Cùng dự có các đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tới dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ cùng 336 đại biểu chính thức, đại diện hơn 105 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, nhiệm kỳ 2015 - 2020, do đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày tại Đại hội, nêu rõ, 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; đứng trong tốp đầu về trình độ phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đạt mục tiêu tổng quát của Nghị quyết đề ra.
Qua kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng gần 1,7 lần so năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng then chốt đạt kết quả quan trọng, đã tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc; lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ. Cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong các sở, ngành được triển khai tích cực theo hướng tinh gọn, bước đầu ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường. Những kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới
Báo cáo chính trị cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như, còn 1/20 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Đại hội đề ra; kinh tế tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển so với khu vực và cả nước; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Bốn khâu đột phá chưa có sự bứt phá lớn nhưng chưa tạo được đột phá mạnh mẽ trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực chưa nhiều...
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của cả nước và việc hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đảng bộ tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả Đại hội đảng bộ các cấp, văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, phản ánh toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, bám sát quan điểm chỉ đạo và phù hợp thực tiễn của địa phương.
Thủ tướng đánh giá, mặc dù xếp thứ 13/14 trong khu vực trung du miền núi phía bắc về diện tích nhưng Phú Thọ xếp thứ hai về dân cư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016- 2020 ước đạt 7,88%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 6,5 % so năm 2015. Ngành du lịch phát triển khá tốt với tổng vốn đầu tư tăng 8,8 % kế hoạch…
Các hoạt động văn hóa xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Phú Thọ có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục của Phú Thọ, như: Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chậm; chất lượng của từng lĩnh vực cũng như sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ thấp, thiếu sự liên kết thống nhất; công nghiệp lắp ráp, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế; ngành dịch vụ chưa phát huy hết lợi thế, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét; phát triển tiểu vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian phát triển còn hạn chế, kết nối vùng kinh tế và Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang còn nhiều bất cập.
Thủ tướng đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ cần tiếp tục cùng nhau đồng tâm hiệp lực, thực hiện cao nhất mong mỏi của Bác Hồ, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh tiên tiến không chỉ của miền bắc mà còn của cả nước.
Trong đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, đại trung tâm dẫn dắt sự phát triển các tiểu vùng.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ và chính quyền thật sự là công bộc của dân. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, chiến lược cũng như khu công nghiệp, khu du lịch, dự án, công trình có tính kết nối liên vùng…; trong đó, cần đặc biệt quan tâm nâng cấp, cải thiện hạ tầng liên quan khu công nghiệp và đưa ra các chính sách đột phá, thu hút doanh nghiệp tiềm lực tốt vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp .
Đặc biệt, Phú Thọ cần đưa du lịch trở thành một phần kinh tế mũi nhọn, làm động lực đòn bẩy cho các lĩnh vực khác. Do đó, tỉnh cần thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Cùng với đó, tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tiếp tục tăng cường giữ gìn đoàn kết nội bộ; phải hết sức kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đại hội sẽ kết thúc vào ngày 28-10.