Đoàn học sinh Trường quốc tế Singapore Đà Nẵng đang háo hức giành nhau xới đất, trồng cây, tưới nước dưới sự hướng dẫn của những nông dân. Thầy giáo Neo liên tục bật cười trước sự ngộ nghĩnh của học trò. Cô giáo Phạm Thị Kiều Trinh cho biết trường thường xuyên tổ chức cho các em trải nghiệm. Phía mảnh vườn bên cạnh, những gia đình là du khách Tây quần áo nâu sồng, đầu đội nón hì hục cuốc đất đánh luống, trồng rau, gánh nước tưới tắm bằng những đôi gàu xoa. Đám thiếu nữ đến từ nửa vòng trái đất xúm nhau hái từng cánh rau thơm nhỏ xíu vò nhẹ trên tay rồi đưa lên mũi hít hà một cách đầy ngạc nhiên thích thú. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch lần lượt hái hàng chục loại rau thơm giới thiệu từng loại mùi, rồi cho nếm thử từng vị. Rằng lá này chữa cảm, nhức đầu, đau bụng, lá kia ăn với món này món nọ. Tiếng cười rộ lên khắp làng rau...
Cụ Nguyễn Thị Xiêm, 80 tuổi đang mải mê làm đất đánh luống. Hỏi về tuổi tác, cụ bảo trong làng có những cụ cao niên hơn nhưng cũng đã nhường việc cho con cháu rồi, giờ có lẽ mình là người cao tuổi nhất làng còn trực tiếp làm nghề. Nhớ trong tài liệu nghiên cứu về làng rau độc đáo này, kể xưa có cụ Nguyễn Trí thọ đến 110 tuổi, được vua Thành Thái ban tặng Bảng vàng về nghề trồng rau. Có những nghệ nhân trồng rau thời xưa là các cụ Thủ Ngạc, Cửu Nguyên, còn thời nay có cụ Nguyễn Thị Sum 92 tuổi, ông Nguyễn Giỏi 82 tuổi, ông Lê Sỏ 76 tuổi... Từ 15 tuổi cụ Xiêm đã gắn với nghề trồng rau Trà Quế nối nghiệp từ cha mẹ. Cụ kể dân làng truyền nhau, là chừng 400 trăm năm trước nơi đây là đầm Đế Võng thuộc sông Cổ Cò, người dân ban đầu làm nghề chài lưới cá. Sau tôm cá khó dần, đất cũng bồi dần lên thành bãi, nên mọi người lên bờ, bắt đầu trồng rau hành từ đấy. Ba người con của cụ giờ đi làm, đi dạy, còn vợ chồng đứa cháu làm cùng cụ, chồng trồng trọt tưới bón, vợ sáng sáng hái rau thồ đi bán.
Lễ hội Cầu Bông ở làng rau Trà Quế. Ảnh | QUỐC TUẤN |
Ông Cao Chinh 66 tuổi tỉ mẩn dùng cuốc đánh tơi những vồng đất mới bên những luống rau xanh mơn mởn. Gia đình ông hiện còn một sào rưỡi, tính ra khoảng 750 m2, mùa nào trồng thức nấy, từ rau canh (rau nấu canh) đến các loại rau thơm ăn sống. Đất là ông bà xưa để lại. Nhớ thời 1977-1982, phong trào Hợp tác xã phát triển, chính quyền có sắp xếp phân chia lại đất đai. Giờ hai vợ chồng ông vẫn bám nghề, rồi ông chỉ tay sang phía anh con rể Nguyễn Văn Phương cũng đang lúi húi bên ruộng rau. “Nó làm nghề xây dựng, đang mùa nên tranh thủ phụ giúp ông già”. Lúc nãy dừng lại nói chuyện với Phương, anh tỏ ra rành rẽ về thổ nhưỡng nơi đây. Rằng đất đây chủ yếu là cát. Gieo hạt xong là rải lên một lớp đất mịn để khỏi bị trôi. Còn phân bón thuần hữu cơ là loại phân trâu, bò, heo nuôi chuồng, rải rơm rạ, lá keo, là thầu đâu để chúng giày đạp cho ngấu, lấy ra ủ vôi khoảng 2 tháng rồi bón lót.
*
Thỉnh thoảng tôi về Trà Quế, đúng dịp làng tổ chức cúng Thần Rau, còn gọi là lễ cúng Cầu Bông vào sáng sớm mùng 7 tháng giêng âm lịch thường niên. Nhớ một lần như vậy, đâu cũng hơn hai chục năm trước, tôi ngồi với ông Nguyễn Sự ngắm các bô lão trong làng cung kính hành lễ. Thời ấy còn gọi là “Hội nghề làng rau Trà Quế” (xã Cẩm Hà) với dòng chữ căng ngang hai cây cột tre, hướng về mấy ruộng rau, chứ chưa diễn ra ở Miếu Xóm như bây giờ.
Đó cũng là thời điểm khá chông chênh giữa việc còn-mất của làng rau di sản hơn 400 năm tuổi này. Khi hơn 200 hộ dân bám ruộng rau, nhưng cây rau không lo nổi áo cơm cho dân làng. Con cháu sinh sôi, dân cư đông dần, dân làng muốn dẹp vườn để lấy đất xây nhà ở. Đó là năm 2000, ông Nguyễn Sự đang là Chủ tịch thị xã Hội An. Thấy không ổn, ông về Trà Quế họp dân suốt nửa tháng vận động bà con giữ lại làng rau, thị xã sẽ tính toán đổi đất nơi khác để làm nhà. Đồng thời cử Phòng Nông nghiệp thị xã bám từng nhà dạy bà con phương pháp canh tác hiệu quả. Chợ Hội An cũng dành một khoảng không gian riêng to đẹp nhất để bà con Trà Quế bán rau. Ông Sự cũng yêu cầu các công ty du lịch dẫn khách đến tham quan Trà Quế. Kiên trì mãi, đến 2003 thì khách du lịch bắt đầu tìm về Trà Quế. Đời sống bà con cũng thay đổi, khấm khá từ đó.
Giờ nhắc lại chuyện cũ, ông Sự bảo “Từ một phần tư thế kỷ trước, Hội An đã tính đến làm du lịch sinh thái, du lịch xanh rồi, chứ không phải đến sau này. Từ thành công của Trà Quế, Hội An tiếp tục mô hình với các làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rồi ra Cù Lao Chàm làm du lịch xanh. Vừa giữ được di sản làng nghề truyền thống, vừa làm tốt du lịch, gắn sinh thái với nhân văn”.
Không chỉ 202 hộ dân với 326 người trực tiếp trồng rau ở Trà Quế thu nhập ổn định trên diện tích canh tác hơn 18 ha, mà quanh làng bây giờ còn hình thành cả một “hệ sinh thái” các cơ sở kinh doanh lưu trú homestay, villa, các nhà hàng, điểm dạy nấu ăn thực hành du lịch, kèm theo các tua tuyến tham quan, đáp ứng Bộ tiêu chí Du lịch Xanh của tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh.
*
Mấy chữ “rau nhớ đất” là của nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong. Năm 1968, giữa chiến tranh ác liệt chết sống trong gang tấc, nhà văn Chu Cẩm Phong có lần đi ngang qua làng rau Trà Quế bên bờ sông Đế Võng này. Trong cuốn Nhật ký chiến tranh nổi tiếng của mình, ông đã ghi chép đầy cảm xúc: “Những mảnh vườn thẳng tắp, ngăn nắp và xinh đẹp như một vườn hoa. Khắp các ngõ lối, chỗ nào cũng ngào ngạt hương thơm quyến rũ kích thích của rau... Rau ở đây ngon vì chất đất, cũng cây hành, cây cải đó, một khi đem ra khỏi cái làng nhỏ bé ngửa ra mặt sông này, đem cấy xuống mảnh đất lạ khác, chẳng hạn ở Trường Lệ, rau như vì nhớ đất mà kém sút đi, và cái hương vị đặc biệt của Trà Quế mất hẳn...”.
Chu Cẩm Phong tên thật Trần Tiến, sinh ra ở Hội An, theo cha tập kết ra Bắc, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội loại xuất sắc, được chọn đi học nước ngoài nhưng đã tình nguyện vào chiến trường Khu 5. Tháng 5/1971, ông anh dũng ngã xuống ở Duy Xuyên xứ Quảng trong trận chiến quyết liệt với địch, trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Cuốn nhật ký viết từ 1967 cho đến ngày ông hy sinh. Trong trang nhật ký về Trà Quế, ông kể dân làng nhiều lần bị dồn vào trại tập trung, đêm đêm tìm cách băng đồng, băng sông để trở về lại những mảnh vườn rau của mình. Giờ đây, nhà văn nằm lại ở Nghĩa trang liệt sĩ Hội An, cách làng rau chưa đầy 2 cây số...
Khám phá hương thơm đặc biệt của rau Trà Quế. |
Địa chí Quảng Nam Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng 2010) mục Địa danh, ghi “Làng hình thành trên đất phù sa ven bờ vũng cùng tên. Vào thế kỷ XVII-XVIII, khi con sông Cổ Cò chưa bị bồi lấp, vũng Trà Quế là nơi dừng đậu thuyền buôn trong và ngoài nước đến buôn bán ở Hội An. Đây cũng là làng trồng rau đặc sản ngon nổi tiếng”. Tô cao lầu hay mì Quảng nấu bằng nước giếng Bá Lễ mà rải vào nhúm rau Trà Quế, thì “thôi rồi!”. Nhiều giai thoại kể về hương và vị lạ lùng của rau Trà Quế, dù các loại rau đều nhỏ không mập mạp to tròn như những nơi khác. Người bảo là do bón trồng bằng loại rong vớt từ sông Đế Võng. Năm canh rồi lại sáu canh/Giật mình ngồi dậy xuống gành vớt rong. Người nói là do “vị” đất ở đây nó vậy. Cái vị gì mà cứ như đời sống này, từ ngọt, đắng, cay, chát, chua, bùi... đủ cả. Có người lại bảo do nguồn nước sông. Nên giờ dù đã có hàng nghìn vòi tưới tự động, nhưng nhiều người vẫn đào, xây những bể hứng, chứa nước gần bên vườn rồi dùng gàu xoa tưới kiểu thủ công.
... Trong câu chuyện khi nãy với cụ Xiêm, hỏi về những bậc có công với làng, bà cụ liền chỉ tay về phía một lăng mộ lớn nổi bật trên gò đất cao giữa đồng rau. Đó chính là mộ phần của quan Thượng thư Bộ binh Nguyễn Văn Điển, người tài đức vẹn toàn mà dân làng vẫn kính cẩn gọi là mộ ông Lớn. Ông người ấp Trà Quế, làng Thanh Hà, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xưa. Làng rau bình dị này từng sản sinh ra một dòng họ lừng lẫy. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Yến từng là Hàn lâm Viện thị giảng Học sĩ thời vua Gia Long. Con trai là Nguyễn Văn Điển làm quan suốt 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức đến chức Thượng thư Bộ binh kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử, từng làm Tổng đốc Nam Định, Hưng Yên... Ông mất trên đường công cán tại Hải Dương năm 1852 khi 61 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Văn Tuyển từng giữ chức Án sát Hà Nội thành dưới thời vua Tự Đức.
Tỉ mẩn đọc bài minh khắc nơi nhà bia lưu dấu từ mấy trăm năm trước của danh sĩ Phạm Văn Nghị, người phất cờ Cần Vương ở đất Nam Định. Hương thơm lưu truyền đến đời sau (phương truyền lưu hậu thế) như chữ trong câu đối trước nhà bia tướng công, có phải cũng làm nên hương làng Trà Quế này chăng?
Box: Làng rau Trà Quế - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vừa vượt qua 260 ngôi làng của 60 quốc gia toàn cầu, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc (UN Tourism).