Nhân Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị APPF-29:

Hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết nối số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

NDO -

Nhận lời mời của Ngài Park Byeong Seug, Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc - nước chủ nhà Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29), Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu, sẽ tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến, từ ngày 13 đến 15/12.

Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 với các đại biểu dự phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 với các đại biểu dự phiên họp.

Trong lần tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF- 29), Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự và phát biểu tại hai phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị về các vấn đề chính trị, an ninh và các vấn đề kinh tế, thương mại, theo hình thức trực tuyến.

Thúc đẩy hợp tác nghị viện đa phương

Trao đổi với các phóng viên trước chuyến công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự APPF-29 tại Hàn Quốc thể hiện trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam đối với ngoại giao nghị viện đa phương, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, đối với các vấn đề kinh tế, dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ đề nghị các nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong khu vực để có thể hài hòa hóa pháp luật về chuyển đổi số, chuyển đổi nền kinh tế và cùng nhau hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, kết nối số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế xanh.

Hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết nối số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn -0
 Hội nghị APPF-26 tổ chức vào từ ngày 18 đến 21/1/2018 tại Hà Nội, với sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên.

Với những vấn đề quan trọng khác, đối với các vấn đề an ninh, hòa bình và ổn định khu vực, Chủ tịch Quốc hội sẽ nhấn mạnh kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, đoàn kết để duy trì môi trường hòa bình, an ninh cũng như hợp tác khu vực, nhất là đối với vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, hàng hải ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông; hợp tác để phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách có hiệu quả nhất, chia sẻ nguồn vaccine phòng Covid-19, chuyển giao công nghệ và có thể thực hiện tốt nhất thỏa thuận của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vừa qua, thích ứng một cách hiệu quả đối với vấn đề về biến đổi khí hậu...

Quốc hội Việt Nam tham gia Diễn đàn APPF từ tháng 1/1995. Kể từ khi là thành viên của Diễn đàn APPF, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Diễn đàn này, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Dấu ấn đặc biệt chính là Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-13 vào tháng 1/2005 tại Hạ Long (Quảng Ninh). Hội nghị đã thu hút sự tham dự đông đảo của 22 Nghị viện thành viên và Nghị viện quan sát viên (Brunei).

Tiếp đó, Hội nghị APPF-26 tổ chức từ ngày 18 đến 21/1/2018 tại Hà Nội, với sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, kể cả Việt Nam, 365 khách quốc tế, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt có Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổng Thư ký IPU, nguyên Chủ tịch IPU.

Việt Nam giữ vai trò tích cực, trách nhiệm

Diễn đàn APPF, thành lập từ 1993, gồm 27 nghị viện của các quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh, chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại và văn hóa nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của toàn khu vực. APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Về nguyên tắc, APPF là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và các nghị sĩ quốc gia trong khu vực. Hội nghị APPF-26 đã ra Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030”, đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF và định hướng tương lai phát triển của Diễn đàn đến 2030.

Tuyên bố Hà Nội được đánh giá là một trong năm bản Tuyên bố để lại dấu ấn tốt đẹp trong 25 năm hoạt động của APPF.

Thành công của Hội nghị APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, góp phần vào những thành công chung về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam.

Chủ đề của Hội nghị APPF-29 năm nay về “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19” nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Phần I Hội nghị APPF-29 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bước qua đỉnh dịch Covid-19 nhưng hệ lụy đối với kinh tế-xã hội và đời sống người dân còn nặng nề.

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron đến nay lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương, ngày 2/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc có thư gửi các Chủ tịch Quốc hội thành viên APPF, thông báo do diễn biến phức tạp của biến chủng mới virus corona, Hội nghị sẽ được chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn và sức khỏe của các đại biểu.

Hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết nối số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn -0
 Trưởng đoàn các nước ký Thông cáo chung tại lễ bế mạc Hội nghị APPF-26.

Theo báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong tháng 11/2021, Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện thành viên APPF đã hoàn thành thảo luận trực tuyến 13 dự thảo nghị quyết, trong đó bao gồm 4 dự thảo nghị quyết Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ: Nghị quyết về Thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối; Nghị quyết về Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực; Nghị quyết về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ; Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó Covid-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch. 

Hằng năm, Quốc hội Việt Nam đều cử Đoàn tham dự Hội nghị, đặc biệt trong đó có một số đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội như Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự APPF-21 tại Vladivostok, Liên bang Nga (tháng 1/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự APPF-20 tại Nhật Bản (tháng 1/2012). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị APPF-27 tại Campuchia (tháng 1/2019), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Hội nghị APPF-28 tại Australia (tháng 1/2020).

Trong quá trình phát triển, APPF thông qua những Tuyên bố mang tính dấu mốc lịch sử. Đến nay, APPF có 5 Tuyên bố. Đó là: Tuyên bố Tokyo (tháng 1/1993), thành lập chính thức Diễn đàn APPF, đề ra mục tiêu, hoạt động, nguyên tắc chỉ đạo, các điều kiện kết nạp thành viên và cơ cấu tổ chức của diễn đàn; Tuyên bố Vancouver (tháng 1/1997) được Hội nghị APPF-5 thông qua, đề ra tầm nhìn đối với cơ chế hợp tác liên nghị viện này, những mục tiêu và vai trò của APPF trong thế kỷ mới; Tuyên bố Valparaiso (tháng 1/2001) được Hội nghị APPF-9 thông qua tại Chile, hình thành nguyên tắc hợp tác của các nghị viện khu vực Thái Bình Dương (Pacific Basin Charter) trong thế kỷ 21; Tuyên bố "Tokyo mới" (tháng 1/2012) được Hội nghị APPF-20 thông qua tại Nhật Bản, khẳng định lại những nguyên tắc của APPF; Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới cho Quan hệ đối tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương được Hội nghị APPF-26 thông qua tại Việt Nam tháng 1/2018, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập APPF.