Hướng tới nền công nghiệp thông minh

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, Bắc Ninh hiện là trung tâm công nghiệp điện tử lớn của cả nước - nơi hội tụ các thương hiệu toàn cầu, đang hướng tới trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đánh giá mô hình Nhà máy thông minh tại Khu công nghiệp Tiên Sơn. (Ảnh PHI TRƯỜNG)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đánh giá mô hình Nhà máy thông minh tại Khu công nghiệp Tiên Sơn. (Ảnh PHI TRƯỜNG)

Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, lại không có lợi thế đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên, nên Bắc Ninh xác định công nghiệp chính là chìa khóa để phát triển. Từ tầm nhìn ấy, tỉnh đã quy hoạch và hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 6.397,68ha. Nhằm thu hút nhà đầu tư, Bắc Ninh đã tập trung đồng thời các giải pháp: xây dựng hạ tầng KCN hiện đại, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới cách xúc tiến đầu tư,…

Trên cơ sở các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Ninh định hướng xây dựng các KCN theo chức năng và vai trò vùng, cụ thể là: Thung lũng công nghệ điện tử-huyện Yên Phong: tập trung vào các ngành sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử quy mô lớn; Hành lang công nghiệp Quế Võ: Hướng tới phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị vệ tinh của tỉnh, tập trung vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử, hàng không vũ trụ, công nghệ cao; KCN mới-Thuận Thành, Lương Tài và Gia Bình: tập trung vào công nghiệp sinh thái, tận dụng lợi thế về môi trường và vùng nguyên liệu để phát triển dược phẩm, thiết bị y tế, công nghệ y khoa...; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao-Tiên Du: trở thành cụm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Từ định hướng đó, giải pháp thu hút đầu tư được Bắc Ninh xác định theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết: Tỉnh đã quán triệt đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất hàm lượng công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí: “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng”.

Chiến lược mới là an toàn để đầu tư, an tâm để sản xuất. Theo đó, tiêu chí “2 ít” mà Bắc Ninh lựa chọn là: ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; và “3 cao” là: suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Địa phương đã chủ động thực hiện “5 sẵn sàng” về mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.

Ưu tiên cao nhất của Bắc Ninh là đầu tư hạ tầng. Đến nay, cơ bản mạng lưới giao thông kết nối nội tỉnh, liên vùng, liên tỉnh đã hoàn chỉnh; điển hình như các công trình cầu Hồ, cầu Bình Than, cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành, Nút giao Tây Nam (thành phố Bắc Ninh), và các tuyến đường tỉnh,...

Trong các KCN tập trung, 24 dự án xây dựng hạ tầng đã được triển khai, bảo đảm đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường; hình thành các cảng cạn ICD và 14 trung tâm kho vận logistics... Ông Richard Moson, Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Amkor Technology nhận xét: “Cơ sở hạ tầng phát triển và tiềm năng tăng trưởng cao khiến Bắc Ninh trở thành lựa chọn tuyệt vời trong việc mở rộng công nghệ bán dẫn của chúng tôi!”.

Tỉnh quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị địa phương, xây dựng chính quyền kiến tạo. Điều này được cụ thể hóa qua việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã; nâng tỷ lệ gải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước thời hạn trên 95%, gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Ninh có sự đột phá thông qua triển khai Đề án “5 tại chỗ”; thành lập Tổ phản ứng nhanh ba nhất, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, Tổ ba nhất ra đời tháng 7/2021 với phương châm: Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất. Tổ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh là Cơ quan Thường trực, đại diện các sở, ngành là thành viên.

Tổ có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, và chuyển đến các cơ quan, đơn vị kịp thời giải quyết. Để Tổ hoạt động hiệu quả, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội đã thành lập ba bộ phận trực thuộc: Tiếp nhận, xử lý thông tin; Chẩn đoán, đề xuất phương án xử lý; Xử lý hiện trường. Ba bộ phận này hoạt động trên nền tảng tiếp nhận thông tin từ kênh Zalo “Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp”. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Tổ đã tiếp nhận và xử lý gần 1.000 phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, liên quan đến nhiều khía cạnh trong cấp phép, quản lý, hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh: Tổ ba nhất là một phiên bản mới của Bác sĩ doanh nghiệp. Từng sở, ngành đều thành lập Tổ phản ứng nhanh; có sự phân cấp rất rõ trong giải quyết theo thẩm quyền cũng như mô hình phối hợp. Nói về hiệu quả hoạt động của Tổ ba nhất, ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Goertek Vina, KCN Quế Võ, Bắc Ninh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã gặp một số khó khăn và gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng về vấn đề giao thông trong KCN, thoát nước, hệ thống điện, camera an ninh,… Thông qua Tổ ba nhất, những nội dung trên đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết rất kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”.

Nhiều năm qua, Bắc Ninh duy trì vị thế là điểm đến an toàn, hấp dẫn - nơi hội tụ của các thương hiệu toàn cầu, với trình độ công nghệ cao của thế giới. Cụ thể, năm 2022, địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho 242 dự án FDI, tổng số vốn hơn 2 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước. 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 29 dự án FDI mới, tăng 13 dự án so cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới đạt 131,6 triệu USD, tăng 97,8 triệu USD.

Lũy kế đến nay, các KCN tập trung của Bắc Ninh thu hút 1.842 dự án FDI, đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư 23,561 tỷ USD. Trong đó có những tập đoàn lớn như: Samsung, Amkor Technology (Hàn Quốc); Canon (Nhật Bản), Goertek (Trung Quốc), Foxconn (Đài Loan-Trung Quốc), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)...

Để phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 800 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, mỗi năm tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác…

Từ năm 2020, Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Sau 2 năm đầu với nhiều thành công ở 7 doanh nghiệp, năm 2022, Chương trình hướng vào hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh tại bảy doanh nghiệp.

Trong thời gian 3 tháng, các chuyên gia của Samsung đã trực tiếp tư vấn, đào tạo, chia sẻ bí quyết kinh doanh và hỗ trợ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Vui mừng khi các doanh nghiệp tham gia đã nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định: Thời gian tới, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp của tỉnh trong việc xây dựng nhà máy thông minh nhằm đưa doanh nghiệp phát triển, từ đó, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.