“Thương binh tàn nhưng không phế”
Những bóng nắng nhảy nhót trên mái đầu đã bạc trắng của người lính già quê Ý Yên, Nam Định Đỗ Văn Thế, khi ông trầm ngâm ngồi đọc báo một mình trên chiếc xe lăn giữa khoảng sân rộng rãi của trung tâm. Nhập ngũ khi vừa tròn tuổi đôi mươi, ông từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, từng đánh vào Nhà lao Thừa Phủ rồi giải phóng đồn Mang Cá (Huế), từng nhận một viên đạn vào cột sống, bị bắt và bị địch giam giữ, tra tấn tại Trại tù binh Hố Nai (Biên Hòa) và được trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn. Trở về, ông mới biết mình đã là “liệt sĩ”, mới nhận tin người vợ đi bước nữa, sau ba năm trọn vẹn để tang chồng. Kể từ ngày đó, ông coi trung tâm là ngôi nhà gắn bó của chính mình.
Bao năm qua, phần cơ bên dưới đã mất cảm giác nhưng phần xương vẫn không thôi đau nhức, tư thế ngồi lâu tì đè khiến máu không lưu thông nên đôi chân vẫn liên tục lở loét, không thể lành lại. Một viên bi vẫn hiện hữu trong đầu khiến ông thỉnh thoảng thấy cơ thể tròng trành như đang đội thúng nước. “Đau lắm cháu ạ, cơ thể bác giờ như trạm dự báo thời tiết, mưa nắng là biết trước vài ngày. Nhưng bác vẫn cố gắng chịu đựng, quá ngưỡng thì uống thuốc giảm đau chứ nhất quyết không tiêm vì sợ sẽ nghiện” - ông hồn hậu chia sẻ.
Tôi ghé thăm phòng ở của bác Mai Thị Hường, sinh năm 1944, quê Hương Khê, Hà Tĩnh. Căn phòng rộng rãi, khang trang với tổng diện tích vài chục mét vuông đủ không gian để chiếc xe lăn dọc ngang xoay xỏa cho những nhu cầu tối thiểu của nữ thanh niên xung phong hăm hở từng nhát cuốc mở con đường 20 Quyết thắng năm xưa. Từng viết đơn xung phong, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn, cô gái trẻ háo hức vào chiến trường khốc liệt, nơi bom đạn cày xới đến không còn một cành lá để ngụy trang. Bị nhiều viên bi găm vào cột sống, gót chân và ổ bụng khi đang đào hố đặt téc xăng, nữ thanh niên xung phong phải kinh qua hàng loạt trạm quân y để rồi gắn bó với trung tâm từ năm 1970, “mới đó mà đã 55 năm rồi”.
Gương mặt vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp dù đã ở tuổi 83, bà nhẹ nhõm chia sẻ về những vết thương vẫn không ngừng hành hạ mỗi ngày, “đau lắm, không tả nổi, cứ phải gò lưng xoa xát cho giãn dây thần kinh, chịu không nổi thì nằm khóc”. Chia tay tôi, bà lụi hụi vào bếp thái miếng thịt luộc bé xíu để ăn trưa. “Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nơi này, cuộc đời không có được hạnh phúc bình dị làm vợ, làm mẹ nhưng tôi chưa bao giờ hối hận, chưa một lần hờn trách. Tổ quốc lâm nguy, tôi tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé cho quê hương, cho ngày hòa bình của cả dân tộc” - bà cười dịu dàng thay lời tạm biệt.
Theo chia sẻ của Giám đốc, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là nơi nuôi dưỡng, điều trị thương binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và cơ cấu thương - bệnh tật nặng nhất trên toàn quốc. Đặc thù thương tật bị thương vào cột sống, gây liệt nửa người phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc chiếm tới tỷ lệ 90%, trong tổng số 87 “cư dân” hiện tại của trung tâm. Di chứng nặng nề của vết thương cột sống khiến phần nửa người phía dưới bị teo cơ, mất cảm giác (không tự chủ được trong hoạt động bài tiết). Nhiều thương binh còn mắc thêm hàng loạt chứng bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm gan, viêm đường tiết niệu, loét lưng và nang ụ ngồi… 10% ít ỏi còn lại thuộc về những thương binh phải sống chung cùng những vết thương tổng hợp như cụt cả hai tay, cụt chân, hỏng mắt, sọ não...
Có người luôn phải nằm viện tuyến trên để chạy thận nhân tạo tới 17 năm liền, có trường hợp sống thực vật phải nằm bất động trên giường khá nhiều năm và nhiều thương binh vẫn sống chung cùng mảnh đạn và viên bi, cứ thay đổi thời tiết là đau nhức nhối. Tỷ lệ thương tật từ 81% đã được xếp vào danh sách thương binh nặng bậc 1/4. Vậy mà phần đa trong số họ đều vượt ngưỡng 90%, cá biệt có những trường hợp chạm tới con số 100% (như bác Lê Ngọc Quang, sinh năm 1958) hay 98 -99% (như các bác Thèn Văn Sán sinh năm 1949, Nguyễn Ngọc Sửa sinh năm 1950).
Không chỉ có vậy, hiện vẫn còn 36 người lính can trường mang trong mình di chứng chất độc da cam, có người sinh con ra bị dị dạng, dị tật. Người nhiều tuổi nhất như bác Nguyễn Văn Yểng sinh năm 1941, người ít tuổi nhất cũng vừa tròn bát thập (như các bác Lê Văn Chinh, Đinh Thế Học, Nguyễn Văn Thanh). “Chiến tranh đã đi qua nhưng di chứng mà nó để lại đến tận hôm nay vẫn hết sức nặng nề, trong những vết thương ngày đêm gặm nhấm và bào mòn cả thể xác và tinh thần mỗi thương binh” - bác sĩ Nguyễn Văn Hương xót xa tâm sự.
Nhưng cũng theo ông, “thực hiện lời dạy thương binh tàn nhưng không phế của Bác Hồ, nhiều đồng chí đã vượt lên chính mình, chiến thắng thương-bệnh tật. Người đã học nghề sửa chữa điện tử-điện dân dụng để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, người thì tham gia viết báo, làm thơ. Nhiều gia đình thương binh-điều dưỡng có con tốt nghiệp đại học-thạc sĩ, đạt vị trí cao ở các ngành trong và ngoài quân đội”.
![]() |
Thương binh Đỗ Văn Thế, người đã gắn bó với Trung tâm hơn nửa thế kỷ qua. |
Còn đâu đó những nốt lặng buồn
Là người trực tiếp gần gũi, chăm sóc các thương-bệnh binh, Bác sĩ Ngô Huy Phô - Trưởng phòng y tế, phục hồi chức năng không thể nào quên những chuyến xe đưa thương binh lên bệnh viện tuyến trên với lịch chạy kín tuần, những ngày căng mình chăm sóc 5-6 bác cùng nằm viện một lúc. Mỗi bác ở lại tuyến trên điều trị là phải cắt cử một người phục vụ và thay ca theo tuần, nằm tại khoa cấp cứu, lây lao thì 5 ngày lại phải đổi người. Rồi còn lịch trực đêm muôn ngày như một, kíp nào cũng phải đủ 4 thành phần bác sĩ-điều dưỡng-phục vụ-lái xe. Bởi thế, 32 nhân sự đảo nhau, kiêm nhiệm cả loạt công việc từ tiêm-truyền-theo dõi đến khám bệnh-điều trị mà lúc nào cũng cảm thấy thiếu người, cũng căng thẳng vì phải đối diện nhiều áp lực công việc.
“Được chăm sóc và phục vụ các bác là nghĩa vụ, đồng thời cũng là niềm vinh dự và trách nhiệm của mỗi chúng tôi. Với tập thể 50 cán bộ của trung tâm, các bác đều là bậc cha chú trong gia đình, chúng tôi là lứa con cháu. Lỡ có bị các bác nóng tính mắng mỏ, thậm chí đuổi đánh đòi thêm thuốc giảm đau khi vết thương hành hạ thì cũng đành chịu trận. Luôn nỗ lực mỗi ngày để xoa dịu nỗi đau đớn cho các bác nên chỉ làm được một chút gì đó là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi” - Bác sĩ Ngô Huy Phô trầm giọng.
Hiện tại, mức trợ cấp cho người có công dành cho thương binh loại A là 89 nghìn đồng/1% thương tật. Ngoài ra còn có khoản trợ cấp dành riêng cho những cựu chiến binh nhiễm chất độc hóa học và có vết thương đặc biệt (cột sống). Nhà nước cũng phân bổ khoản chi phí 8,5 triệu đồng/giường bệnh (bao gồm ăn, bồi dưỡng sức khỏe và thuốc men điều trị hằng ngày). Như thương binh Đỗ Văn Thế chia sẻ là “mọi nhu cầu của chúng tôi đều được đáp ứng đầy đủ, không thiếu thốn gì. Chỉ có Nhà nước mới lo lắng được cho chúng tôi như thế, con cái lo cho bố mẹ chưa chắc đã bằng”.
Nhưng Giám đốc Nguyễn Văn Hương vẫn canh cánh một nỗi buồn thường trực, khi thủ tục chứng nhận liệt sĩ cho những thương binh nặng ra đi tại trung tâm hiện có đôi chút vướng mắc. Căn cứ theo Điều 17 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì: “Đối với trường hợp thương binh chết do vết thương tái phát quy định tại điểm l khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh, việc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở bản tóm tắt hồ sơ bệnh án và biên bản kiểm thảo tử vong xác định nguyên nhân chính gây tử vong là do vết thương cũ tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an)”.
“Điều đó đồng nghĩa với việc nếu thương binh ra đi ngay tại trung tâm, khi không điều trị ở cơ sở tuyến huyện trở lên, các bác sẽ rất thiệt thòi. Tính từ năm 2021 tới nay, trung tâm đã phải tiễn biệt hơn 10 bác nhưng hiện mới chỉ có một người được suy tôn liệt sĩ” - Bác sĩ Hương bộc bạch. Đó cũng là nỗi buồn mà thương binh Đỗ Văn Thế tâm sự với người viết trước khi chia tay. Mong là “nỗi buồn” ấy sẽ sớm được hóa giải, để trái tim của những người lính già thôi âu lo, trăn trở!
![]() |
Thương binh Mai Thị Hường trong căn bếp nhỏ. |