Miệt mài lan tỏa hương trà Việt

Ngôi nhà di sản 84 Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gần như đã thành điểm hẹn của người yêu trà, đặc biệt trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức thường niên vào tuần lễ di sản cuối tháng 11 hằng năm. Ðịa chỉ này trở nên thân thuộc bởi có sự hiện diện giao lưu sinh hoạt trà thường xuyên của Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cùng cộng đồng yêu trà, quảng bá văn hóa uống trà của người Việt cho du khách quốc tế…
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn chia sẻ về văn hóa trà Việt với du khách quốc tế tại Ngôi nhà di sản (Mã Mây, Hà Nội).
Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn chia sẻ về văn hóa trà Việt với du khách quốc tế tại Ngôi nhà di sản (Mã Mây, Hà Nội).

Người mang tình yêu bất tận với trà

Gắn bó với trà Việt, đặc biệt yêu thích hương vị trà ở vùng Tây Bắc, nơi có những đỉnh núi quanh năm mù sương, hơn mười năm nay, Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cùng với cộng đồng yêu trà anh gây dựng, đã dành nhiều tâm sức, tâm huyết để hương trà Việt lan tỏa muôn phương. Phía bắc, đặc biệt ở Yên Bái, Hà Giang có những vùng chè quý. Đặt chân đến đó, ngồi dưới những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm sống ở độ cao 2.000m, rồi được thưởng thức, cảm nhận hương, vị thanh thuần riêng biệt đặc trưng, Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cho rằng, mình gắn bó với cây chè, càng ngày càng nặng tình. Đưa trà Việt gần hơn với đời sống, Nguyễn Cao Sơn chú trọng vào việc xây dựng các không gian văn hóa trà, tổ chức các hình thức du lịch chuyên đề trà... Để tiếp cận đa dạng đối tượng người dùng trà, ông Sơn chia sẻ nhiều kỹ nghệ pha trà độc đáo. Cuộc sống giống như cách pha trà, hãy đun sôi cái tôi của bạn làm bay hơi mọi lo lắng, pha loãng mọi muộn phiền... tận hưởng sự hạnh phúc, đó là cách nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn đưa trà tiếp cận gần hơn với người trẻ. Nguyễn Cao Sơn được nhiều người biết đến hơn khi là người đóng vai trò nghệ nhân pha trà và sắp đặt không gian, bonsai nghệ thuật cho tiệc trà cấp Quốc gia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ba phẩm trà được dùng tại sự kiện đều từng đoạt giải cao tại Cuộc thi Trà quốc tế, chính là bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) ướp hương gạo sen Đầm Trị Tây Hồ (Hà Nội); trà Olong lão từ cao nguyên Mộc Châu (Sơn La); bạch trà chốt đỉnh 2000 hay còn gọi là bạch trà chốt tiền Thanh Minh vì được thu hái trước tiết Thanh Minh tháng 3 âm lịch hằng năm.

Trăn trở tìm cách định danh trà Việt

Sôi nổi và năng động, Nguyễn Cao Sơn thường xuyên có mặt ở các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, nắm bắt được tập tính căn nguyên của từng vùng đất, cây chè mọc ở độ cao trên 1.000m khác với ở độ cao 2.000m, dược tính khác nhau ra sao... Thực hiện dự án bảo tồn cây chè Việt Nam, Nguyễn Cao Sơn đã đến thăm một số phân bố cây chè lớn ở miền bắc. Ông trò chuyện, đi sâu tìm hiểu về cuộc sống của người dân ở đó, cùng họ thay đổi điều chỉnh thói quen, cách ứng xử với cây trà, từ chăm sóc cây đến quá trình thu hái; từ thời gian hái đến khâu ủ, sao sấy sao cho giữ được tròn hương vị nhất. Bà con trước kia thu hái theo kiểu tiện thể, cứ thấy mầm non trồi lên là hái, và hái kiểu tận diệt cây trà khó khăn hơn cho việc tiếp tục nảy mầm mới. Bên cạnh đó, việc thu hái không theo định kỳ, cho nên việc thu hoạch mỗi lần không đủ để sao một mẻ, phải đợi thêm, chất lượng bị giảm đi nhiều lần... Chính vì thế, khi làm việc với người dân, thuyết phục họ thay đổi cách sao chè truyền thống cũng rất quan trọng. Có như thế trà mới có thể tiêu thụ được ở nước ngoài nhiều hơn. Để xây dựng thương hiệu cho trà Việt, Nguyễn Cao Sơn rất chú trọng đến quy trình thủ tục pháp lý. Ông đăng ký sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, các chứng nhận về sản phẩm sạch, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng bảo tồn nguồn gien thuần bản địa, gây giống cây chè… Kể từ năm 2018 đến nay, các sản phẩm trà Việt Nam tiếp tục được Hội đồng giám khảo Cuộc thi Trà quốc tế AVPA Paris (Pháp) đánh giá cao. Tại AVPA Paris 2024 diễn ra vào tháng 10 vừa qua, trà Việt đoạt sáu giải nâng tổng số giải thưởng trà Việt tại sân chơi quốc tế này lên 21 giải. “Đây là sân chơi lớn, nơi kết nối giao lưu của các nhà sản xuất trà trên toàn thế giới, rất danh giá, kết quả không bị tác động bởi bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Chúng tôi rất tự hào vì sản phẩm trà Việt đã được định danh đúng với giá trị thật. Điều đó cũng là điều kiện thuận lợi để trà Việt tiếp cận thị trường thế giới”, Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn hào hứng.

Liên tục đoạt giải thưởng tại cuộc thi AVPA, nhưng lần nào với đội Việt Nam cũng vẹn nguyên cảm xúc, bởi đó là cơ hội tích cực quảng bá giá trị sản phẩm trà Việt trong hành trình đưa trà Việt ra thế giới, kết nối tâm huyết của những người làm trà, yêu trà thành cộng đồng ngày càng lớn mạnh hơn. Nguyễn Cao Sơn đặt các sản phẩm trà mang phong vị núi rừng như Trà thác nước Hoàng Liên Sơn, trà Rồng đỏ Hoàng Liên Sơn, trà Ký ức Hoàng Liên Sơn, trà Cửa sổ xuân Ô long xanh CS, Giai điệu Mộc Châu huyền long, thủy hỏa ô long hồng…

Ở các cuộc thi trà quốc tế, trà phải nguyên chất và không được ướp hương, không chứa chất tanin, thứ tạo vị chát như khẩu vị yêu thích của người Việt. “Sản phẩm của chúng tôi không ướp hương sen mà kế thừa cách trộn gạo sen vào trà. Sản phẩm lưu giữ hương, tạo ra hương vị đặc trưng bằng quy trình sao ủ độc đáo”, ông Sơn cho biết. Sau các cuộc thi, các sản phẩm trà Việt ở nước ngoài cũng đã xuất hiện nhiều dần lên.

Teatour - từ ý tưởng đến các mô hình điểm

Teatour là mô hình trải nghiệm không gian trà Việt, giới thiệu văn hóa trà cho du khách khi đến với Hà Nội. Ý tưởng được thành hình khi Nguyễn Cao Sơn tham gia buổi giới thiệu quảng bá văn hóa tại Ngôi nhà di sản (Hà Nội) năm 2014. Càng dấn sâu vào tìm hiểu, ông càng thấy say mê, yêu quý trà Việt bằng tất cả sự nhiệt thành. Sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa Tiếng Pháp, ra trường bươn chải ở lĩnh vực đa quốc gia, Nguyễn Cao Sơn có điều kiện để tiếp cận giao lưu với nhiều nền văn hóa, càng thấy quý hơn, độc đáo hơn văn hóa Việt, đặc biệt tập tục uống trà và nền văn hóa trà. “Tôi phải làm mọi cách để ngày càng nhiều người biết đến trà Việt hơn. Tôi muốn phát triển văn hóa trà Việt. Tôi cũng muốn phát triển sản phẩm trà Việt, muốn trà Việt được mang thương hiệu Việt. Để trà gần gũi hơn với người trẻ, tôi hướng đến nhiều cách pha, cách thưởng trà khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng. Trà của tôi cũng được phát triển theo hướng đa dạng hóa cách tiếp cận, bắt đầu từ cách pha, cách uống: pha nóng, pha lạnh, pha kiểu detox, mỗi thứ mang đến một sự trải nghiệm, cảm nhận riêng. Trà lên men tốt cho sức khỏe, không còn vị chát, vị ngái, đã khử tanin, uống dịu ngọt nhẹ nhàng. Người già, người trẻ, người nhâm nhi ngồi lâu, người không có thời gian thì có cả mang đi. Uống trà thường kèm theo bánh. Trà Việt rất hợp với bánh đậu xanh. Ở resort Le Champ Tú Lệ (Yên Bái) nơi có sản vật nếp nương nức tiếng, chúng tôi lại lựa chọn thưởng trà với bánh cốm Tú Lệ. Tại các không gian trà Việt, bên cạnh trà, các sản phẩm đi kèm đều được thửa riêng, tôn vinh giá trị của nhau lên. Đây là cách làm hiệu quả, trong quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản vật địa phương. Việc thay đổi phương thức sản xuất mất thời gian, việc thay đổi điều chỉnh phải thực hiện từng chút một. Nhìn thấy kết quả đạt được là sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, bán được giá hơn, bà con phấn khởi làm theo. Chúng tôi tự tin để tiếp tục mang chuông đi đánh xứ người…”, ông Sơn chia sẻ.