Kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ
Liên tục trong thời gian gần đây, các ca ngộ độc thực phẩm ở quy mô lớn, nhỏ xảy ra trên khắp cả nước gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; cuộc sống bị xáo trộn, tâm lý bất an. Điều đáng lo ngại, các vụ ngộ độc phần lớn xảy ra ở các cơ sở kinh doanh bếp ăn tập thể phục vụ nhiều đối tượng khách hàng: công nhân, học sinh, sinh viên, khách du lịch…
Thống kê từ Bộ Y tế, đến hết tháng 9 năm nay, cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, số người ngộ độc tăng gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ ngộ độc khiến 287 công nhân ở Long Hồ, Vĩnh Long; vụ 80 học sinh, sinh viên ở TP Lào Cai, vụ 150 công nhân ở Phú Thọ, 91 công nhân ở Bắc Giang, 148 người ở Đồng Tháp…
Không thể kể hết các ca ngộ độc khắp cả nước nhưng mật độ mắc dày, trải rộng ở nhiều nhóm đối tượng, cho thấy vấn nạn ngộ độc thực phẩm đang ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng đáng báo động, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm vào cuộc chung tay giải quyết.
Chỉ thị nêu, từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch, nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Hội nghị khoa học thường niên về Kiểm nghiệm thực phẩm năm nay được tổ chức ở Hà Nội với chủ đề chính Kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ. Trong bối cảnh hiện tại, Hội nghị có ý nghĩa thiết thực trong định hướng phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm, đưa ra những đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm để có hướng giải quyết tận gốc của vấn đề.
PGS, TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia cho biết, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam gần đây đã được chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí, do đó diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, các sự cố thực phẩm gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện. Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm nhằm chia sẻ thông tin các thành tựu mới về khoa học kiểm nghiệm làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam.
Để tăng công cụ hỗ trợ, trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm sau nhiều nỗ lực đã chính thức được thành lập. Trung tâm đảm nhận các chức năng chính là xác định và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người gây ra bởi các tác nhân hóa học, sinh học, các tác nhân khác trong thực phẩm và các sản phẩm liên quan; tham mưu công tác quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm; tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng mạng lưới thu thập-tổng hợp thông tin, dữ liệu; đào tạo, hợp tác trong nước và quốc tế về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Đây là trung tâm đánh giá nguy cơ đầu tiên thuộc Bộ Y tế của Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm giúp cung cấp các bằng chứng khoa học cho cơ quan quản lý từ đó đề xuất các giải pháp quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ hiệu quả. Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm ra đời trong bối cảnh này là một bước đi có tính chiến lược và kịp thời trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân theo hướng quản lý dựa trên nguy cơ - bà Lê Thị Hồng Hảo phấn khởi nhận định.
Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố an toàn thực phẩm gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày.
Nâng cao ý thức tự bảo vệ trong cộng đồng
Công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm vốn luôn được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự an nguy của con người. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tránh thói quen tùy tiện, chọn cơ sở có thương hiệu đăng ký, sạch sẽ, thoáng mát, có đeo khẩu trang, găng tay, chọn điểm bán thức ăn có uy tín, đó là những kỹ năng cơ bản nhất mà mỗi người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay nên trang bị cho mình.
Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tươi ngon ở địa chỉ uy tín. |
Khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự quan tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đầu tư đồng bộ và hiệu quả từ phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu, có nhiệt huyết cống hiến cho khoa học đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc tiên tiến và hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định trong Hội nghị: Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, gây nhức nhối ở nước ta hiện nay. Có rất nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến việc thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại vẫn được lưu hành trên thị trường.
Trước sự phức tạp và đa dạng của các mối nguy an toàn thực phẩm trên, các quốc gia cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học và các dữ liệu nghiên cứu đáng tin cậy.