Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu ý kiến, nhiệt liệt chào mừng các Trưởng đoàn cùng toàn thể các thành viên đại biểu Quốc phòng các nước ASEAN dự Hội nghị ADMM-4 tại Hà Nội - Thủ đô tròn một nghìn năm tuổi của nước CHXHCN Việt Nam. Lần đầu tổ chức và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, đã và đang nỗ lực hết mình cùng các thành viên trong Hiệp hội xây dựng một cơ chế tham vấn, hợp tác quốc phòng ở cấp cao nhất, nhằm bảo đảm cho mọi quốc gia thành viên, cũng như cả Hiệp hội ASEAN được chung sống trong hòa bình, đoàn kết, bình đẳng, dân chủ và hòa hợp.
Với tư cách Chủ tịch Hội nghị ADMM-4, Ðại tướng Phùng Quang Thanh đọc diễn văn nêu rõ: Ngày 9-5-2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần đầu ra đời tại Ma-lai-xi-a, đánh dấu một bước phát triển mới trong hợp tác quốc phòng, an ninh chung của ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh của ASEAN vào năm 2015. Sau bốn năm thành lập, ADMM đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong nỗ lực xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết, thúc đẩy tự cường khu vực và không ngừng nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Hợp tác quốc phòng - quân sự cả song phương và đa phương trong ASEAN đã và đang diễn ra theo chiều hướng tích cực và ngày càng đi vào thực chất trong việc cùng nhau liên kết và huy động các nguồn lực nhằm đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống của khu vực.
Quân đội các nước ASEAN đang triển khai các hình thức hợp tác thiết thực, cụ thể phù hợp các nhu cầu đòi hỏi chung của khu vực, cũng như điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia thành viên như: giao lưu ở các cấp, đào tạo nhân lực, phối hợp tuần tra chung trên biển, trên đất liền, thiết lập đường dây nóng giữa các đơn vị hải quân và biên phòng, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền... Tới đây sẽ là các hình thức diễn tập mô phỏng chung về tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp do thảm họa thiên tai có thể gây ra.
An ninh khu vực ASEAN gắn liền với an ninh châu Á - Thái Bình Dương cũng như an ninh toàn cầu. Do vậy, hợp tác quốc phòng - an ninh giữa ASEAN với các đối tác, đối thoại đầy đủ của ASEAN có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, một đòi hỏi khách quan và cấp bách hơn bao giờ hết để bảo đảm cho mọi thành viên ASEAN được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Ðây chính là lý do vì sao chúng ta đã và đang nỗ lực không mệt mỏi cho mục tiêu hiện thực hóa tiến trình ADMM+ vào 2010. ADMM+ có thể được coi như một sự bổ sung ngày càng hoàn thiện cho các cơ chế hợp tác an ninh khu vực, trong đó ADMM luôn luôn đóng vai trò trung tâm, vai trò động lực và vai trò dẫn dắt đối với cấu trúc an ninh mới ở khu vực.
Sau một buổi sáng làm việc tích cực, trách nhiệm và nghiêm túc, Hội nghị ADMM-4 đã thành công tốt đẹp và bế mạc. Sự đồng thuận cao của các Trưởng đoàn đối với toàn bộ Chương trình nghị sự của Hội nghị cho thấy, tình đoàn kết và quyết tâm xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh tương lai của ASEAN.
Hội nghị đã thông qua hai tài liệu quan trọng về Cơ cấu và Thành phần; Thể thức và Thủ tục cho ADMM+. Hội nghị đã xem xét và giao các cơ quan chức năng cùng các quốc gia có những sáng kiến về hợp tác quân sự, quốc phòng tiếp tục hiện thực hóa các cơ chế hợp tác này. Ðặc biệt, Hội nghị cùng nhau ký Tuyên bố chung của ADMM-4.
Với tư cách Chủ tịch Hội nghị ADMM-4, Ðại tướng Phùng Quang Thanh đọc diễn văn bế mạc, bày tỏ niềm tự hào trước sự tin cậy của Hội nghị giao trọng trách cho Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị ADMM+ vào tháng 10 năm nay. Cùng với sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ của mười nước ASEAN, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần đầu.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 đã ra tuyên bố chung về tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển. Toàn văn nội dung như sau:
CHÚNG TÔI, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Xin-ga-po, Vương quốc Thái-lan, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thứ trưởng Quốc phòng Bru-nây Ða-ru-sa-lam, Liên bang Mi-an-ma và Cộng hòa Phi-li-pin tham dự Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN lần thứ 4 (sau đây gọi tắt là "ADMM") tại Hà Nội, Việt Nam ngày 11-5-2010.
NHẮC LẠI việc thành lập ADMM ngày 9-5-2006 là một trong những bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển chung của ASEAN và giữ vai trò quan trọng đóng góp vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh của ASEAN vào năm 2015;
NHẮC LẠI việc ký tuyên bố chung Cha-Am Hủa Hỉn về Lộ trình Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015, thông qua Kế hoạch Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN;
NHẮC LẠI rằng ADMM là cơ chế tham vấn và hợp tác quốc phòng - an ninh cao nhất ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng thảo luận các vấn đề an ninh khu vực trên tinh thần đảm bảo rằng các quốc gia thành viên ASEAN được chung sống hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp;
GHI NHẬN sự hài lòng rằng sau bốn năm được thành lập ADMM đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực xây dựng lòng tin, củng cố đoàn kết, thúc đẩy tự cường khu vực và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế;
BÀY TỎ vui mừng về kết quả Hội nghị Không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ACDFIM-7) được tổ chức ngày 25-3-2010 tại Hà Nội với chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khu vực"; và hoan nghênh sự phát triển hợp tác thiết thực giữa quân đội các nước ASEAN;
THỪA NHẬN Ðông - Nam Á là một khu vực ổn định và phát triển năng động song vẫn phải đối mặt với hàng loạt các thách thức an ninh toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đơn phương giải quyết;
KHẲNG ÐỊNH quyết tâm hợp tác và phối hợp giữa các thể chế quốc phòng giữa các nước thành viên trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các bên đối tác ngoài khu vực trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên;
TÁI KHẲNG ÐỊNH tầm quan trọng của việc thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Cộng (sau đây gọi tắt là ADMM+), được xem như một cấu trúc an ninh khu vực mở rộng, dung nạp, hiệu quả và động lực, theo đó ADMM có thể hợp tác với các nước ngoài ASEAN trong xây dựng tiềm lực và khả năng sẵn sàng đối phó tốt hơn trước những thách thức an ninh phức tạp;
KIÊN ÐỊNH nguyên tắc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó ASEAN sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tương tác và hợp tác của ADMM với các nước ngoài ASEAN trong cơ chế ADMM+; cũng như là các nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng chủ quyền quốc gia;
NHẮC LẠI kết quả tích cực của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hẹp tại Băng-cốc ngày 3-11-2009, trong đó các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao đối với cơ cấu và thành phần của ADMM+;
TÁI KHẲNG ÐỊNH sự chỉ đạo của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, Việt Nam ngày 9-4-2010 đối với ADMM nhằm đảm bảo việc sớm thực hiện ADMM+;
NAY TUYÊN BỐ:
1. THÔNG QUA Tài liệu ADMM+: Cơ cấu và Thành phần, theo đó xác định cơ cấu và thành phần phù hợp nhất đối với ADMM+;
2. THÔNG QUA Tài liệu ADMM+: Thể thức và Thủ tục, theo đó quy định các thể thức và thủ tục đối với hoạt động của ADMM+;
3. NHẤT QUÁN với quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 rằng ADMM+ sẽ được tổ chức lần đầu tiên với cơ cấu và thành phần ADMM+8 gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 quốc gia Ðối tác Ðối thoại của ASEAN là Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nga, và Hoa Kỳ;
4. HOAN NGHÊNH Việt Nam tổ chức ADMM+ đầu tiên trong năm 2010;
5. HOAN NGHÊNH nỗ lực tiếp theo của In-đô-nê-xi-a trong việc xây dựng Lộ trình Sử dụng Nguồn lực và Khả năng Quân sự ASEAN trong Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa, bao gồm việc thành lập Ủy ban Ðiều phối Hỗn hợp (JCC) các hoạt động hợp tác cứu trợ thảm họa và giảm nhẹ thiên tai, coi đây là bước triển khai thực hiện Tài liệu Khái niệm về "Sử dụng Nguồn lực và Khả năng Quân sự ASEAN trong Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa" đã được thông qua tại ADMM-3 tháng 2 năm 2009;
6. HOAN NGHÊNH các nỗ lực tiếp theo của Thái-lan trong việc tìm kiếm và xác định các biện pháp khả thi cũng như cơ chế nhằm tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực, xem đây như là một bước tiến triển khai Tài liệu Khái niệm "Hợp tác giữa Các tổ chức quốc phòng ASEAN và Các tổ chức xã hội dân sự đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống" đã được thông qua tại ADMM-3 tháng 2-2009;
7. HOAN NGHÊNH ý tưởng của Ma-lai-xi-a về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa các nước ASEAN, ghi nhận "Ðối thoại Công nghiệp Quốc phòng ASEAN: Phương hướng Hợp tác" là bước khởi đầu quan trọng thăm dò khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN;
8. TĂNG CƯỜNG hợp tác quốc phòng trong ASEAN thông qua việc xây dựng năng lực và huy động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng ứng phó xử lý thảm họa thiên nhiên và các tình huống khẩn cấp khác đang ngày một gia tăng và mang tính phi truyền thống xuyên quốc gia; và
9. HOAN NGHÊNH vai trò Chủ tịch ASEAN của In-đô-nê-xi-a và việc nước này đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 5 vào năm 2011.
LÀM TẠI Hà Nội, Việt Nam ngày 11-5-2010 bằng một bản gốc tiếng Anh duy nhất.
Ngay sau lễ bế mạc, Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Chủ tịch Hội nghị ADMM-4 đã tổ chức họp báo, thông báo nhanh những thành công của Hội nghị.
Hội nghị ADMM-4 là lần đầu Bộ Quốc phòng, nước CHXHCN Việt Nam chủ trì. Tham dự Hội nghị có mặt Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng và đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng của mười nước ASEAN thành viên. Tham dự Hội nghị còn có Ngài Phó Tổng Thư ký ASEAN Xay-nha-khản Sỉ-sụ-vông và đại biểu của Ban Thư ký ASEAN.
Thành công nổi bật của ADMM-4 là việc hoàn tất các cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ASEAN chủ động mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh với khu vực và thế giới thông qua tiến trình ADMM+. Hội nghị đã đạt được đồng thuận và thông qua hai tài liệu, gồm "ADMM+: Cơ cấu và Thành phần" và "ADMM+: Thể thức và Thủ tục", để hoàn tất việc chuẩn bị thiết lập ADMM+. Ðây là những nỗ lực vượt bậc, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị, tình đoàn kết ASEAN đồng thời là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu với nỗ lực chung của toàn ASEAN.
Ðại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN dự Hội nghị ADMM-4 đã trả lời câu hỏi của phóng viên và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam và quốc tế.