Khai thác lợi thế Cây di sản Việt Nam - chè Shan Suối Giàng

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa trao Bằng công nhận 400 cây chè Shan ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là Cây di sản Việt Nam. Đây là những cây chè Shan hơn 100 năm tuổi.

Những người cao tuổi, già làng, trưởng bản kể rằng, cây chè Shan ở Suối Giàng không biết được trồng từ bao giờ. Họ sinh ra, lớn lên đi nương, rẫy đã thấy rồi. Nay được Nhà nước công nhận cây chè Shan là Cây di sản Việt Nam, bà con dân bản mừng lắm. Họ cũng thấy cần phải tuyên truyền cho bà con, nhất là con cháu trong bản để giữ gìn những loài cây quý hiếm này.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn Hoàng Nguyên Bình cho biết: UBND huyện đã có dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, tầm nhìn 2030”, trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có nội dung về 400 cây chè Shan Suối Giàng. Không chỉ được vinh danh, ghi nhận cây chè Shan, Suối Giàng còn có những giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, như múa khèn, múa lân… của đồng bào Mông. Ngoài cây chè Shan, huyện cũng đã và đang triển khai công tác bảo tồn các làng cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, như: Làng cổ Pang Cáng của đồng bào Mông ở xã Suối Giàng; làng cổ Viềng Công của đồng bà Thái ở xã Hạnh Sơn… là các bản, làng còn lưu giữ được các giá trị văn hóa, như: Kiến trúc nhà sàn cổ, làng nghề cổ và những nét văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Nông Thị Kim Cúc chia sẻ: “Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú, là do bàn tay khéo léo, lao động không ngừng nghỉ của bà con các dân tộc trên rẻo cao Suối Giàng tạo nên. Những thửa ruộng bậc thang vừa thu hút du khách, vừa mang lại giá trị kinh tế cho bà con. Trong thời gian không xa, chắc chắn đời sống của bà con các dân tộc nơi đây sẽ được nâng cao từ phát triển du lịch".