Thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí,... Song tất cả những giải pháp đó dường như vẫn chưa đủ để DN gượng dậy.
16 ngân hàng giảm 20.613 tỷ đồng lãi vay
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính là 20.613 tỷ đồng. Riêng bốn ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo thống kê từ NHNN, tính từ ngày 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 cho khách hàng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết. NHNN cũng công khai mức giảm của từng ngân hàng, đơn cử: Agribank tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho hơn 3 triệu khách hàng; Techcombank tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 155 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 49.371 tỷ đồng cho 842 khách hàng; VPBank tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 137 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 125.677 tỷ đồng cho 218.312 khách hàng; LienVietPostBank tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 30 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 11.683 tỷ đồng cho 123 khách hàng;...
NHNN cũng liên tiếp ba lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
Kích cầu hỗ trợ lãi suất
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện tháng 8 vừa qua với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh: có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền. TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận: Có khoảng 26,8% DN công nghiệp thiếu vốn có nhu cầu vay vốn. Những năm không có dịch thì tỷ lệ vay vốn ít nhất là 50%-70%. Vay và quay vòng đó là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng vào thời kỳ dịch bệnh, DN không sản xuất được thì tỷ lệ vay vốn thấp vì không có cơ hội sản xuất. Và trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng có đề xuất: Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của DN 2% trong ít nhất một năm, trong đó ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.
Cũng liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới về gói hỗ trợ lãi suất tháo gỡ khó khăn cấp bách về dòng tiền cho DN. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng. “Nhưng tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách chúng ta phải tính toán tới hai mục tiêu: Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, và kiểm soát lạm phát. Không bảo đảm được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế” - ông Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ. Vì vậy, tới đây, ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu thực hiện gói hỗ trợ này. NHNN cũng sẽ báo cáo các cấp thẩm quyền được áp dụng cơ chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này.
Theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh: Quy mô gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. “Điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo Luật các TCTD thì các DN tiếp cận được rất ít, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm. Do vậy nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các DN thật sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ, để không ảnh hưởng tới các TCTD” - TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ.