Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, nhà khoa học của hai nước cùng nhau trao đổi các kết quả nghiên cứu, đánh giá từ các góc độ khác nhau về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong 55 năm qua; đánh giá hợp tác trong đào tạo cán bộ, nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đào tạo và nghiên cứu, khoa học xã hội, nghiên cứu lý luận trong giai đoạn hiện nay; đánh giá từ góc độ liên quan đến lợi ích, chính sách của các bên đã đạt được khi thúc đẩy mối quan hệ hai nước; nhận diện những khó khăn, hạn chế đang đặt ra, gắn với yêu cầu đẩy mạnh quan hệ Việt Nam - Lào trong thời gian tới; định hướng và giải pháp phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện hai nước trong giai đoạn mới.
Quan hệ chính trị ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và CHDCND Lào trải qua 55 năm gắn bó kể từ ngày thiết lập, mang lại nhiều thành tựu và kết quả tốt đẹp. Hiện nay, trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước ở cả Việt Nam và Lào, mối quan hệ đặc biệt ngày càng được mở rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào ngày càng khởi sắc, tạo nền tảng vật chất để liên kết và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nhất là sau khi hai nước ký Hiệp định Thương mại năm 2015.
Tiến sĩ Feuangsy Laofoung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Lào cho biết, đến nay, trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Lào (khoảng 5,22 tỷ USD), vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là gần 4,9 tỷ USD. Hiện, Lào là quốc gia đứng đầu trong 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào tập trung có hiệu quả trong các lĩnh vực thuỷ điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp…
Hợp tác giáo dục, đào tạo đã và đang là lĩnh vực được hai bên ưu tiên và nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực là chương trình được ưu tiên và có tính chiến lược vì lợi ích lâu dài của hai nước, sử dụng vốn đầu tư chiếm tỷ lệ cao nhất so với tất cả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Thạc sĩ Khamla Keo Ounkham, Chánh Văn phòng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2017, Chính phủ Việt Nam giúp Lào hơn 2.200 tỷ đồng phục vụ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo gần 13 nghìn cán bộ và sinh viên Lào.
Hai bên hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hợp tác giữa các địa phương giáp biên được chú trọng thúc đẩy, với việc hình thành các khu kinh tế và giao lưu buôn bán qua các cửa khẩu quốc tế, quốc gia. Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục duy trì tốt với mức độ tin cậy cao.
Tiến sĩ Trương Duy Hoà, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông - Nam Á cho rằng, trong bối cảnh mới, việc củng cố, tăng cường vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của mỗi ngưởi dân hai nước. Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là duy trì, củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt này trên mọi lĩnh vực; tăng cường giáo dục thế hệ trẻ hai nước có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa hai nước.
Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Sự gắn bó mật thiết, truyền thống đoàn kết mẫu mực, thủy chung, trong sáng và quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc.