Nếu như mã số thuế không chuẩn, sẽ không rút được tiền ra. Người nhận donate phải hoàn thành các nghĩa vụ về thuế.

Về nguyên tắc, các nội dung xấu độc sẽ bị gỡ, nền tảng sẽ có các cơ chế về con người lẫn công nghệ để kiểm soát. Nếu cả 2 bộ lọc đó vẫn bỏ sót nội dung xấu độc thì người xem có thể báo cáo để gỡ bỏ.

Với các nền tảng quốc tế như TikTok thì vấn đề bản quyền là không thể tranh cãi hay thỏa hiệp. Vi phạm bản quyền sẽ bị phạt rất nặng, gỡ nội dung vi phạm là đương nhiên. Bên cạnh Luật Sở hữu trí tuệ, còn có những hình phạt tuân theo pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok. Nếu có những video gây hại cho cộng đồng, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, hệ thống sẽ tự quét và gỡ bỏ.

Ở TikTok, có một chuẩn mực, đó là những nhà sáng tạo nội dung phải chịu thêm một điều khoản dành cho những người chuyên nghiệp, nếu nội dung gây sự chú ý của xã hội nhưng không mang lại giá trị dù không vi phạm pháp luật thì sẽ được điều chỉnh bởi một bộ tiêu chuẩn nữa. Nếu vi phạm bộ tiêu chuẩn đó, sẽ không được sử dụng các chức năng cao cấp mà TikTok cung cấp cho những nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, thậm chí giữ quyền kiểm soát nội dung của những người tham gia chương trình đó đến 7 năm. Hiện nay, trung bình mỗi tháng chúng tôi gỡ khoảng 1 triệu nội dung.

Với những tác phẩm nghệ thuật AI làm ra, khi đưa lên nền tảng thì có theo cơ chế donate không? Câu chuyện ở đây: Ai là người chịu trách nhiệm? Người chịu trách nhiệm là chủ tài khoản, không phải là AI. Nếu nhìn ở góc độ người chịu trách nhiệm thì mọi chuyện rất rõ, họ phải tuân thủ quy định, AI chỉ là công cụ thôi. Hiện nay nội dung AI làm tăng lên không nhiều, mặt khác cũng rất khó phát hiện. Thí dụ sử dụng ChatGPT để làm trợ lý viết một cái thư thì người ta dùng nó như một công cụ công nghệ thông tin để hỗ trợ. Ở Việt Nam đã có hàng triệu người dùng công cụ hỗ trợ. AI bản chất đó là công cụ kỹ thuật hỗ trợ, đưa lên vẫn là con người. Người ta donate cho chủ tài khoản chứ không phải donate cho AI.

Theo ông, trong thời gian tới xu hướng thưởng thức nghệ thuật trên nền tảng số sẽ diễn biến thế nào?

Ở trên các nền tảng số thì khi kể một câu chuyện đủ hay sẽ có hàng triệu người cùng xem. Trong điều kiện bình thường, nghệ sĩ kể một câu chuyện thì số lượng người bị giới hạn, những tác phẩm nghệ thuật khó đến với đại chúng. Nền tảng số giúp lan tỏa tác phẩm nghệ thuật đến với đại chúng, những tinh hoa, những câu chuyện truyền cảm hứng có thể được chia sẻ tới số lượng người không giới hạn, có thể lên đến hàng triệu, hàng tỷ người. Đó là giá trị của các nền tảng số.

Bước tiếp theo AI có thể không còn khoảng cách về ngôn ngữ. Nghệ nhân có thể kể chuyện bằng tiếng Việt nhưng ở phía người nghe có thể nghe bằng tiếng bản địa. Sau câu chuyện về thương mại xuyên biên giới, nghệ thuật xuyên biên giới sẽ là trào lưu tiếp theo.

Lúc đó thì giá trị văn hóa bản địa lại rất được đề cao, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Chúng tôi đã và đang có những chương trình giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt. Năm 2023, TikTok có chương trình Beauty Việt Nam, mời một số bạn KOL đến bảo tàng, các địa điểm văn hóa và chia sẻ chuyến đi của mình với cộng đồng. Trong đó, có chuyến đi thăm Cố đô Huế, các cuộc livestream từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm có trên 2 triệu người xem. Hay là livestream từ các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử để cộng đồng theo dõi, như góc nhìn một người đang đi du lịch, khám phá di sản văn hóa. Trước đây chúng tôi cũng có chương trình Ngân nga Việt Nam với mục đích quảng bá, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Theo ông, trong xu hướng không thể đảo ngược, cần phải xác định tâm thế và thay đổi thế nào để có thể thành công trên các nền tảng số?

Nền tảng số giúp những người sáng tạo nội dung bình đẳng về cơ hội. Rất nhiều người nhờ nền tảng số mà từ “Zero to Hero” (từ số 0 thành người hùng). Nếu theo cách truyền thống thì họ rất khó vươn lên. Sự vươn lên đó sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người, những người chưa thành công sẽ nhìn vào đó để cố gắng. Nếu muốn thành công trên nền tảng số, với tôi câu quan trọng nhất là “just do it” (Hãy làm đi). Bởi vì nếu chỉ quan sát và sợ thì không làm được. Rất nhiều người thành công nhưng về ngoại hình, giọng nói, ngôn ngữ không có gì đặc biệt. Thậm chí người ta thất bại rất nhiều lần, rồi đến một ngày nào đó, họ thành công. Họ chọn được nội dung thể hiện chân thật nhất bản sắc của mình.

Muốn thành công với cơ chế donate trên TikTok cái khó là nội dung phải đủ hay để thuyết phục khán giả. Xu thế của thị trường cũng tác động, có những nghệ sĩ chưa biểu diễn nhưng đã có lượng donate nhiều, có những nghệ sĩ lại ít được donate vì số lượng người hâm mộ không nhiều. Trên các nền tảng số, vai trò của cá nhân rất quan trọng, đó là sự kết nối của những người nghệ sĩ với khán giả, cho nên các sân khấu thể hiện cá nhân sẽ thuận lợi hơn so với các sân khấu hoành tráng có sự tham gia của nhiều người.

Xin trân trọng cảm ơn ông!