Khai thác và phát huy lễ hội đua bò Bảy Núi

Khai thác các giá trị văn hóa của lễ hội để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là hoạt động thực tế góp phần duy trì và làm sống lại các giá trị văn hóa đó. Thế nhưng, việc phát huy thế mạnh của lễ hội đua bò Bảy Núi (tỉnh An Giang) thành sản phẩm văn hóa và khai thác thương mại - du lịch vẫn còn nhiều trăn trở.

Màn đua bò trong lễ hội đua bò Bảy Núi (tỉnh An Giang).
Màn đua bò trong lễ hội đua bò Bảy Núi (tỉnh An Giang).

Khai thác “ăn sẵn” sẽ triệt tiêu lễ hội

Đến nay, du lịch lễ hội dân gian đua bò Bảy Núi vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị truyền thống, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc riêng. Lễ hội diễn ra vào tháng 8 âm lịch hằng năm khi mùa mưa sắp kết thúc và chuẩn bị đón mùa khô đúng dịp Tết Sen Dolta hằng năm của dân tộc Khmer. Một trong những hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn nhất dịp Tết Sen Dolta là lễ hội đua bò Bảy Núi. Đây được xem là hoạt động thể thao đầy ý nghĩa gắn với đời sống canh nông của người Khmer; địa bàn diễn ra lễ hội lại được tiếp cận khá dễ dàng; người dân nơi tổ chức lễ hội thân thiện, mến khách và đầy tinh thần thượng võ… Thế nhưng, nếu nhìn ngược lại lịch sử gần một phần năm thế kỷ của các hoạt động lễ hội thì mới thấy nỗi gian truân của mô hình giải trí đậm đà bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng này chính là nạn khai thác “ăn sẵn”... Bởi gần như sau khi “gióng trống” nâng cấp thành lễ hội, người ta không có hoạt động đầu tư gì cho lễ hội.

Không chỉ thiếu cập nhật, mà còn điều chỉnh “điều lệ thi đấu” không phù hợp với thực tế sôi động đã là điểm trừ rất lớn. Mặt khác, chỉ riêng việc thiếu đầu tư trường đua, được xem là hành động châm ngòi cho những cuộc tranh cãi bùng nổ. Bởi mãi đến nay, lễ hội đua bò Bảy Núi vẫn được tổ chức trên sân do nhà chùa Khmer xây dựng, chủ yếu phục vụ cho người dân trong phum, sóc. Do làm theo kiểu “cây nhà lá vườn” cho nên thực chất sân chỉ là bờ đất cao bao quanh đường đua với sức chứa hai, ba nghìn người. Mặt khác, đội ngũ hoạt động du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Tình trạng mất trật tự, các tệ nạn xã hội trong lễ hội còn diễn ra phổ biến; khâu quản lý, điều tiết lượng khách đến lễ hội còn hạn chế, gây ách tắc giao thông; giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao vào mùa lễ hội. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện phục vụ ăn, ở, chăm sóc sức khỏe du khách và cả người dân địa phương vào mùa lễ hội còn nhiều bất cập. Ý thức của người đi lễ hội và cả người dân địa phương đối với vấn đề an ninh trật tự và bảo vệ môi trường chưa tốt. Lễ hội chưa được nâng cấp thành sản phẩm du lịch thật sự; công tác thống kê, cung cấp các thông tin du lịch liên quan đến lễ hội còn kém. Hàng lưu niệm ở nơi diễn ra lễ hội chưa đa dạng và đặc sắc. Tinh thần thi đấu trò chơi trong lễ hội đôi lúc còn quá nặng chuyện ăn thua, làm mất không khí vui tươi, trong sáng, thiêng liêng của ngày hội.

Nhìn chung du lịch lễ hội dân gian đua bò vùng Bảy Núi còn làm theo phong trào và theo thời vụ, thiếu tính chiến lược và tính đồng bộ, tình trạng khai thác theo kiểu ăn xổi; chưa có đầu tư gì đáng kể cho công tác nghiên cứu cũng như đầu tư tài chính để xây dựng phát triển loại hình thể thao dân gian và du lịch hấp dẫn này.

Cơ hội và thách thức

Việc phát triển du lịch lễ hội dân gian đua bò Bảy Núi vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những cơ hội như: Nhu cầu của khách du lịch quốc tế và trong nước đến với lễ hội đua bò Bảy Núi ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Tỉnh An Giang thời gian qua cũng đã có những chủ trương, chính sách và tạo điều kiện để hoạt động lễ hội này diễn ra thuận lợi. Trong đó, đáng chú ý như đầu tư hỗ trợ cùng với xã hội hóa việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân đến tham quan du lịch, xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng... trong tổng thể “Đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020”… Tất cả những điều này được kỳ vọng là tác nhân thúc đẩy sự phát triển du lịch của vùng ĐBSCL nói chung và du lịch lễ hội đua bò Bảy Núi nói riêng.

Vậy nhưng, du lịch lễ hội dân gian đua bò vùng Bảy Núi còn có những thách thức, cạnh tranh và thay thế bởi các sản phẩm lễ hội mang những đặc trưng khác trong vùng, như: Du lịch trải nghiệm; du lịch miệt vườn, sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích lịch sử, cách mạng, du lịch thương mại, công vụ; du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa... Đồng thời, lễ hội còn bị cạnh tranh bởi các nước trong tiểu vùng sông Mê Công; sự tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế…

Để đầu tư phát triển du lịch lễ hội dân gian trong “Đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020”, một trong những vấn đề cần được ưu tiên đầu tư phát triển được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra, là: “Đầu tư phục hồi, phát triển các lễ hội nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của lễ hội”, trong đó, dự kiến kinh phí đầu tư cho lễ Sen Dolta và lễ hội đua bò là 10 triệu USD, thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Và cần nhất hiện nay là xây dựng một trường đua hiện đại mà vẫn mang những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân gian của người Khmer và cộng đồng các dân tộc tại An Giang.