Những người săn cây, tìm cỏ

Mỗi chuyến đi của các nhà thực vật học thường kéo dài nhiều tuần. Thậm chí có những người, một năm có đến bảy tới tám tháng không ở nhà.

Nhà thực học vật xem xét, đánh giá một loài thực vật tại rừng Mù Cang Chải (Yên Bái).
Nhà thực học vật xem xét, đánh giá một loài thực vật tại rừng Mù Cang Chải (Yên Bái).

Vì thế, không phải dễ có cơ hội để theo chân họ trong một chuyến đi “săn” loài tìm và định danh cho các loài thực vật mới phục vụ cho công tác bảo tồn và nghiên cứu về đa dạng sinh học mà cụ thể là đa dạng loài trong hệ sinh thái rừng Việt Nam.

Một cuộc đi “săn” loài

Chuyến đi Yên Bái của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu lâm sinh, kết hợp giữa bộ môn Lâm học và Tài nguyên rừng với bộ môn Điều tra và Quản lý rừng bền vững, thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nhằm xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải, mục tiêu là điều tra trữ lượng, tài nguyên rừng, lập ô, thành phần loài, xác định các khu có giá trị bảo tồn cao, mức độ đa dạng sinh học lớn, thực vật quý hiếm trên diện tích hơn 60.000 ha trải rộng ở nhiều xã của huyện Mù Cang Chải vào đúng thời điểm mùa mưa bão bắt đầu xuất hiện ở phía bắc, nguy cơ lũ quét, sụt lở cao.

Nơi chúng tôi đến ở huyện Mù Cang Chải, thời tiết cũng rất xấu. Do mưa nhiều ngày trước đó, các con đường ngập đầy bùn, nước đọng, có nơi thành “ổ trâu”, “ổ gà”, trong khi trời thì mù, chẳng nhìn rõ mặt người.

Cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua con đường từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải nằm ở bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông đến khu vực thực địa đầu tiên ở xã La Pán Tẩn sau khoảng một giờ chạy xe, trước khi tất cả sắp xếp đồ đạc rồi theo chân porter (người vác đồ) người địa phương vào rừng.

Giống chuyến trekking mà tôi thực hiện hồi đầu năm ở đỉnh Ky Quan San cao 3.046 m thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai), việc nhờ porter vừa vác đồ, vừa dẫn đường sẽ giúp ba-lô của mỗi người bớt nặng hơn.

Mỗi lần di chuyển, nhà thực vật học Hoàng Thanh Sơn phải mang theo các dụng cụ thu mẫu, máy ảnh, máy sấy, ống nhòm, nước, đồ ăn, đó là chưa kể máy tính, quần áo đã để lại ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải cho nhẹ. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, chuyến thực địa của họ diễn ra hoàn toàn khác với cảm nhận của tôi.

Lạ lùng là trong khi những trekker cố gắng đi sao cho nhanh trên một tuyến đường cùng porter mà có lúc chẳng kịp dành thời gian ngắm cảnh, chụp ảnh lưu lại làm kỷ niệm thì các nhà thực vật đi “săn” loài mà như đi dạo chơi.

Theo Sơn, mỗi chuyến đi, họ thường có hai cách điều tra, theo tuyến và theo ô tiêu chuẩn. Điều tra theo tuyến là đi theo tuyến dài, trên các tuyến sẽ ghi nhận tổng số loài thực vật, xác định loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn.

Còn điều tra theo ô tiêu chuẩn cũng là đo đếm, xác định loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn trong các ô tiêu chuẩn có diện tích từ 100 đến 400 m2, sau đó, lập danh sách, đề xuất các biện pháp bảo tồn những loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, họ như người thợ săn vừa đi vừa quan sát từng cái cây, từng ngọn lá, từng bông hoa, rồi mô tả, ghi chép tỉ mỉ trước khi chụp ảnh, thu thập mẫu.

Sơn cho biết, công việc lấy mẫu và ghi chép ngoài trời có tính chất quyết định cho việc giám định thực vật sau này. Lấy mẫu phục vụ yêu cầu tư liệu hóa không đòi hỏi nhiều trong công tác nghiên cứu, song cũng phải theo những quy định chung và cần có những kiến thức, điều kiện nhất định. Để chứng minh, anh lấy trong ba-lô những dụng cụ như giấy ép mẫu cây là những tờ báo cũ; túi ni-lông để đựng các loại củ, quả, hạt; nhãn ghi và phiếu mô tả ngoài trời; dây buộc; thước dây; kéo cắt cành; dao; bay nhỏ để đào rễ, củ…

Sau khi lấy đủ số mẫu cần thiết của một loài, Sơn ghi chép lại cẩn thận theo mẫu quy định rồi xử lý sơ bộ tiêu bản ở hiện trường, như sấy qua để tránh bị mốc, đặt mẫu vật vào giữa hai lớp báo vuốt cho thẳng theo hình dạng tự nhiên, giữa các mẫu vật anh để bốn đến năm lớp giấy để đủ độ hút ẩm…

Với việc phải quan sát, tìm kiếm rồi thu mẫu như vậy, xuyên qua các địa hình phức tạp, xuyên cắt qua các trạng thái hệ sinh thái khác nhau, tôi đã hiểu vì sao Sơn nói rằng, những chuyến thực địa của các anh kéo dài, vất vả hơn một cuộc trekking của những phượt thủ. Ngoài ra, nếu muốn tìm những loài thực vật quý hiếm, mức độ đa dạng lớn, họ sẽ phải đi vào những cánh rừng xa, ít người đến nhất, ít bị tác động nhất, với hành trình từ 15 đến 20 km cả đi và về.

Sơn cũng cho biết thêm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới và theo ước tính của các nhà khoa học, chúng ta có thể có tới 15.000 loài thực vật. Mới phát hiện khoảng 11.000 loài, nghĩa là chúng ta còn hơn 4.000 loài chưa được phát hiện.

Nếu nhà thực vật học không bỏ công sức, thời gian xuyên rừng “săn” loài để lập hồ sơ thì với tốc độ phá rừng, quá trình đô thị hóa hiện nay, hệ sinh thái động vật, thực vật đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các loài có nguy cơ biến mất nhanh, sẽ dẫn đến không còn cơ hội. Trong khi hệ động vật chỉ cần mất đi một hoặc hai loài là có thể thấy rõ, được cảnh báo vì số lượng ít thì với hệ thực vật, có khi mất cả trăm loài mỗi năm mà không ai biết.

Rừng là lẽ sống

Chúng tôi rời La Pán Tẩn lúc 4 giờ chiều và trở về Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải khi trời đã tối. Vậy nhưng, Sơn và các đồng nghiệp vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bởi sau khi xử lý sơ bộ mẫu vật, tiếp theo sẽ là quá trình tách mẫu, sấy mẫu vật, bôi cồn để mẫu vật không bị rụng lá, hỏng và mốc, rồi thu mẫu DNA, ghi nhãn với các thông tin như: họ thực vật, tên khoa học, tên Việt Nam, người thu mẫu, địa điểm thu mẫu, ngày thu mẫu.

Ở đây, việc thu mẫu đúng cách, bảo đảm tính nguyên vẹn của mẫu trước khi giao cho phòng thí nghiệm là một bước rất quan trọng bởi xét nghiệm DNA thực vật sau đó có ý nghĩa trong nghiên cứu, phát triển cũng như bảo tồn các giống thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng.

Những người săn cây, tìm cỏ -0
 Hoàng Thanh Sơn (ngồi ngoài cùng bên phải) trong chuyến thực địa tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Do vậy, đều như mọi ngày trong chuyến thực địa, buổi sáng bắt đầu với Sơn từ lúc 6 giờ 30 phút và kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau. Thế mới nói, nếu không say mê với việc đi thực địa, chịu khó quan sát, ghi chép và tổng hợp, thật khó để một nhà thực vật học như Sơn lang thang khắp các cánh rừng, các khu bảo tồn, các vườn quốc gia trên cả nước trong 15 năm qua. Điều đáng nói là tình yêu với rừng đã được chàng trai sinh năm 1983 quê Thanh Hóa nhen nhóm từ khi anh quyết định đăng ký môn Sinh tổng hợp của Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) năm 2001.

Đến năm thứ hai, Sơn quyết tâm theo đuổi môn Phân loại học mà cụ thể là phân loại học thực vật và từ đó cho đến khi tốt nghiệp năm 2005, nhờ sự chăm chỉ, năng khiếu, cộng thêm một năm làm việc tại phòng thí nghiệm của trường, anh đã có trong tay một ngân hàng dữ liệu các loài thực vật của vùng Tây Nguyên.

Những tưởng Sơn sẽ gắn bó mãi với vùng đất này, anh lại bắc tiến vì cơ hội được làm việc tại Viện Nghiên cứu lâm sinh thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, được học hỏi các nhà khoa học đầu ngành và quan trọng không kém là được ở gần nhà, như anh tâm sự. Vậy là một hành trình mới lại bắt đầu với Sơn, từ những ngày mò mẫm “săn” loài ở Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Tam Đảo đến những chuyến đi tới Xuân Sơn (Phú Thọ), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Tà Đùng (Đắk Nông), Bù Gia Mập (Bình Phước) hay U Minh Thượng (Kiên Giang), nơi đâu cũng có dấu chân của anh.

Mỗi năm, có đến bảy tới tám tháng anh không ở nhà. “Vậy còn gia đình nghĩ sao?”, tôi hỏi Sơn. Anh nói: “Vợ là người cùng quê nên cũng thông cảm cho công việc của em, chỉ có hai đứa trẻ chịu thiệt thòi vì ít khi bố ở bên cạnh”.

Bù lại, những chuyến đi rừng đã giúp Sơn và các đồng nghiệp phát hiện ra nhiều loài mới để công bố cho Việt Nam và thế giới. Chẳng hạn như ở cuộc khảo sát tại các xã của Mù Cang Chải vừa qua, họ đã thu giữ hàng nghìn mẫu vật, phát hiện ra ba loài mới cho thế giới và bốn đến năm loài cho Việt Nam.

Dĩ nhiên, công bố loài mới trên những tạp chí chuyên ngành thực vật uy tín sẽ không thể được thực hiện trong ngày một, ngày hai bởi Sơn cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến chi, họ của các loài này ở Việt Nam và trên thế giới, rồi viết bài. Sơn cho biết, trong nửa đầu năm 2021, anh đã có năm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành thực vật, tương đương với ít nhất năm loài mới được anh tìm thấy.

Nếu tính 5 năm gần đây, với 12 đến 13 bài/năm, số lượng bài viết của Sơn trên các tạp chí, trang mạng thế giới là rất đáng kể. Thí dụ như ở trang Phytotaxa, gõ tìm “Hoang Thanh Son” sẽ ra sáu bài, trong đó bài mới nhất đăng ngày 9/7/2021 cùng với tác giả Che-wei Lin (Đài Loan, Trung Quốc) có tên: Two new species of Begonia (sect. Platycentrum, Begoniaceae) from the Central Highlands of Vietnam: B. villosula and B. lophura, tạm dịch: Hai loài thu hải đường ở Tây Nguyên, Việt Nam - B. villosula và B. lophura. Hay trên trang PhytoKeys gõ tìm “Hoang Thanh Son” sẽ ra ba bài; trên trang Nordic Journal of Botany là 10 bài, trong đó bài gần nhất là ngày 16/6/2021 về các họ măng tây ở Lào, Việt Nam và Thái Lan…

Năm 2013, anh cũng lập một fanpage có tên Flora of Vietnam (Thực vật Việt Nam) để chia sẻ, giao lưu, trao đổi kiến thức với những người yêu thích thực vật.

Bỏ lại sau lưng Mù Cang Chải, những con dốc uốn lượn của đèo Khau Phạ và những cơn mưa đầu mùa, thật khó để diễn tả cảm xúc của những nhà thực vật học như Sơn khi tìm ra các loài mới, rồi công bố cho Việt Nam và thế giới nhưng đằng sau đó cũng là nỗi trăn trở của một người sống vì rừng, hết mình với rừng.

Rằng sự lo lắng bởi sau mỗi lần trở lại những khu vực đã thu mẫu đầu tiên, hệ sinh thái ở đó đã bị tác động, phá vỡ và thay đổi nhiều; rằng những phút ưu tư về công việc có mức độ nguy hiểm cao nhưng vẫn chưa được xếp vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; rằng hiện nay có ít bạn trẻ theo đuổi chuyên ngành thực vật, dù điều kiện bây giờ tốt hơn rất nhiều so với thời của thế hệ các nhà khoa học đi trước...

Sơn tâm sự, khi còn sức khỏe, anh sẽ cố gắng đi thực địa thật nhiều để có thể tích lũy thêm kiến thức, xây dựng ngân hàng dữ liệu loài lớn hơn. Hiện anh đã có dữ liệu khoảng 5.000 đến 6.000 loài. Đó cũng là sự vun đắp cho tình yêu và đam mê của mình, trước khi lui về nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy cho sinh viên, với vai trò hiện nay là Phó Trưởng bộ môn Lâm học và Tài nguyên rừng của Viện Nghiên cứu lâm sinh.

MẠNH HÀO