Hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý nhà nước trong năm 2004

(Trích báo cáo của Thứ trưởng Văn hóa - Thông tin ÐỖ QUÝ DOÃN)

Hoạt động báo chí, xuất bản nước ta về căn bản đúng hướng, đúng pháp luật, làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng vào thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng... của đất nước. Tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, xu hướng thương mại hóa chạy theo lợi nhuận đơn thuần ở một số tờ báo, nhà xuất bản có chuyển biến tích cực. Nhiều báo, tạp chí đã bám sát đối tượng phục vụ, thông tin, phản ánh có chiều sâu hoạt động của ngành, địa phương, tổ chức xã hội. Cùng với việc tiếp tục phát hiện, thông tin, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực các báo đã chú trọng giới thiệu nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt và phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác quản lý phóng viên của các cơ quan báo chí có tiến bộ. Năm qua, số phóng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp giảm so với các năm trước.

Báo chí đã tích cực tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách, các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước; đồng thời phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Báo chí thực sự là kênh thông tin quan trọng giúp cơ quan Ðảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo và điều hành đất nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Báo chí đã kịp thời thông tin diễn biến của các hoạt động kinh tế, đề xuất với Ðảng và Nhà nước những biện pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế của đất nước trong năm 2004.

Việc tuyên truyền những sự kiện lớn năm 2004 như Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 50 năm Giải phóng Thủ đô, 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân trên báo chí không chỉ có tác động sâu sắc trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng, những chặng đường phát triển và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà thông qua việc tuyên truyền này đã khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc có tác dụng giáo dục cao. Việc tổ chức thành công Hội nghị ASEM - 5 với sự có mặt của đông đảo nhà báo trong nước và quốc tế không những thể hiện khả năng quản lý phóng viên với số lượng đông cả trong nước và quốc tế mà còn là dịp để giới thiệu với bạn bè trên thế giới về hình ảnh của Việt Nam đang đổi mới và hội nhập.

Báo chí cũng đã tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Một số vụ tham nhũng, tiêu cực do báo chí phát hiện đã được cơ quan pháp luật xét xử được sự đồng tình cao của dư luận. Trong năm 2004, có khoảng 90-92% vụ việc báo chí nêu, được cơ quan chức năng của Chính phủ  xem xét, xử lý và xác định là đúng. Chỉ 8 đến 10% vụ việc là thiếu chính xác, không đúng sự thật. Tuy tỷ lệ thông tin không đúng rất thấp, chỉ 8-10% nhưng do tác động của báo chí đối với xã hội rất lớn, mặt khác, thông tin đó có ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của tổ chức, nên vẫn tạo ra những bức xúc lớn trong xã hội.

Ngành xuất bản đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức gay gắt do tác động nhiều mặt và phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước và quốc tế cũng như mặt trái của cơ chế thị trường đã nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm các phương thức hoạt động mới, từng bước phát triển toàn diện và khá vững chắc.

Thành tựu chung, bao quát của hoạt động xuất bản trong năm qua là từng bước thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng chính trị trong quá trình phát triển, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển đáng kể về lực lượng, năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng ngày càng cao về xuất bản phẩm của toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị- xã hội, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Năm 2004 cả nước xuất bản được 19.695 đầu sách với 242,7 triệu bản. Mức hưởng thụ bình quân đầu người năm 2004 là 3,1 bản sách.

Công tác quản lý báo chí năm 2004 có nhiều tiến bộ thể hiện ở những điểm sau đây:

- Bộ Văn hóa- Thông tin đã hoàn chỉnh đề án "Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010", Chính phủ đã thảo luận, góp ý kiến sửa chữa và đã trình Bộ Chính trị vừa mới cho ý kiến vào ngày 18-2-2005.

- Bộ đã xây dựng và hoàn chỉnh đề án "Một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay". Ðề án đã được Chính phủ thảo luận, góp ý để hoàn chỉnh và Ban Cán sự Ðảng bộ Văn hóa - Thông tin đã trình Bộ Chính trị.

Về quản lý báo chí trên cả nước, Bộ kịp thời có nhận xét, uốn nắn những sai phạm về thông tin cũng như các sai phạm trong hoạt động báo chí. Ðịnh kỳ hằng tuần, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và các bộ, ngành thực hiện việc hướng dẫn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, định hướng thông tin đối với các sự kiện quan trọng, đột xuất, bất thường. Thực hiện báo cáo thường kỳ về công tác quản lý thông tin trên in-tơ-nét trong các cuộc giao ban do Chính phủ tổ chức. Chủ trì việc xây dựng Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị ASEM - 5 và quản lý phóng viên trong quá trình diễn ra  Hội nghị. Cả trong xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm và trong quản lý phóng viên, định hướng thông tin, không để xảy ra bất cứ sơ suất nào, được dư luận báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thực hiện chỉ đạo thông tin và quản lý tốt hoạt động phóng  viên  trong các kỳ  họp.