Hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ cho ngư dân, tàu cá hoạt động nhằm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mới đây, tỉnh hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình cho tàu cá.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến.
Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến.

Gần 2 năm trước, tỉnh đã triển khai xong việc hỗ trợ cho ngư dân mua thiết bị giám sát hành trình để đáp ứng việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Song song đó, nhiều cảng cá, dịch vụ hậu cần được quan tâm đầu tư.

Phấn khởi nhận tin vui

Vừa mới cập bến sau hơn một tháng đánh bắt trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thành phố Phan Thiết) được người thân báo tin Nhà nước hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình. Ông Nguyễn Văn Hùng phấn khởi chia sẻ: “Hiện nay, phí thuê bao hằng tháng của thiết bị giám sát hành trình gần 400.000 đồng. Vậy là từ đầu năm 2025, tôi sẽ được hỗ trợ gần như 50% giá cước”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xăng dầu tăng cao, nguồn thủy hải sản đang dần cạn kiệt, việc hỗ trợ chi phí không nhiều nhưng cũng giúp cho ngư dân có thêm động lực bám biển. Trước đó, năm 2022, tỉnh Bình Thuận cũng hỗ trợ phí lắp thiết bị giám sát hành trình 10 triệu đồng/thiết bị cho các tàu cá không có tiền mua thiết bị giám sát hành trình nên không được ra khơi đánh bắt cá do khó nhận biết cảnh báo khai thác IUU.

Những ngày cuối tháng 11, tàu cá cập bến cảng cá Phan Thiết (thành phố Phan Thiết) được Bộ đội Biên phòng phối hợp cùng với nhân viên cảng cá kiểm tra giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình. Trong đợt này, nhiều tàu cá tuân thủ giấy tờ thủ tục trước khi xuất bến. So với trước kia, ngư dân đến Trạm Biên phòng Phan Thiết làm thủ tục giấy tờ cũng chỉn chu hơn, không còn tình trạng thiếu giấy tờ.

Nhờ vậy, ngư dân không phải mất thời gian chờ đợi. Thượng úy Lê Thành Tùng, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Phan Thiết cho biết, vài tháng gần đây, rất ít tàu cá vi phạm so với trước kia. Đơn cử, từ ngày 15/10-15/11, trạm lập biên bản vi phạm hành chính 4 vụ, với tổng số tiền phạt hơn 50 triệu đồng. Có thể thấy, ngư dân đã có ý thức hơn trong việc khai thác IUU.

Giữa tháng 11, tỉnh Bình Thuận đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá là 175.000 đồng/1 tháng/1 tàu. Thời gian hỗ trợ là 36 tháng, kể từ ngày 1/1/2025.

Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho khoảng 1.950 tàu cá trong 3 năm là 12,285 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tàu cá không được hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình nếu vi phạm hành chính về hành vi liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017. Thời gian không được hỗ trợ là 12 tháng, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tàu cá nằm bờ liên tục từ 2 tháng trở lên trong một quý thì không được hỗ trợ trong quý đó.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển; trong đó, có 60% tàu không đóng phí thuê bao do các chủ tàu gặp khó khăn về kinh phí, hoạt động không hiệu quả.

Tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển khá phổ biến, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tiềm ẩn nguy cơ cao vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; tiềm ẩn những rủi ro về tính mạng và tài sản cho chính các chủ tàu và người lao động.

Bên cạnh đó, nếu xảy ra sự cố về tàu hoặc các tình huống bất thường của thiên tai sẽ không có thiết bị giám sát hành trình để trợ giúp. Ngoài ra, tàu cá duy trì giám sát hành trình trên biển còn góp phần hỗ trợ thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chiến, bên cạnh hỗ trợ tàu cá, tỉnh đang triển khai đồng loạt nâng cấp, sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, bảo đảm vệ sinh môi trường cảng cá. Cụ thể, cảng cá Phan Rí Cửa đang nâng cấp hạ tầng; cảng cá La Gi đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp Bến 200-400 CV; cảng cá Liên Hương sẽ sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhà lồng tiếp nhận hải sản; mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi.

Hiện nay, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý đưa vào hoạt động giai đoạn một với khu neo đậu 55,9 ha đáp ứng khoảng 500 tàu có công suất đến 600CV của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa, DK1 vào neo đậu tránh trú bão.

Dự án đang thi công, giai đoạn hai sẽ hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đạt quy mô neo đậu 1.000 chiếc; quy mô đầu tư gồm nạo vét vũng neo tàu khoảng 36 ha, nạo vét luồng chạy tàu dài khoảng 650m; kè bảo vệ bờ loại trọng lực và kè mái nghiêng, chiều dài khoảng 830m; hệ thống phao neo, phao báo hiệu…

Mới đây, Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển; đến năm 2030, xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước; khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá; trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp, cứu nạn trên biển.

Trung tâm đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn, bảo đảm năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong, ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, tại các bến tạm, bãi ngang để phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định. Đối với các dự án khắc phục hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá, tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định pháp luật và tổ chức thi công, triển khai dự án bảo đảm tiến độ đề ra.

Tỉnh tập trung, khẩn trương hoàn thành gói thầu nạo vét vùng nước trước bến cập tàu 400 CV-Cảng cá La Gi; hạng mục phòng cháy, chữa cháy công trình Mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi để sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Ngoài ra, các đơn vị sớm hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; đồng thời các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê tàu cá “ba không”; tiếp tục đôn đốc việc cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép.