Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng hàng hóa

Sau tám năm triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Áp dụng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng 5S giúp Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương (Hưng Yên) gia tăng đơn hàng.
Áp dụng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng 5S giúp Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương (Hưng Yên) gia tăng đơn hàng.

Nhiều doanh nghiệp đã tăng năng suất lên 30%, giảm tỷ lệ hàng sai, lỗi, hàng tồn trong dây chuyền. Trong thời gian tới, để thực hiện Chương trình 712 hiệu quả hơn nữa, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, dự án thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) chủ trì thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình đặt ra mục tiêu có 60 nghìn doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng.

Tham gia chương trình này, doanh nghiệp được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản (như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma...). Đến nay, đã có 15 nghìn doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng. Ban Điều hành Chương trình 712 cho biết, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến và áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Thí dụ, tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, sau khi công ty áp dụng công cụ cải tiến cho dây chuyền lắp ráp đèn led, giảm lãng phí, chế tạo các dụng cụ, gá, thay đổi thiết kế và tự động hóa một số thiết bị lắp ráp, bao gói..., năng suất của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần một tỷ đồng/năm.

Công ty cổ phần Nam Dược áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể trong quá trình sản xuất dược phẩm, đã giúp doanh nghiệp giảm 80% tỷ lệ vỡ viên thuốc, tăng hiệu suất thiết bị toàn phần từ 50% lên 60%. Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011, sử dụng nguyên liệu sinh khối biomass đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao-su thay thế dầu DO, FO giúp tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng (năm 2015), 803 triệu đồng (năm 2016) và hơn 1,4 tỷ đồng (năm 2017). Thông qua việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng ô-tô IATF, doanh nghiệp Lê Group (Hà Nội) và Công ty 4P Electronics (Hải Phòng) đã rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm, giảm đến mức thấp nhất sản phẩm lỗi, hỏng. Doanh nghiệp cũng đã tiếp cận và từng bước triển khai các công cụ cải tiến năng suất cơ bản khác.

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH và CN) cho biết: Thời gian qua, việc triển khai Chương trình 712 đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đề ra. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chủ động hơn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp vẫn còn bị động, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh; phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực yếu, trang thiết bị sản xuất cũ; đội ngũ quản lý sản xuất còn hạn chế cho nên chưa đủ tự tin áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia năng suất, chất lượng còn hạn chế,...

Để Chương trình 712 tiếp tục có hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng suất, chất lượng, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng.