Năm 1968, Mỹ - ngụy đổ quân xuống Khe Sanh - Làng Vây - Tà Cơn lập một "cái chốt cứng" dưới Vĩ tuyến 17, khống chế tuyến đường số 9 qua Lào và hòng cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Hàng vạn tấn bom đạn và chất hóa học đã đốt trụi hàng vạn ha rừng Trường Sơn, hơn 2.000 người Vân Kiều, Pa Kô chết thảm. Nhưng trong chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh, quân dân ta đã nhổ phăng "cái chốt cứng", làm nên một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh cách mạng. Ngày 9-7-1968, huyện Hướng Hóa với hơn 10 nghìn người Vân Kiều, Pa Kô được giải phóng.
Sau bốn mươi năm, dấu vết và di chứng của bom đạn, của chất độc hóa học kẻ thù vẫn còn in hằn đó đây trên thân đất Hướng Hóa, trên thân người Vân Kiều, Pa Kô. Nhưng những người con mang họ Bác Hồ nhớ lại nỗi đớn đau không phải để ngậm ngùi mà chính là để yêu hơn cuộc sống hôm nay.
Có lẽ "đắng cay lắm, mới ngọt lành..." nên sự đổi thay trên chiến trường xưa thật là kỳ diệu, nhất là cuộc tăng tốc, bứt phá ngoạn mục trong vòng 10 năm trở lại đây. Con đường số 9 - "Con đường chết" hay Khe Sanh - "Khe tử" mà kẻ thù khiếp sợ gọi tên thời ấy, giờ đây đã trở thành một đại lộ xuyên Á với trọng trách mới: Hành lang kinh tế Ðông Tây, nối thông từ bờ biển Ðông vượt Trường Sơn, qua sông Mê Công rồi đến tận bờ Ấn Ðộ Dương, kết nối ý chí, nghị lực và tình cảm của nhân dân sáu quốc gia trong tiểu vùng Mê Công để cùng nhân lên sức mạnh, tạo sự phát triển cho khu vực và cho mỗi nước.
Những chiến địa ác liệt năm xưa như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây... bây giờ là những địa chỉ đầy hấp dẫn cho hoạt động đầu tư phát triển nằm trên tuyến hành lang kinh tế đó. Khe Sanh - Hướng Hóa, năm xưa là địa bàn chiến lược về quân sự thì nay cũng là điểm chiến lược về kinh tế và phát triển của đất nước và khu vực.
Bà con các dân tộc Hướng Hóa nổi tiếng kiên trung trong chiến tranh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, nay lại được Ðảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ở mảnh đất này, truyền thống phát huy, chiến công tiếp nối. Bốn mươi năm trước đã có một "huyền thoại" được cả dân tộc viết nên, và chính nơi đây, sau bốn mươi năm, thêm một "huyền thoại" nữa cũng được kể tiếp: "Huyền thoại" về công cuộc xóa đói, giảm nghèo...
Kô Kăn Sương là cử nhân báo chí đầu tiên của người Pa Kô. Cô bé quê ở Tà Rụt, giờ đang là cán bộ của UBND huyện Hướng Hóa, tình nguyện làm hướng đạo cho tôi một chuyến về vùng sâu, vùng xa. Sương sôi nổi và tường tận quê nhà đến nỗi cứ ghép lại những mẩu chuyện mà cô thánh thót trên xe cũng sẽ thành một bài báo đầy đủ về mảnh đất này. Và câu chuyện của Sương cũng chính là chuyện về mảnh đất quê hương cô vậy.
Kô Kăn Sương là con thứ ba trong một gia đình người Pa Kô mà cả năm người con đều học đại học chính quy. Hai chị gái của Sương tốt nghiệp đại học Sư phạm, người em trai cũng đã tốt nghiệp đại học Kinh tế, còn cậu em út đang là sinh viên năm thứ hai của Ðại học Y khoa Huế. Với người Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa bây giờ, chuyện trong nhà có nhiều người học đại học không còn là lạ nữa. Ở bản Trằm, xã Hướng Tân có ông Hồ Kài cũng có tới sáu đứa con, đứa nào cũng được học lên đại học. Sương và những đứa con của Trường Sơn xuống núi tìm chữ, rồi lại cõng kiến thức lên ngàn mà về với dân bản.
Ðể có một thế hệ chủ nhân mới trên núi rừng Trường Sơn như ở Hướng Hóa này không phải ngày một ngày hai. Người Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị không ai không biết đến cô giáo Nguyễn Thị Ninh, quê Gia Lâm, Hà Nội, đã tình nguyện vào miền nam, lên Trường Sơn ngay sau ngày giải phóng để dạy chữ cho đồng bào. Cô nhớ lại những ngày đầu tiên, núi rừng tan hoang vì đạn bom và chất độc hóa học. Dân bản chui rúc trong hang đá, đói lả bên bờ suối. Cô cùng đồng đội lội rừng, tìm đến từng hang, sẻ nắm cơm của mình cho các cháu. "Cái bụng không kêu đói, cái chữ mới vào trong đầu". Gần 40 năm, cô giáo Ninh hiến trọn tuổi xuân của mình cho người Pa Kô, Vân Kiều, với những cơn sốt rét, những ngày đứt bữa, và nỗi nhớ Thủ đô da diết. Cô tảo tần như một người mẹ nghèo đông con. Giờ đây, tóc cô đã điểm bạc. Duyên nợ của cô giáo Hà Nội với con trẻ Trường Sơn hơn ba mươi năm qua là hình ảnh minh họa thật xúc động về mối thâm tình ruột thịt giữa "trái tim của Tổ quốc" với "khúc ruột miền Trung".
Ngày cô giáo Ninh giã từ Thủ đô vượt Trường Sơn vào đây, Hướng Hóa có đến 98% dân số mù chữ. Vậy mà nay mỗi năm huyện đã huy động ngót nghét 98% số trẻ trong độ tuổi đến trường với hơn 21 nghìn học sinh. Tất cả 51 trường học các cấp, từ thị trấn đến vùng bản xa đều đã được xây dựng kiên cố. Ngoài hệ thống trường học, xã nào cũng có Trung tâm học tập cộng đồng. Những đứa con của Trường Sơn biết chữ ngày càng nhiều, tốt nghiệp đại học và trở thành cán bộ ở cơ sở ngày càng nhiều.
Cái chữ lên Trường Sơn quả trường kỳ gian khó nhưng ở lại với người Vân Kiều, Pa Kô cũng thật mặn mà, son sắt. Tôi nhận rõ điều ấy khi vào xã Thuận gặp Chủ tịch UBND xã Hồ Dõ và nghe anh hào hứng nói về "sách lược" để rút tên xã ra khỏi diện "135" như thế nào.
Thuận là một trong bảy xã vùng Lìa, nằm sát biên giới Việt Lào. Ðến năm 1999 vẫn còn đến 73% số hộ đói nghèo vậy mà nay 65% dân số có nhà ở được kiên cố, 90% dùng điện lưới, 70% sử dụng nước sạch, 91% có xe máy, 84% có ti-vi... Nguồn thu nhập toàn xã năm 1999 chỉ 1,7 tỷ đồng, năm 2007 đã đạt 11 tỷ đồng, về đích trước ba năm theo kế hoạch. Năm 2005, Thuận xin rút tên ra khỏi danh sách xã khó khăn đặc biệt. Chủ tịch xã Hồ Dõ chắc như đinh đóng cột rằng, đến năm 2010 Thuận sẽ đưa nguồn thu nhập lên 16 tỷ đồng và hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%.
Làm sao mà Thuận có được sự đột phá nhảy vọt như thế?
"Trăm sự nhờ cây sắn". Hồ Dõ khẳng định. Thuận và các xã vùng Lìa từ mấy chục năm nay loay hoay với bao nhiêu chương trình, dự án chuyển đổi cây trồng, từ cà-phê, cao-su, xoài, nhãn... nhưng đều thất bại. Cuối cùng đến lượt cây sắn lên ngôi. Riêng cây sắn, người Vân Kiều ở vùng Lìa cũng đã biết đoạn tuyệt với tập quán trồng sắn truyền thống của bà con trên nương rẫy để canh tác theo lối công nghiệp mới cho ra những cánh đồng sắn nguyên liệu đúng vụ, năng suất cao.
Như muốn chứng minh tiếp về sự đột phá trong kinh tế của bà con dân bản nhờ áp dụng kiến thức khoa học trong canh tác, Kô Kăn Sương dẫn tôi về vùng chuyên canh cây cà-phê của Hướng Hóa. Ở đây, lại gặp một "người bạn" của dân bản, ông Bùi Ðình Trọng, Giám đốc Công ty Ðầu tư Cà-phê và Dịch vụ Ðường 9 thuộc Tổng công ty Cà-phê Việt Nam.
Cũng như "chuyên gia trồng sắn" Hồ Ðại Nam, ông Trọng và các kỹ sư trong đơn vị được bà con vùng sâu Pa Tầng rất đỗi quý mến vì nhờ sự tận tâm, tận lực của họ mà người vùng bản đã đổi được cuộc đời no ấm, nhờ cây cà-phê. Cũng bắt đầu từ mô hình điểm, cầm tay chỉ việc, rồi dần dần chuyển giao kinh nghiệm trồng trọt, đến nay người Vân Kiều ở Pa Tầng đã biến những đồi hoang thành vùng chuyên canh cây cà-phê ca-ti-mo nổi tiếng ở Hướng Hóa. Trước Pa Tầng, Hướng Tân là xã đi đầu trong phong trào trồng cà-phê ở vùng bản.
Bí thư Ðảng ủy xã Hồ Xuân Trường cho hay rằng, đến nay 80% số hộ trong xã trồng cà-phê với diện tích khoảng 300 ha, thu nhập bình quân mỗi hộ 50 triệu đồng/năm, có hơn 35% số hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo được giảm xuống còn 12%. Cà-phê Hướng Hóa hiện đã mở rộng được 3.300 ha với sản lượng hơn 40 nghìn tấn quả tươi, cho thu nhập hơn 150 tỷ đồng.
Lên Trường Sơn, về vùng sâu Hướng Hóa tận mắt nhìn thấy sự đổi thay trong từng vườn đồi, từng nếp nhà, từng bữa cơm và cả nụ cười của người Vân Kiều, Pa Kô mới hiểu cái thành quả vô cùng to lớn mà Ðảng bộ và nhân dân nơi đây đạt được. Bất chợt, tôi nhớ tới những sợi tóc bạc trên mái đầu cô giáo Ninh, nhớ tới dáng mạnh mẽ rẽ rừng của anh Nam, anh Trọng, những "doanh nhân vùng bản" và của các "triệu phú đồng bào", cả nụ cười tự tin của Kô Kăn Sương và bao chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Kô.
Như một tuần hoàn của tự nhiên, người đi trước, kẻ tiếp sau mải miết chảy theo mạch nguồn của sự sống. Nhưng với Khe Sanh còn hơn thế, không chỉ đã hồi sinh trên đống tro tàn của bom đạn mà đang vươn trỗi thật mãnh liệt. Ðồng chí Bí thư huyện ủy Hồ Tấn Nhạc với lối ví von của một thầy giáo, đã nói rằng trong nhiều tiềm năng mà Hướng Hóa có được, thì tiềm năng về tình người là quý nhất và giàu nhất.
Nhớ lại 30 năm trước, khi Khe Sanh chưa hết mùi khói bom, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lên Khe Sanh thăm bà con Vân Kiều, Pa Kô. Ðồng chí căn dặn Ðảng bộ và bà con các dân tộc phải quyết tâm xây dựng Hướng Hóa trở thành một huyện miền núi kiểu mẫu. Giờ đây, nhờ bộ đội giải phóng, nhờ cán bộ, nhờ bà con miền xuôi giúp đỡ, người Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa đã có thể nở cười mà gửi tin vui đến đồng bào cả nước rằng: "Miềng đã mần được rồi".
Nói về thành tựu của Hướng Hóa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, là huyện miền núi nhưng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp trong nền kinh tế Hướng Hóa chỉ còn chiếm 13,6%; công nghiệp và xây dựng tăng lên 43,7%. Từ chỗ hơn 90% số hộ thiếu đói, thường xuyên đứt bữa những năm đầu sau giải phóng, đến nay ở Hướng Hóa không còn nhà nào đói nữa, số hộ nghèo giảm xuống còn 26%.
Tự hào về quê hương, Kô Kăn Sương đọc cho tôi nghe một câu thơ mang dự báo thật lạc quan của một nhà thơ liệt sĩ viết về Lao Bảo gần 40 năm về trước:
...Ta sẽ thấy và nhất định thấy
Ngày kia
Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây...
(Ngô Kha)
Nguyện ước của những người cầm súng 40 năm trước, nay đang thành hiện thực ở Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn và bao nhiêu chiến trường xưa nữa.