Him Lam - trận mở màn hùng tráng

NDO -

NDĐT- Mới đây, tình cờ tôi gặp ông Đinh Văn Nam, nguyên là chiến sĩ Điện Biên Phủ (ĐBP) ở Chùa Hạ, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Bên ấm chè xanh, nhớ lại kỷ niệm một thời trai trẻ, ông Nam bồi hồi nhớ lại: Đầu năm 1951, tròn 19 tuổi, tôi đi bộ đội cùng với hơn chục anh em trong xã Thường Thắng, sau đó, tôi được bổ sung vào Đại đội 241, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.

Các CCB xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), từng tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong ngày gặp mặt.
Các CCB xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), từng tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong ngày gặp mặt.

Tham gia chiến dịch ĐBP, đơn vị tôi vinh dự được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn, tiêu diệt cứ điểm đồi Him Lam vào đêm 13-3-1954. Từ 12 giờ trưa hôm ấy, các đơn vị nhận lệnh xuất phát. Từ vị trí đứng chân, theo giao thông hào, bộ đội bí mật tiến vào vị trí xuất phát. Tiểu đoàn 11 chúng tôi đảm nhiệm đánh mũi chính diện, xung kích đi đầu mở màn trận đánh. Trong đó, mỗi trung đội có một tiểu đội đánh bộc phá, với 12 chiến sĩ. Mỗi chiến sĩ mang một quả bộc phá ống dài hai mét, đường kính khoảng 10-15cm để phá hàng rào mở cửa, kèm theo một khẩu súng tiểu liên Tuyn, ba băng đạn, bốn quả lựu đạn.

Theo thứ tự, tiểu đội đánh bộc phá cắt hàng rào xong thì hai tiểu đội xung kích tiến lên chiếm giữ cửa mở. Trung đội thứ hai tiếp tục tiến lên phá hàng rào phía trong. Khi phá xong các lớp hàng rào dây thép gai, các chiến sĩ xung kích bảo vệ cửa mở, đánh diệt lô cốt đầu cầu để toàn đơn vị tiến lên, phát triển đánh vào trung tâm trận địa địch. Tôi làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội bộc phá, Trung đội 2, Đại đội 241. Vận động qua đoạn giao thông hào trong rừng, bộ đội ta phải vượt qua con suối cạn rộng hàng chục mét, mới tiếp sang đoạn hào vượt qua bãi đất trống dưới chân đồi để tiến sát vào hàng rào ngoài cùng của cứ điểm địch. Càng vào gần đồn địch, thì giao thông hào càng nông và hẹp, chỉ sâu đến trên đầu gối, mọi người đều phải đi khom.

Khoảng bốn giờ chiều ngày 13-3, bộ đội ta bí mật chiếm lĩnh xong trận địa. Đúng năm giờ chiều, pháo binh ta đồng loạt nổ súng, bắn dồn dập vào cứ điểm địch. Bộ đội ta dồn lên, đại đội đi đầu tiến đến đoạn giao thông hào cuối cùng. Pháo của địch từ Mường Thanh bắn đến, súng cối ở trong căn cứ địch bắn ra; súng máy, súng trường từ lô cốt đầu cầu và chiến hào địch bắn như vãi đạn để chặn đường tiến quân của ta, cho nên một số chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương ngay tại chiến hào từ khi chưa nổ súng...

Trời xẩm tối, bộ binh được lệnh công kích. Ba tiểu đội bộc phá của đại đội tôi đi đầu, một tiểu đội của đại đội tôi xông lên, chỉ phá được ba lớp hàng rào. Tiểu đội tôi nhận lệnh, tám chiến sĩ của tiểu đội đã bị thương ngay tại chiến hào. Tôi phân công hai chiến sĩ xông lên, còn một chiến sĩ lại bị thương. Một mình tôi mang hai quả bộc phá ống tiến lên. Đường hào hẹp, các chiến sĩ xung kích nằm xuống, bảo tôi cứ bước lên người họ mà đi. Tôi vừa đi khom, vừa bò trên người các chiến sĩ xung kích để tiến lên. Trong màn đêm mờ mờ, tôi quan sát nhanh thấy chiến sĩ ta hy sinh, bị thương trước cửa mở khá nhiều. Bộ đội ta ở phía sau tập trung bắn yểm trợ quyết liệt. Lúc đó chẳng còn biết sợ là gì, tôi để bớt lại một quả bộc phá ở bờ chiến hào rồi nhảy phắt lên khỏi giao thông hào, vừa chạy, vừa bò tránh đạn địch. Từ giao thông hào của ta, đến hàng rào tôi phá có đến năm, bẩy chục mét. Đặt xong quả bộc phá, giật nụ xòe, tôi chạy lui chừng 20 mét rồi nằm xuống. Quả bộc phá nổ hất tung cái hàng rào “cũi lợn” một khoảng chừng 5 – 7 mét. Mấy chiến sĩ xung kích tiến lên sát tôi. Một đồng chí bị mảnh pháo địch cắt mất hẳn bàn tay phải. Đồng chí ấy bảo tôi băng vết thương. Tôi bảo đồng chí cứ bóp chặt cổ tay không để máu ra, lui ngay về chiến hào. Tôi nằm tại cái hố bộc phá đã đánh trước. Ngay lúc đó, tôi thấy nhói đau ở mông, sờ tay xuống thấy máu chảy, tôi biết mình bị thương nhẹ. Tôi nằm tại chỗ chờ lệnh. Các chiến sĩ bộc phá của đơn vị sau tiếp tục lên phá những hàng rào cuối cùng. Nhiều chiến sĩ tiếp tục ngã xuống trên đường vận động tiến công…

Đến khoảng 10 giờ đêm, bỗng pháo hiệu bay vụt lên cao, tiếng hô xung phong của bộ đội ta vang dậy át cả tiếng súng địch. Thê đội hai của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 xung trận. Tôi vùng dậy cùng đồng đội xông thẳng vào căn cứ địch. Trước khí thế áp đảo của quân ta, hàng trăm tên địch còn sống sót lũ lượt kéo nhau ra hàng. Bộ đội ta làm chủ trận địa, chiếm giữ luôn căn cứ Him Lam, trận mở màn chiến dịch lịch sử ĐBP toàn thắng…

“Về địa phương, trên mặt trận mới, các CCB là chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên quê hương Thường Thắng nói riêng, ở huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) nói chung vẫn luôn xứng đáng với truyền thống ĐBP anh hùng”. - Ông Đinh Văn Nam kết thúc câu chuyện bằng một câu có tính tổng quát như một cán bộ Tuyên giáo xã làm mọi người cùng cười vui vẻ và thêm cảm phục về những CCB từng tham gia chiến dịch ĐBP năm xưa, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng ĐBP “Lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.