Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 23 dân tộc cùng chung sống, trong đó 56,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 của tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến năm 2025 đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8%/năm, thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/người/năm... Để đạt mục tiêu tăng trưởng, tỉnh đề ra ba khâu đột phá là: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại.
Triển khai thực hiện Nghị quyết vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là khó khăn lớn cho Tuyên Quang. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng, chống dịch, vừa tận dụng thời cơ để phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 57 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến quốc lộ, đường huyện, liên huyện, liên xã giáp ranh các tỉnh lân cận và 11 khu cách ly tập trung của tỉnh. Cùng với các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch, các Tổ Covid-19 cộng đồng đã phát huy vai trò, hiệu quả, hình thành “thế trận lòng dân” chung tay phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra lưu trú tại các cơ sở lưu trú và khu dân cư, nắm người, nắm hộ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”; khẩn trương rà soát thống kê, theo dõi chặt chẽ người từ vùng dịch về tỉnh để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Vai trò của người đứng đầu ở mỗi địa bàn được quy định rõ và gắn với trách nhiệm phòng, chống dịch.
Vượt lên những khó khăn của dịch bệnh, Tuyên Quang vẫn đạt mức tăng trưởng 6,79% trong sáu tháng đầu năm 2021. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra là 8%, nhưng đây cũng là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đã khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với nhu cầu thị trường. Để tạo sự bứt phá cho nông nghiệp hàng hóa, Tuyên Quang tích cực triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi liên kết; chú trọng nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của tỉnh đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Hiện nay, Tuyên Quang đã xây dựng vùng trồng cam 8.653 ha; vùng thâm canh cây chè là 8.468 ha; vùng trồng bưởi là 5.190 ha. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh đã có 79 sản phẩm OCOP được công nhận từ ba sao trở lên. Đặc biệt, Tuyên Quang là điểm sáng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, giá trị lớn về môi trường, kinh tế với diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước; là một trong ba tỉnh có tỷ lệ cao nhất về độ che phủ rừng, với hơn 65%. Đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 10.365 ha rừng, đạt 100,2% kế hoạch. Đây cũng là năm tỉnh hoàn thành sớm việc trồng rừng trong khung thời vụ.
Phát huy nguồn lực trong dân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là cách làm sáng tạo được ghi nhận của Tuyên Quang. Một con số vô cùng ý nghĩa là sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh huy động được hơn 1.100 tỷ đồng và 60.000 m2 đất của người dân tự nguyện hiến để xây dựng các công trình NTM. Đến nay, tỉnh có 47 xã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Công tác giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,02%, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các huyện vùng cao nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Na Hang, Lâm Bình cũng có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,34%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo giảm bình quân 6,55%/năm; không còn hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Kỷ luật, quyết liệt, nghiêm túc, linh hoạt, đồng lòng, sẻ chia..., những giá trị cốt lõi truyền thống ấy của quê hương cách mạng Tuyên Quang đã giúp tỉnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn là “vùng xanh” an toàn trên bản đồ phòng, chống Covid-19.