Dự Đại hội có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ và 348 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 42.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết nhiệm kỳ qua, kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngày càng tăng và sử dụng hiệu quả hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội không ngừng được hoàn thiện và đồng bộ; xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra trước hai năm so thời gian đã xác định. Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu - trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, chính sách đối với người có công, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện, có hiệu quả, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 18, số 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy mang lại kết quả bước đầu khá tích cực.
Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và một số lĩnh vực công tác khác vẫn còn hạn chế, yếu kém và bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 có nhiệm vụ thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được và những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, từ đó rút ra những bài học để phát huy, rút kinh nghiệm và phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ tới, Vĩnh Long sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ và thuận lợi mới, nhiều công trình, dự án được Trung ương và tỉnh đầu tư sẽ hoàn thiện và phát huy hiệu quả, làm tăng khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư; nâng cao năng suất, chất lượng lao động, thực hiện tốt các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, xã hội và các vấn đề về đời sống, thu nhập, giảm nghèo; tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
Vì vậy tại Đại hội này, mỗi đại biểu phải tích cực suy nghĩ, nghiên cứu tìm ra những biện pháp, giải pháp tốt nhất để tham gia đóng góp xây dựng Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động, để sau Đại hội có cơ sở triển khai và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Dồn sức quyết liệt ba khâu đột phá
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch thay mặt Bộ Chính trị đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hằng năm 4,93%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so năm 2015; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, đến nay thị xã Bình Minh và 54/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 trước hai năm; thành phố Vĩnh Long đạt đô thị loại 2, thị xã Bình Minh đạt đô thị loại 3; hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công và chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững hàng năm trên 1%, hiện còn khoảng 1,76%, đây là tỷ lệ thấp so mức bình quân của cả nước; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 55,7%; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Đồng chí Ngô Xuân Lịch cơ bản tán thành với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và ba khâu đột phá nêu trong Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm trình tại Đại hội và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, dồn sức thực hiện quyết liệt ba khâu đột phá mà Báo cáo chính trị đã đề cập để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển. Nếu không thực hiện thành công ba khâu đột phá thì khó thực hiện được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Cần có giải pháp đột phá, quyết liệt để giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, trong đó, đặc biệt chú trọng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn, xâm nhập mặn.
Tiếp tục dồn sức cho xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị.
Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.
Tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, hiện nay hai chỉ số này của tỉnh rất thấp, trong đó chỉ số cải cách hành chính đứng áp chót trong cả nước.
Theo chương trình, Đại hội sẽ diễn ra đến hết ngày 26-9.