Tổng thống Joko Widodo nêu rõ, thế giới cần thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng y tế và đây là ưu tiên trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ Chủ tịch G20 do Indonesia đảm nhiệm trong năm 2022.
Trong vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) nửa đầu năm 2022, Pháp cũng đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác y tế giữa các nước thành viên EU. Ngày 10/2, sau cuộc họp tại thành phố Grenoble của Pháp, các Bộ trưởng Y tế EU đã ra Tuyên bố Grenoble, đặt nền móng cho việc thành lập một liên minh y tế ở châu Âu. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran (Ô.Vê-ran) nêu rõ: Nếu vượt qua mâu thuẫn, EU có thể dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế công cộng.
Cùng ngày, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã ký thỏa thuận viện trợ trị giá 1,07 triệu USD để giúp Somalia giảm tác động của đại dịch. Trong tuyên bố chung, hai bên cho biết, khoản tiền nêu trên được tài trợ cho dự án tăng khả năng ứng phó những tác động của Covid-19, nhất là các mối đe dọa đối với sinh kế của người dân nghèo ở các vùng nông thôn Somalia.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, nhiều nơi ghi nhận số ca bệnh cao kỷ lục mới. Ngày 11/2, New Zealand thông báo, với 446 người mắc Covid-19 trong cộng đồng, nước này ghi nhận số ca nhiễm trong 24 giờ cao nhất từ đầu dịch cho đến nay. Cơ quan y tế New Zealand còn dự báo số ca còn tăng trong những tuần tới.
Tại Hàn Quốc, 54.122 ca mắc mới được xác nhận, tăng 4.555 ca chỉ so ngày trước đó và cao gấp đôi so với một tuần trước. Từ ngày 11/2, Hàn Quốc áp dụng cơ chế phòng dịch mới, trong đó các ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng được phép tự quản lý sức khỏe tại nhà.
Giới chuyên gia y tế Indonesia kêu gọi tăng cường tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em. Số liệu từ Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Indonesia cho thấy, ngày 7/2 vừa qua, Indonesia ghi nhận 7.190 ca trẻ em mắc Covid-19, tăng gấp nhiều lần so con số 676 trường hợp được xác nhận vào ngày 24/1. Hiệp hội nhấn mạnh, cộng đồng và các bậc cha mẹ không nên coi nhẹ việc tiêm phòng cho trẻ em.