Ca ghép thận đầu tiên cho thiếu niên sẽ diễn ra cuối tháng 5

Một ca ghép thận cho người lớn tại Việt Nam.
Một ca ghép thận cho người lớn tại Việt Nam.

Bệnh nhân này còn bị huyết áp cao, chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần từ ba năm nay tại một số bệnh viện khác.

Nguyễn Văn Lộc - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, cho biết, bệnh viện sẽ trực tiếp tổ chức ca ghép thận này. Người cho thận là bố bệnh nhân (45 tuổi).

Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện Nhi TƯ đủ điều kiện tiến hành ghép thận cho trẻ em. Sau hai năm chuẩn bị, tới nay công đoạn chuẩn bị cho ca ghép thận trẻ em đầu tiên trên cả nước gần như hoàn tất.

Bệnh viện Nhi TƯ thành lập ban điều hành ghép thận và chín nhóm công tác cho ca ghép thận bao gồm nhóm chọn lọc bệnh nhân trước mổ, nhóm lấy thận, rửa thận, ghép thận, gây mê hồi sức, theo dõi trước và sau mổ, dược, nhóm làm các xét nghiệm, và nhóm hậu cần.

Ngoài ra, bệnh viện còn xây dựng Trung tâm lọc máu ngoài thận và cử các bác sĩ đi học về ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Quân y 103. Phòng mổ được vô trùng và trước khi tiến hành phẫu thuật khoảng một tuần cả người cho và người nhận được cách ly tại phòng vô trùng để tránh nhiễm khuẩn.

Thời gian vừa qua các bác sĩ của Bệnh viện tiến hành mổ thực nghiệm ghép thận trên hai con chó và hai con lợn. Hiện nay, hai chú chó vẫn sống khỏe mạnh sau nửa tháng mang trong mình quả thận mới.

Công việc khó khăn nhất trong giai đoạn chuẩn bị cho ca ghép thận, theo bác sĩ Lộc, chính là lựa chọn người cho và nhận thận. Để làm được điều này từ một tháng nay, bệnh viện nuôi và chăm sóc cho cặp bệnh nhân đặc biệt để làm các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành ghép.

Tất cả có 59 xét nghiệm, trong đó xét nghiệm gene và HRAA, HRAB, HRAD (đánh giá khả năng thích ứng thận của người cho đối với người nhận) lên tới 16 triệu đồng. 57 xét nghiệm còn lại chi phí dao động từ dưới 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/xét nghiệm, gồm xét nghiệm miễn dịch, chụp phóng xạ của thận, chụp động mạch thận, tiền mẫn cảm. Cả người cho và người nhận được tiến hành gần hết các xét nghiệm cần thiết.

Tiêu chí để chọn bệnh nhân được các nhà khoa học đưa ra là phải cùng huyết thống, tuổi người cho tương đối trẻ và đặc biệt tuổi người nhận không quá bé. Bởi lẽ, như vậy khả năng tương đồng giữa người cho và người nhận cao sẽ giúp ca ghép thận đầu tiên trên trẻ em thành công.

Dự kiến, thời gian tiến hành một ca ghép thận kéo dài từ 6 đến 7 giờ đồng hồ với chi phí ước tính hơn 100 triệu đồng. Ca ghép thận đầu tiên sẽ được bệnh viện miễn phí hoàn toàn.

Tuy nhiên, bác sĩ Lộc cho biết, hiện bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc tìm ngay kinh phí để chi trả cho ca ghép thận đặc biệt là thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân sau khi ghép thận. Bệnh viện Nhi TƯ cũng đang kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng cho ca ghép đầu tiên này.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội đồng Ghép tạng Học viện Quân y, cho biết ghép thận cho trẻ em khó hơn cho người lớn nhiều. Cơ thể trẻ nhỏ nên các mạch máu, động mạch, tĩnh mạch đều bé, dễ xuất hiện biến chứng trong quá trình ghép. Đặc biệt, việc gây mê cho trẻ khó khăn và nguy hiểm hơn làm trên người lớn vì sức chịu đựng và chống đỡ của cơ thể trẻ yếu hơn. Ngoài ra, khả năng tương thích của thận giữa một người nhận là người lớn với người nhận là trẻ em cũng có nhiều khác biệt vì động mạch, tĩnh mạch trên quả thận của người cho to hơn nhiều so với người nhận là trẻ em gây khó khăn khi khâu nối.

Hiện nay tại Bệnh viện Nhi TƯ có khoảng 25 trẻ bị các bệnh về thận, nhất là suy thận mãn cần được ghép thận để kéo dài cuộc sống. Tuy nhiên, số trẻ có hy vọng được ghép thận rất ít. Tâm lý của người cho thận cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của ca ghép. Bệnh viện Nhi TƯ hết sức khó khăn trong việc thuyết phục các gia đình đồng ý hiến thận cứu con em mình. Bởi lẽ, hầu hết mọi người đều lo lắng cho cuộc sống sau này của người nhận, do các cháu còn nhỏ. Hơn nữa, nhiều người có khả năng cho thận lại là chủ lực trong gia đình về kinh tế nên băn khoăn sau khi hiến một quả thận cho người khác khả năng làm việc có còn được như trước hay không.

Mặt khác sau khi ghép thận, người nhận phải dùng ít nhất ba loại thuốc chống thải ghép với chi phí khoảng 3 triệu đồng/tháng để giúp cơ thể tiếp nhận và hòa hợp với quả thận mới.

Sự kiện Bệnh viện Nhi TƯ tiến hành ca ghép thận đầu tiên trên trẻ em đánh dấu bước tiến mới của kỹ thuật ghép tạng tại Viện. Đồng thời, nó cũng nhằm chuẩn bị cho ca ghép gan đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm 2004 tại Bệnh viện Nhi TƯ.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thế Trung, cho biết ghép thận là tiền đề để ghép gan vì khi đó kíp kỹ thuật có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Đây cũng là quy luật thông thường tại các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.