Đảo là nhà, biển cả là quê hương
Bạch Long Vĩ là hòn đảo xa bờ nhất trên Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh-quốc phòng và lãnh hải, lãnh thổ quốc gia. Hưởng ứng phong trào Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước, tháng 3/1993, 62 đội viên nam nữ hăng hái tình nguyện đi xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.
Anh Trần Văn Hiên, hiện là Liên đội trưởng Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Bạch Long Vĩ, một trong những người có mặt ở đảo từ ngày đầu tiên, bồi hồi: Khi đó đảo chưa hề có các công trình hạ tầng dân sinh, mọi nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống đều phụ thuộc vào đất liền, phương tiện giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển giữa đất liền với đảo rất khó khăn. Chỉ trong 5 năm (1993-1998) Tổng đội TNXP Hải Phòng bằng nhiệt huyết cống hiến và sức trẻ, đã xây dựng trên mảnh đất khô cằn, hoang vu hàng loạt những hạng mục thiết yếu, như cải tạo những dãy nhà cấp 4 làm trường học, nhà trẻ, trạm xá, đổ bê-tông các trục đường giao thông chính, làm nhà ở để đón dân từ đất liền ra đảo định cư.
Trường tiểu học-mầm non Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) được xây dựng và triển khai dạy học gần như từ những ngày đầu thành lập đảo Thanh niên để các con có nơi học tập, bố mẹ yên tâm đi làm. Giờ đây nhìn lại, các anh chị TNXP cũng như giáo viên không khỏi bùi ngùi lẫn tự hào vì đã sống và nỗ lực hết mình để vượt qua thời kỳ gian khổ chồng chất đó.
Cô giáo Vũ Thị Hà gần như là lứa giáo viên đầu tiên có mặt tại đảo. Ký ức về những ngày đầu ra đảo vẫn còn nguyên vẹn trong cô: “Ngày đầu ra đảo dạy học, tôi bỡ ngỡ, lạ lẫm mọi nhẽ. Trên đảo thiếu cả những thứ cơ bản nhất như nước ngọt khan hiếm, rau xanh khó trồng, chưa nói tới điều kiện ăn ở, học tập, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Khắp đảo chỉ toàn xương rồng, cát, sỏi đá, cùng gió biển thổi ràn rạt quanh năm suốt tháng. Không ngờ, cả tuổi xuân làm nghề dạy học tôi đều gắn bó với đảo, đây luôn là nơi tôi hướng về”.
Với cô giáo Phạm Thị Ngoan, gắn bó với Bạch Long Vĩ vừa là công việc, vừa là tình yêu không dễ nói thành lời. “Năm 2006, tôi tốt nghiệp trung học, nghe thông tin Tổng đội TNXP vận động thanh niên ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ , tôi đăng ký ngay, không một chút đắn đo suy tính, rằng nơi đó xa xôi ra làm sao, vất vả, thiệt thòi như thế nào… Mãi đến lúc bước chân xuống tàu ra đảo, tôi mới thấm thía nỗi khó khăn vất vả”, cô giáo mầm non Phạm Thị Ngoan kể về những ngày đầu chân ướt chân ráo đặt chân đến đảo gần 20 năm trước.
Hơn 10 năm gắn bó với Liên đội TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ, sống với tinh thần “đâu cần thanh niên có”, cô Ngoan và các TNXP cùng thế hệ đã có một thanh xuân lăn xả sống. Không ngại khó, không ngại khổ, cô gái có gương mặt luôn tươi tắn đã chứng tỏ sức bền bỉ dẻo dai cả về trí và lực. Dù biết chọn gắn bó với đảo là vất vả thiệt thòi, cô vẫn nằng nặc xin ở lại mặc gia đình người thân khuyên can. Mong muốn ở lại đảo làm cô nuôi dạy trẻ, Ngoan được tạo điều kiện học lớp Trung cấp mầm non. Năm 2019, cô Ngoan trở về đảo với nhiệm vụ mới: cô nuôi dạy trẻ.
“Con học hết lớp 3, vợ chồng tôi gửi con về đất liền học tập. Làm mẹ không được gần con để dạy dỗ uốn nắn, đó là tâm tư lớn nhất của hầu hết anh chị em đang sống và làm việc trên đảo chứ không riêng tôi. Có những đận con ốm, ông bà gọi điện muốn nhắn vợ chồng tôi về, nhưng rồi biết biển động, gió to sóng cả không thể về được, vậy là bà tự đưa cháu đi viện. Đến lúc trời yên biển lặng thì con cũng đã khỏi ốm rồi…”, cô Phạm Thị Ngoan không ngăn được cảm xúc nghẹn ngào mỗi lần nhắc đến các con đang sống xa cha mẹ ở đất liền.
Vịt trời được dân đảo chăn nuôi ở Bạch Long Vĩ. |
Thầy Ngô Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường chân thành chia sẻ, mỗi cán bộ giáo viên của trường dù đến từ các miền quê khác nhau, nhưng giờ đây đều coi Bạch Long Vĩ là quê hương thứ hai của mình. “Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nhắc nhau hoàn thành tốt công việc bằng sự tận tâm và trách nhiệm. Chúng tôi dạy trẻ tình yêu thương, nhân ái, sống có trách nhiệm và kỷ luật. Tôi tự hào vì trẻ ở đảo ngoan, chăm chỉ, mặc dù bố mẹ quanh năm lo làm ăn, ít thời gian dành cho con cái”.
Học giỏi để xây dựng đảo đẹp giàu
Đó là điều mà các thầy cô luôn nhắc nhở những đứa trẻ sinh ra ở đảo. Trường tiểu học-mầm non Bạch Long Vĩ là cơ sở giáo dục duy nhất trên đảo cho nên được chính quyền huyện đảo dồn sức chăm lo, nâng niu rất mực. Bên cạnh đó, quỹ Nâng bước em tới trường của Bộ đội Biên phòng hỗ trợ cho trẻ Bạch Long Vĩ cũng hoạt động rất hiệu quả.
Từ gian nhà cấp bốn vốn của lực lượng biên phòng được gia cố cải tạo đáp ứng nhu cầu dạy học trên đảo thời kỳ đầu, từng chút từng chút một, Trường tiểu học-mầm non Bạch Long Vỹ giờ đây khang trang, đẹp đẽ. Trường là một dãy nhà 2 tầng gồm 12 phòng học mọc lên bên bờ biển. Hằng năm vào đầu năm học, nhà trường luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cấp phát sách giáo khoa, trang bị tủ sách thư viện và đầy đủ đồ dùng học tập, ba-lô.
“Cô mẫu mực, trò chăm ngoan”; “Trường khang trang, lớp thân thiện” - dòng khẩu hiệu hiện diện trong các lớp học như lời cam kết của nhà trường với gia đình, hãy cứ yên tâm làm việc xây dựng đảo, chăm sóc con trẻ đã có nhà trường và thầy cô giáo.
Như là bản năng của người mẹ, các cô giáo dồn tình yêu thương vào con trẻ. Lớp mầm non ghép các độ tuổi vẫn thưa thớt trống trải nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm áp. Mọi góc học tập vui chơi của trẻ đều được chăm chút vun vén, cảm nhận được sự yêu thương tận tâm của các cô giáo với con trẻ. Những tấm bìa carton cắt dũa thành thanh nhỏ, mỗi thanh tô một mầu gắn với các đức tính tốt, được các cô nắn nót lồng ghép một lời nhắc nhở trẻ không ngừng tu dưỡng: Đoàn kết, hợp tác, Biết chia sẻ, Tích cực tự tin, Chăm chỉ, Ngăn nắp, Giữ vệ sinh, Đi học đúng giờ...
Khai giảng năm học mới 2024-2025 đối với các cô giáo, đặc biệt cô Vũ Thị Hà có nhiều dấu ấn đáng nhớ, năm học này đánh dấu 30 năm gắn bó dạy học ở đảo và cũng là năm cuối cùng cô đứng lớp. Nhưng công sức và tâm huyết cô dành cho các thế hệ học trò và ngôi trường nhỏ sẽ còn lưu lại mãi nơi đây. Ngôi trường của em nằm bên bờ biển xanh. Hai hàng cây đi đến trường xanh ngát. Cô giáo dịu hiền dìu dắt các em thơ. Xây cho ngôi trường mãi mãi tươi đẹp hơn/ Bạch Long Vĩ, nơi đảo xa. Trường của em là tiền tiêu Tổ quốc. Tuy xa đất liền, tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vĩ thân yêu… Lời hát cô giáo Vũ Thị Hà sáng tác cho các cháu lớp mẫu giáo vẫn rộn rã vang lên mỗi ngày.
Trận bão Yagi ập đến ngay sau lễ khai giảng. Phượng vĩ, bàng được anh chị em trồng từ ngày mới ra đảo, được nắng được gió cành vươn vạm vỡ, gắn với kỷ niệm của bao thế hệ học trò, bị bão vặn gãy gục ngang thân. Ám ảnh nhất đối với các thầy cô là mùi nhựa cây ngai ngái vương khắp đảo sau bão.
Trẻ vui Tết trung thu trên đảo. Ảnh trong bài | Ngoan Nguyễn |
Những ngày sau đó, chính quyền, con dân cả đảo ra quân dọn dẹp, xuýt xoa không biết đến bao giờ Bạch Long Vĩ mới xanh tươi trở lại. Nhưng không lâu, những vườn rau, chuồng trại nuôi gia súc gia cầm, vật tư nghề cá lại đang hồi sinh mạnh mẽ, như chưa hề có cơn cuồng nộ của thiên nhiên… Thực tế, tình yêu trẻ là động lực để thầy cô gắn bó với sự nghiệp gieo chữ cũng như nuôi dưỡng tinh thần hiếu học ngày một bền bỉ hơn trên hòn đảo nghèo vật chất nhưng vô cùng giàu tình nghĩa này.