Khó khăn trong sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp

Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (CTNLN), nhiều địa phương đã chỉ đạo tháo gỡ quyết liệt các bất cập, vướng mắc về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng.

 Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao-su Hương Khê - Hà Tĩnh (Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam) chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Công Lâm
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao-su Hương Khê - Hà Tĩnh (Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam) chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Công Lâm

Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, việc quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông, lâm trường còn phổ biến. Đây là những tồn tại cần sớm khắc phục để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các CTNLN trong cả nước.

Khó khăn lựa chọn mô hình

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc sắp xếp, đổi mới hoạt động các CTNLN như Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Kết quả ban đầu đã tạo sự chuyển biến mới về quản lý các công ty theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị xây dựng phương án tổng thể chưa rà soát toàn diện, vì thế sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại tiếp tục đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp làm chậm tiến độ như Quảng Ninh, Nghệ An, Cà Mau, Hà Nội, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam.

Công tác sắp xếp các CTNLN, nhất là đối với mô hình sắp xếp thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên và việc giải thể công ty còn chậm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, hiện nay công tác quản lý đất đai, tài nguyên rừng tại nhiều CTNLN còn yếu kém. Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với các CTNLN còn xảy ra ở nhiều nơi. Mô hình quản trị của nhiều nông, lâm trường còn bất cập, còn có những công ty nắm giữ quỹ đất lớn không tương xứng với nguồn lực hiện có, trong khi người dân sở tại thiếu đất ở, đất sản xuất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, nếu Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì rất khó chọn được nhà đầu tư chiến lược theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần tại các CTNLN. Mặt khác, việc xử lý bất cập sau cổ phần hóa cũng rất vướng mắc vì nếu Nhà nước không được chọn nhà đầu tư chiến lược thì không thể thay đổi được phương án sản xuất, kinh doanh. Còn nếu nhà nước nắm hơn 51% cổ phần tại doanh nghiệp, thì các nhà đầu tư lại không mặn mà vì cổ phần sở hữu của họ trong doanh nghiệp thấp, vừa không tự quyết được các phương án sản xuất, kinh doanh, vừa có thu nhập thấp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép chọn nhà đầu tư chiến lược cả trong trường hợp Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, hoặc Chính phủ ban hành một nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ vấn đề này.

Về việc đề nghị điều chỉnh mô hình doanh nghiệp sau khi sắp xếp các CTNLN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, hiện nay địa phương đang sở hữu một diện tích lớn đất rừng, nhưng dưới đất rừng có nhiều khoáng sản. Do đó, tỉnh hướng đến phương án thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tuy nhiên, với mô hình này, tỉnh lại gặp khó khăn trong lựa chọn thành viên thứ hai tại doanh nghiệp sau khi thành lập. Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của CTNLN quy định còn chung chung, cho nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung vừa cụ thể, vừa phù hợp với thực tiễn và có hướng dẫn chi tiết để các địa phương cả nước áp dụng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, những hạn chế, vướng mắc như việc các CTNLN được Nhà nước giao đất không thu tiền, sau khi sắp xếp phải chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất đòi hỏi nhiều thời gian. Việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một số nơi hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích. Trong khi đó, đại diện các CTNLN, chính quyền các địa phương lại cho rằng, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn những bất cập, nhất là việc lựa chọn mô hình doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại các CTNLN.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất

Hiện nay, một trong những “lực cản” trong sắp xếp, đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTNLN là công tác quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Việc chủ động xây dựng phương án sử dụng đất, đo đạc quản lý sử dụng đất, xử lý dứt điểm đất đã giao khoán, liên doanh, cho thuê từ trước tới nay có tranh chấp đang làm cản trở tiến trình sắp xếp tại các CTNLN. Do đó, Nhà nước cần chỉ đạo kiên quyết, xử lý minh bạch đối với cán bộ và người dân có vi phạm để giữ lại quỹ đất công, quản lý tốt diện tích đất hiện có, đổi mới quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa cùng với xây dựng định hướng chiến lược trong quản lý đất rừng; rà soát, thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho các địa phương quản lý…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, những năm trước đây, tỉnh có 12 nông trường với diện tích đất sử dụng là hơn 22 nghìn ha và 15 lâm trường với diện tích đất sử dụng gần 100 nghìn ha. Sau khi thực hiện sắp xếp lại, Thanh Hóa còn 19 công ty, đơn vị. Trước thời điểm sắp xếp, các CTNLN đã giao khoán cho hộ công nhân và nông dân trên địa bàn dẫn đến tình trạng có hộ dân lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, tự ý xây công trình nhà ở trên đất nông, lâm trường… Hiện nay, một số CTNLN chưa phối hợp các huyện, sở, ngành liên quan để rà soát diện tích đất giữ lại, diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý làm cơ sở lập phương án sử dụng đất theo quy định. Tình trạng này làm chậm việc phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của CTNLN và công tác quản lý nhà nước về đất đai của địa phương.

Để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả tại các CTNLN, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai tại các nông, lâm trường, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đánh giá hiệu quả mô hình quản lý, sử dụng đất của các CTNLN để đề xuất phương án xử lý, bảo đảm cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách tương xứng. Phần diện tích đất dư dôi ưu tiên giao hoặc cho người dân đang trực tiếp nhận khoán, thuê, mướn lại đất của nông, lâm trường để bảo đảm đất được sử dụng hiệu quả, tránh phát sinh tranh chấp.

Tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, đất hoang hóa về địa phương quản lý để đưa vào quy hoạch bố trí quỹ đất cho các mục tiêu tổng thể của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường với người dân…

Tính đến nay, Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể đối với 40 địa phương, đơn vị và 256 CTNLN theo các mô hình sắp xếp. Có 160 công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới đạt 62,5%. Trong đó, 19 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, 59 công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, 49 công ty cổ phần, 15 công ty TNHH hai thành viên, năm công ty chuyển thành ban quản lý rừng và giải thể 13 công ty.