Tham dự buổi lễ, có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bình Dương và nguyên cán bộ, chiến sĩ Khu 10, phân khu Bình Phước.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước ôn lại kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Phước. Theo đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, vai trò lịch sử và sự đóng góp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước (mà ngày xưa là hai tỉnh Bình Long và Phước Long) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân hai tỉnh đã từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị đơn thuần chuyển sang thế tiến công, đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang với ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Nhân dân đã chiến đấu quyết liệt và liên tục trên mặt trận chống phá chương trình bình định, càn quét gom dân, lập ấp chiến lược của địch, tạo địa bàn đứng chân cho quân chủ lực, phục vụ cho yêu cầu căn cứ chiến lược và các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Cục giao, xây dựng vùng bàn đạp tấn công Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và tay sai.
Trong cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng đó, địa bàn tỉnh Bình Phước luôn là chiến trường trọng điểm. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quân và dân Bình Phước luôn kiên cường cùng với quân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, một lòng theo Đảng làm cách mạng. Tiếng chày giã gạo của đồng bào S’Tiêng sóc Bom Bo là hình ảnh đại diện cho hàng ngàn nghĩa cử cao đẹp thắm đượm tình quân dân, tiếp thêm quyết tâm, sức mạnh cho “mỗi bước chân” của người chiến sĩ, để “ghi thêm một chiến công” làm cho “giặc Mỹ tan tành sợ hãi”. Đặc biệt trong những năm cuối của cuộc chiến tranh, vai trò lịch sử và sự đóng góp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên những chiến công vang dội.
Trong chiến dịch Đông Xuân 1974 -1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn Chi khu quận lỵ Phước Bình. Ngày mùng sáu tháng Giêng năm 1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long, là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc. Ngày 23-3-1975, tại An Lộc, tỉnh Bình Long - nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của địch đã sụp đổ toàn diện, tỉnh Bình Phước được giải phóng.
Ngày 23-3-1975 không chỉ là một trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương của quân và dân tỉnh Bình Phước, mà còn là một trong những chiến công quan trọng làm tan rã hệ thống phòng ngự từ xa của Sài Gòn - Gia Định, đẩy địch vào thế bị bao vây, cô lập, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, mở ra trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Lộc Ninh về dự lễ.
Di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước chủ trương thực hiện Dự án này với phương thức xã hội hóa kết hợp với ngân sách Nhà nước.
Nhằm thực hiện chủ trương đó, UBND tỉnh đã tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vận động và được sự hỗ trợ nhiệt tình, đầy trách nhiệm, nghĩa tình của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 91 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 50 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 195 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, Khu Di tích này gồm nhiều hạng mục: Nhà tưởng niệm do Binh đoàn 16 tài trợ 11,58 tỷ đồng, Nhà đón tiếp do tỉnh Bình Dương tài trợ 14,96 tỷ đồng, Nhà truyền thống do Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam hỗ trợ sáu tỷ đồng, Đài tưởng niệm do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tài trợ 15 tỷ đồng, cổng vào khu di tích do Quân khu 7 tài trợ 2,56 tỷ đồng, hồ cảnh quan do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tài trợ năm tỷ đồng, cổng chào Ngã ba Đồng Tâm do Công ty Hải Vương tài trợ sáu tỷ đồng, Hàng rào bao quanh khu di tích 85 tỷ đồng (trong đó vận động tài trợ 25 tỷ đồng từ Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, số còn lại do ngân sách tỉnh bố trí)…
Khu di tích căn cứ Tà Thiết chính thức hoàn thành đã thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước nói riêng, lớp lớp cán bộ đã từng công tác, chiến đấu tại Khu di tích nói chung. Khu di tích căn cứ Tà Thiết đã trở thành địa danh vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng vừa là địa chỉ đỏ, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Chính tại nơi đây, năm xưa là “rừng chính phủ”, là căn cứ đại bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam Việt Nam để chỉ đạo cách mạng miền nam làm nên những chiến công hiển hách, đỉnh điểm là Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Với những giá trị to lớn đó, tỉnh Bình Phước đã tập trung các nguồn lực, trong đó có nguồn đóng góp xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để xây dựng, trùng tu các hạng mục di tích tôn nghiêm, trang trọng, xứng đáng với vị trí, tầm vóc trong lịch sử.