Hơn bốn tháng lên định cư trên Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, chuyện heo, bò là mối quan tâm nhất của vợ chồng thanh niên trẻ.
Tay trắng lên núi lập nghiệp
Vừa xong bữa trưa, vợ chồng Thủy (thôn Nước Tang, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) vội vã bắt tay vào việc. Tay giữ, tay ôm cưa, ván, đinh hai vợ chồng lỉnh kỉnh vác từ trong nhà ra phía sau hiên. Phút chốc, Tuấn đã leo lên trụ bê-tông và ngồi chỏng chơ trên thanh xà gồ. Phía dưới, Thủy chuyển ván, gỗ và vật dụng cho chồng gõ gõ, đóng đóng. Mươi ngày nữa thôi khu chuồng trại chăn nuôi lợn sẽ hoàn thành.
Bảy năm trước, vợ chồng Thủy ra riêng với khởi đầu “hộ nghèo mới” của xã. Không nhà, không nghề nghiệp ổn định, vợ chồng Thủy làm tạm nhà tranh trên đất ven đường thôn Mang Tà Bể. Thiếu thốn đè nặng trên gia đình năm thành viên.
Để có tiền lo cho con, trong căn nhà tranh chật hẹp, Thủy nuôi rồi bán từng con lợn. Lấy công làm lời, dư chút đỉnh Thủy lại nhân đàn. Hai năm sau, đàn lợn nái, lợn thịt 25 con gửi tạm trên đất của người thân. Tìm nơi mới an định thôi thúc gia đình trẻ ở xứ núi miền cao.
Nghe tin có làng thanh niên mới, Thủy và Tuấn quyết chí xin cư ngụ. Ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, Tuấn và Thủy được hỗ trợ đất, dựng nhà, cây con giống chăn nuôi. Sau gần một năm, gia đình nhỏ của Tuấn và Thủy có nơi tá túc.
An cư lạc nghiệp. Tuấn và Thủy gom góp, mượn thêm tiền xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn. Trại có bảy chuồng nhỏ, mỗi chuồng có diện tích từ 15-30m2 để nuôi lợn. Thủy dự tính di dời đàn lợn hơn 20 con lên nơi ở mới trong vài tuần nữa.
“Đầu tư làm chuồng trại cũng lủ khủ tiền. Có bao nhiêu mình làm bấy nhiêu thôi. Không có gì trong tay mới thấy cái khổ, cái cùng cực nó như thế nào. Lên làng thanh niên thì có đất, có nhà và nhiều thứ nữa. Mình chỉ cần có ý chí để làm ăn là được thôi” - Thủy tỉ tê trước hiên nhà.
26 tuổi, Đinh Văn Soi và Đinh Thị Sung có căn nhà sàn khang trang và khu vườn rộng trồng 50 gốc bưởi ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Gần 1 ha mì (sắn) cách làng không xa, vợ chồng Soi mỗi ngày chạy đi về chăm vườn bưởi lẫn mì. Cả gia tài ấy cũng đủ cho gia đình trẻ người Ca Dong cùng hai con nhỏ sống tốt trên đỉnh núi Sơn Bua. Làng cũ của gia đình Soi cách nơi ở mới 1,5 km. Vợ chồng Soi sống chen chúc cùng cha mẹ, anh em. Về làng thanh niên mới, người không nhà cửa, không việc làm như Soi thấy lối đi tương lai cho vợ con sáng hơn, rõ hơn.
Soi vững tâm, cần mẫn từng gốc bưởi, khuôn đất. Vườn bưởi hơn sáu tháng đang lớn xanh. Vài cây còi cọc, sâu bám chặt chậm lớn. Làm cỏ, bón phân lo nước tưới, Soi chăm bưởi như chăm con ở nhà.
“Trồng bưởi mà chết thì các anh buồn, mình cũng buồn. Phải cố công chăm sóc. Đã hứa với các anh chị vào đây làm ăn thì phải cố gắng chứ. Ở làng cũ không có đất, không làm ăn được. Vào đây thì phải chịu khó làm ăn nuôi con, hai đứa nhỏ đang đi học mà” - Đinh Văn Soi thổ lộ.
Trao cơ hội cho thanh niên nghèo
Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua nằm trên nền những quả đồi lọt thỏm giữa núi cao, nơi có con suối Nước Châu đổ xuống vây quanh lưng chừng núi. Nguồn nước giờ đây tạo nguồn sống mới cho thanh niên lập nghiệp.
Nằm hai thôn Nước Tang và Mang He, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua nối trung tâm xã bằng con đường bê-tông gần 4 km. Những năm trước, vào vùng đồi núi của làng thanh niên phải băng qua đường mòn, cây cối ngăn lối với miền xuôi. Đường bê-tông nối dài, vùng núi sâu cũng gần hơn.
Trên rừng đồi 750 ha, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua hình thành vài năm sau đó. Đường giao thông chính, đường nội bộ nối xã vào làng, khu dân cư xuyên suốt. Đồi được san nền vững, hình thành khu dân cư, nhà cửa. Làng mới không thể thiếu hệ thống thủy lợi với đập giữ nước, tuyến kênh nhánh đưa nước về làng phục vụ trồng trọt, chăn nuôi làm kinh tế vườn nhà. Tất cả được đầu tư, xây dựng đón 30 hộ dân mới - là những thanh niên có đủ ý chí, nghị lực về làng lập nghiệp.
“Điện, nước hay nhà văn hóa, khu vui chơi cũng đều có đầy đủ. Từ vùng núi sâu mà ngày xưa bà con đi vào làm rẫy cũng vất vả đến nay có đủ để anh em làm ăn, sinh sống thì cũng thấy là nhiều tiền đầu tư vào rồi. Và cả công sức của anh em đoàn thanh niên nữa” - Anh Đinh Văn Thùng chia sẻ.
Ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, mỗi hộ thanh niên được cấp 1.200 m2 đất ở, đất vườn. Tích góp của gia đình cùng sự hỗ trợ 20 triệu đồng, những gia đình trẻ bắt tay xây dựng nhà cửa khởi đầu cuộc sống mới, được tiếp sức bởi cây con giống là điều kiện để thanh niên làng mới khởi nghiệp trên đỉnh núi. Tay trắng lập thân, các trai làng cũng cố công để làm ăn, gây dựng vốn liếng cho mình.
Về làng định cư gần một năm, vợ chồng Trần Thị Tuyết và Nguyễn Văn Đương bắt tay chăn nuôi và tìm mối lái kết nối buôn bán. Ở những làng bản xa xôi, những thương lái, chủ vựa chạy vòng quanh các vùng núi để thu mua đưa về thị trấn, đồng bằng. Có sức làm lụng không thiếu cơ hội cho vợ chồng trẻ như Tuyết vươn lên khấm khá.
“Làm đâu cũng là lao động. Lên làng thanh niên có điều kiện hơn, mình thêm con bò, con trâu, trồng cây thì nhiều thu nhập. Tỉnh đoàn hỗ trợ nhiều, trên đây mà siêng thì sẽ làm được” - Trần Thị Tuyết bộc bạch.
Trồng rừng, vùng chuyên canh bưởi xanh, trồng hoa, nấm, trang trại bò, heo ki và nhiều mô hình nông nghiệp hình thành trên Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua được kỳ vọng tạo nên vùng kinh tế mới ở xã Sơn Bua. Từ đó, tạo nền tảng cho cuộc sống mới của thanh niên vùng núi. “Làng thanh niên giải quyết một phần khó khăn của xã, giúp chúng tôi giảm được hộ nghèo và cũng là trợ lực hình thành vùng kinh tế mới ở đây” - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn khẳng định.
Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, sau khi hình thành và tiếp nhận các hộ gia đình trẻ sinh sống, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tiếp tục hành trình hỗ trợ, giúp thanh niên làm kinh tế. “Chúng tôi tiếp tục đồng hành với thanh niên trên làng để họ gây dựng ổn định, vững hơn về kinh tế nơi ở mới. Anh em Tỉnh đoàn thay nhau ở làng để chia sẻ, trao đổi giải quyết những khó khăn với các bạn trẻ trên đó. Chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành”.
Lên đỉnh núi lập nghiệp, với nhiều thanh niên nghèo Kinh, H’re, Ca Dong, Cor… dù ở núi xa nhưng có cơ hội thoát được cái nghèo, còn hơn về nơi nhộn nhịp cứ quẩn quanh khốn khó. Lên làng thanh niên từ những ngày đầu, Nguyễn Thanh Duy cùng anh em quyết chí bám trụ lập nghiệp. Thanh Duy chia sẻ, các cấp chính quyền đều có sự quan tâm khác nhau, từ người nghèo, gia đình chính sách… Với thanh niên còn sức vóc, nhiều bạn trẻ bám tuyến, bám cơ hội từ tổ chức Đoàn thanh niên để khởi nghiệp. “Tụi em là thanh niên nghèo, cũng trông con bò, đi làm thuê. Ở chỗ cũ chỉ có vậy. Lên đây thì có thêm vườn, nhà ở mình buôn bán, chăn nuôi nhiều hơn. Mình khởi nghiệp từ từ sẽ khá lên thôi. Cơ hội là từ đây chứ đâu”.
Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giúp thanh niên điạ phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức đời sống, phát triển kinh tế tại địa phương.
Làng được đầu tư khoảng 55 tỷ đồng, với đầy đủ hạ tầng đất ở, đất sản xuất, đường giao thông, điện, nước sạch, khu vui chơi văn hoá… Mỗi hộ thanh niên vào làng định cư sẽ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, được cấp cây, con giống, chuồng trại để làm kinh tế gia đình.