Thiệt hại nặng nhất của đợt mưa gió bất thường này là tại những xã ven biển các địa phương ven biển, sóng lớn đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng nhiều tàu thuyền đang neo đậu tại các cửa sông, cửa biển. Thống kê chưa đầy đủ, Phú Yên, Khánh Hòa có 114 tàu cá bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, toàn tỉnh có 89 ghe thuyền bị chìm, nhiều nhất là huyện Tuy An: 33 chiếc và thành phố Tuy Hòa: 30 chiếc. Riêng tại Tuy An thiệt hại 2.000 lồng, 600 nghìn con tôm hùm ở xã An Hòa Hải; xã An Ninh Ðông, có 100 bè ươm nuôi tôm hùm bị trôi dạt vào bờ. Hiện, các địa phương, đơn vị đang kiểm tra, rà soát số liệu thiệt hại để tiếp tục cập nhật báo cáo, nhưng ước thiệt hại là rất lớn.
Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) Nguyễn Ngọc Ý cho biết, thống kê ban đầu đã có 25 tàu thuyền đang neo đậu bị chìm. Trong đó, xã Vạn Long có 14 chiếc, xã Ðại Lãnh có 11 chiếc. Chính quyền các địa phương đã và đang huy động lực lượng trục vớt tàu thuyền bị chìm.
Do mưa lớn tại khu vực đèo Cả, lúc 7 giờ 30 phút cùng ngày, tại một cửa hầm đường sắt qua đèo Cả xảy ra tình trạng sạt lở. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên núi đổ xuống lấp một đoạn đường sắt khiến việc lưu thông bị ách tắc hoàn toàn. Ngay trước thời điểm xảy ra sạt lở có đoàn tàu khách SE7 từ ga Hảo Sơn thuộc thị xã Ðông Hòa (Phú Yên) chuẩn bị qua hầm đường sắt đèo Cả đã phải chạy lùi trở lại ga Hảo Sơn và bị chậm nhiều tiếng đồng hồ.
Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang (Khánh Hòa) Lê Hồng Sơn cho biết, ngay sau sự cố sạt núi lấp đường, ngành đường sắt đã huy động khẩn cấp lực lượng đến khắc phục sự cố. Do khu vực sạt lở có địa hình phức tạp nên việc khắc phục mất nhiều thời gian. Với sự nỗ lực của lực lượng ứng cứu nhanh, đến 13 giờ 15 phút ngày 31/3, đường sắt bắc-nam đoạn qua đèo Cả khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã thông tuyến trở lại.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết, từ sáng sớm 31/3, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ ngư dân trục vớt tàu thuyền, ổn định đời sống nhân dân khu vực bị triều cường. Huyện đã huy động các xe múc đất đang thi công công trình giúp ngư dân kéo tàu thuyền lên bờ.
Ðại úy Nguyễn Xuân Long, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Tuy Hòa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo của ngư dân và chính quyền địa phương, đồn đã cử 25 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp đỡ nhân dân. Nhận thấy tình hình thời tiết có diễn biến xấu gây ảnh hưởng đến việc cứu hộ nên đã xin tăng cường thêm một trung đội từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên. Lực lượng này đã phối hợp người dân dùng dây cố định tàu thuyền không cho trôi dạt ra xa bờ, tập trung kéo, trục vớt những tàu đã bị chìm hẳn. Mặc dù vậy, trong ngày vẫn có gió và sóng lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Chiều 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đến các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do mưa bão. Theo ông Thế, mặc dù đã có dự báo trước về tình hình thời tiết, nhưng diễn biến mưa gió lớn bất thường nên gây thiệt hại nặng về hoa màu, tài sản của nhân dân. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục công tác cứu hộ, ưu tiên việc tìm kiếm hai nạn nhân mất tích; yêu cầu các địa phương, các ngành tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn về người và tài sản...