Không để "cái sảy nảy cái ung"

Việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) hiện nay là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của các chủ tàu khai thác thủy hải sản đã được quy định rõ trong Luật Thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định 42/2019/NĐ-CP năm 2019.

Tàu cá ở Cà Mau (Ảnh minh họa: Hữu Tùng).
Tàu cá ở Cà Mau (Ảnh minh họa: Hữu Tùng).

Quy định này không chỉ góp phần giảm, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; chứng nhận nguồn gốc thủy sản và cũng là giải pháp thực hiện theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC với thủy sản Việt Nam thời gian qua. Do vậy, các ngành chức năng các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để ngư dân thấy được lợi ích khi lắp VMS và nỗ lực hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên theo phản ánh của một số địa phương, thời gian qua một số thiết bị VMS của ngư dân trong quá trình hoạt động đánh bắt trên biển thường bị trục trặc, lỏng sim không phát được tín hiệu, hoạt động không ổn định, thậm chí bị "treo máy"… dẫn đến mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình ở trên bờ của lực lượng chức năng.

Những lần sim bị lỗi, máy bị treo, để khắc phục chỉ có cách gỡ tem dưới sim rồi tháo sim ra lắp lại. Thế nhưng theo quy định, ngư dân không được tự ý tháo ra bởi các chi cục thủy sản đã niêm phong ở vị trí cài sim. Nếu tàu nào tự ý tháo sim sẽ không được hỗ trợ tiền dầu theo quy định nên khi tàu bị lỗi sim trong quá trình đang hoạt động trên biển, tàu buộc phải gọi điện về báo chi cục thủy sản. Song, ngoài biển khơi đâu phải như ở trong bờ mà lúc nào cũng có sóng tốt để liên lạc ngay được.

Điều đáng nói là, khi được những ngư dân phản ánh lỗi thiết bị, một số đơn vị cung cấp lại chưa kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng.  Có trường hợp, đơn vị cung cấp gỡ thiết bị đi sửa chữa, vài tháng trôi qua vẫn chưa xong, chưa trả lại ngư dân, nên tàu cá ngư dân đành phải nằm bờ… và không chỉ thiết bị VMS trên tàu cá của ngư dân mất tín hiệu mà ngay cả hệ thống của chi cục thủy sản và tại cảng cá thỉnh thoảng cũng mất tín hiệu.

Vì những lý do nêu trên, việc quản lý cũng như giải trình, chứng minh với EC về hoạt động của các thiết bị VMS gắn trên tàu cá của ngư dân quả thực là một vấn đề nan giải và nhiều rủi ro.

Để tránh tình trạng "cái sảy nảy cái ung", mới đây Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các đơn vị cung cấp thiết bị. Đồng thời, tổ chức cuộc họp "nóng" các bên liên quan để làm rõ.

Trước hết, cơ quan này cho rằng cần sớm ban hành quy chuẩn Việt Nam về thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp phải thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống để tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Các đơn vị đã kinh doanh thu lãi phải có chính sách dịch vụ, hậu mãi tương thích. Thời gian tới, các đơn vị phải cung cấp đường dây nóng cho Tổng cục Thủy sản, công khai trên website để kịp thời xử lý các tình huống. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, đơn vị nào có nhiều vấn đề sẽ bị yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ...

Đây là một động thái cần thiết, vừa hỗ trợ ngư dân bám biển một cách bền vững, đồng thời tuân thủ Luật Thủy sản vừa góp phần quan trọng giúp ngành thủy sản Việt Nam sớm gỡ "thẻ vàng" của EC.