Khẳng định: Quốc dân Ðại hội Tân Trào là "Tiền thân" của Quốc hội Việt Nam, cụ nói:
- Cuối năm 1944 trước thời cuộc chuyển biến thuận lợi, cơ hội ngàn năm có một không còn xa nữa, "phen này dù có phải đốt cháy cả dãy núi Trường Sơn thì dân ta cũng phải giành cho được độc lập" (Lời Hồ Chủ tịch).
Chủ tịch Mặt trận Việt Minh gửi thư cho quốc dân đồng bào nêu sự cần thiết phải thành lập ngay "một cơ cấu đại biểu cho toàn dân" để có đủ sức mạnh đoàn kết dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Cơ cấu tổ chức đó gồm tất cả các đảng phái cách mạng và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra "thì mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang" (Theo sách "Lịch sử Quốc hội")...
Hoa chiến thắng nở dồn dập, quân đội Liên Xô tiến vào Berlin, trùm phát xít Hitler tự tử. Ðế quốc Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật. Vua Nhật cúi đầu xin hàng. Ðại hội Quốc dân Tân Trào họp gấp, ra lệnh Tổng khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam mới được Ðại hội bầu ra. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng tuyên bố với quốc dân rằng "Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức như Chính phủ Lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước".
Chương trình 44 điểm, Ðại hội vừa quyết định, thì Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam có trách nhiệm thực hiện dần. Vậy ta có đủ lý lẽ để coi Quốc dân Ðại hội Tân Trào là Quốc hội lâm thời của nước ta, hoặc nói cho có hình tượng, là "Tiền thân của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Và chương trình 44 điểm, tức như "Hiến pháp lâm thời" hoặc "tiền thân" của Hiến pháp 1946.
Chính phủ lâm thời, Quốc hội lâm thời, Hiến pháp lâm thời. Danh xưng "lâm thời" (hoặc "tiền thân") không phải chỉ có nghĩa hình thức pháp lý, mà chúng mang nội dung của sự vật cách mạng. Chúng thoát thai từ thực tiễn máu lửa chiến đấu của cả khối 20 triệu đồng bào. Sau 80 năm mong đợi chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, rồi 5 năm thai nghén, mang nặng đẻ đau, Mẹ Việt Nam mới sinh hạ được đứa con cứng cáp, kháu khỉnh đến thế: Ðại hội Quốc dân Tân Trào!
- PV: Chức năng lập pháp của Quốc hội khóa I và ý nghĩa của công tác lập pháp lúc bấy giờ được đánh giá như thế nào, thưa cụ?
- Cụ Vũ Ðình Hòe: Tôi nghĩ rằng không phải chỉ đến khi Quốc hội chính thức ra đời sau Tổng tuyển cử (6-1-1946), mới xuất hiện chức năng lập pháp và công tác lập pháp. Quốc dân Ðại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc hội) đã bắt đầu làm "luật" rồi, tuy mới là "Luật lâm thời".
Ðạo luật chính thức đầu tiên, đạo luật vĩ đại, mang nội dung chính trị pháp lý cao siêu (nhiều nhà chính trị và sử học trong và ngoài nước công nhận như thế), đó là: Tuyên ngôn Ðộc lập 2-9-45. Ðạo luật này còn cơ bản hơn cả Hiến pháp. Toàn thể thành viên của Chính phủ lâm thời ký tên vào đó. Nó làm nền cho Hiến pháp 1946, lại là "Vương miện dát kim cương" đội lên đầu Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dưới ánh sáng rực rỡ của Tuyên ngôn Ðộc lập và dựa vào Chương trình 44 điểm của Quốc dân Ðại hội Tân Trào, Chính phủ nhân dân lâm thời với sự gợi ý và hướng dẫn của Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chủ tịch, chế định một loạt văn bản có tính chất lập pháp. Ðó là, ví dụ, Sắc luật ban hành thể lệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, những sắc luật thủ tiêu các ngành trong bộ máy cai trị đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều, các sắc luật giảm tô, hoãn nợ, chia lại công điền, tịch thu các đồn điền của Pháp tạm cấp cho dân cày nghèo, sắc luật xóa bỏ sưu thuế bất công, phu phen, lao dịch, đầy ải...
Ðồng thời có một loạt sắc luật xác lập các cấp Hội đồng Nhân dân và Ủy ban hành chính theo hai nguyên lý dân chủ mới của bộ máy quản lý xã hội: Chính quyền trực tiếp và chính quyền tập trung, v.v. và v.v. Ðến khi toàn dân đã bầu ra Quốc hội chính thức, và Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức, gọi là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, cùng với Ban Cố vấn Chính phủ, thì công tác lập pháp càng được đẩy mạnh.
Trong năm 1946 công tác dự thảo Hiến pháp được tiến hành khẩn trương và phiên họp cuối năm dành gần hết thời gian cho việc thảo luận và biểu quyết Hiến pháp. Rồi dựa trên tinh thần Hiến pháp năm 1946, Quốc hội thông qua được bản Dự án Lao động, đặc biệt quyết định và ban hành Luật Cải cách ruộng đất, giải quyết nguyện vọng ngàn đời của người nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng, gây phấn khởi cho đồng bào dẫn đến đại thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng.
Trong hoàn cảnh chiến tranh giữ nước ác liệt kéo dài (nội bộ Quốc hội lúc đầu lại có một số phần tử đối lập gây rối) mà Quốc hội giữ được tinh thần đoàn kết nhất trí, đã ra được những văn bản luật (gồm cả những Nghị quyết có tính chất luật) hết sức quan trọng quan hệ đến vận mệnh quốc gia, thì ta phải đánh giá đó là một kỳ công phi thường đáng khâm phục biết bao.
Ðối với vận mệnh quốc gia, cũng không nên quên hai Hiệp định (văn bản pháp luật quốc tế) là Hiệp định sơ bộ 06-03-1946 và Hiệp định Geneva 20-07-1954. Tuy Quốc hội không đóng vai trò chính yếu nhưng có theo dõi việc đấu tranh ngoại giao và cuối cùng biểu quyết chuẩn y việc ký kết của Chính phủ, rồi làm nhiệm vụ giải thích trong nhân dân và giám sát sự thi hành. Ðó cũng là trong phạm vi công tác lập pháp hiểu theo nghĩa rộng.
Ta hãy đối chiếu hoạt động lập pháp (nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp) của Quốc hội với câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, nguyên văn như sau:
"Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ".
Ðối chiếu xong, dù thận trọng đến đâu, tôi dám chắc ai ai cũng phải kết luận rằng Quốc hội Khóa I đã hoàn thành vẻ vang trách nhiệm trong chức năng lập pháp của mình và công tác lập pháp ấy rất lớn lao, tỏa sáng chói lọi...
- PV: Cụ bình luận thế nào về tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp 1946?
- Cụ Vũ Ðình Hòe: Bác Hồ đã vạch tư tưởng đó khi Bác nhận viết "Lời mở đầu" của Hiến pháp: Linh hồn của Hiến pháp sẽ là: "Ðoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo".
Hiến pháp phải đặt nền tảng cho một chế độ pháp quyền, đặc thù của nước mình, không "cóp" của ai. Pháp quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là võ khí đấu tranh giai cấp trong nội bộ xã hội ta - mà nó phải là công cụ màu nhiệm để đoàn kết tất cả các giai cấp, đoàn kết toàn dân, luôn luôn phải bảo vệ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để cứu nước, dựng nước, giữ nước, mưu cầu Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc cho toàn dân.
Pháp quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang nội dung nhân nghĩa Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy Ðại Nghĩa - Chí Nhân của dân tộc ta 4.000 năm văn hiến.
Nhà nước toàn dân, Quốc hội toàn dân, Chính phủ toàn dân, Pháp quyền toàn dân và cả Ðảng cũng là Ðảng toàn dân. "Chúng ta, chúng tôi chỉ có một Ðảng, Ðảng Việt Nam" (lời Bác phát biểu trong cuộc họp báo đầu năm 1946).
Chính nhờ thấm nhuần được "tư tưởng chủ đạo" ấy mà Ban soạn thảo Ðiều lệ Tổng tuyển cử đã thảo ra được những điều khoản chặt chẽ, sắc bén để bảo đảm cho toàn dân thực thi được đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử cực kỳ rộng rãi, cực kỳ phổ thông, hoàn toàn tự do, chưa từng thấy ở đâu trên thế giới, ngay cả ở Liên Xô với nền dân chủ XHCN. Tôi đã kể chuyện ấy nhiều lần trong các hồi ký của tôi. Cả những người "mù chữ" cũng được đi bỏ phiếu. Nhiều vị đại biểu Quốc hội thiện chí thành viên của Ban Ðiều lệ thắc mắc thì Bác Hồ tự thân đến đánh thông tư tưởng và họ thông ngay, còn hỉ hả nữa cơ!
Nếu có thể nói về những kỷ niệm, những ấn tượng sâu đậm, thì chính đó là kỷ niệm sâu đậm nhất của tôi. Tôi nghĩ rằng toàn bộ nội dung Hiến pháp 1946 đều trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hay ít, đã thể hiện được tư tưởng chủ đạo đó của Bác Hồ đã vạch ra cho Ban soạn thảo từ ngày đầu làm việc.
- PV: Theo cụ, trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay, Hiến pháp 1946 có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào?
- Cụ Vũ Ðình Hòe: Hiến pháp 1946 giữ nguyên giá trị nhân văn và tính chiến đấu của nó, (cả tính khoa học nữa). Chỉ cần trong nước mỗi công dân hiểu thấu và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Cách mạng tiên cách tâm" (1). Ðể đổi mới thật sự, đổi mới toàn diện, đổi mới triệt để, dân chủ hóa từ gốc đến ngọn theo đúng Hiến pháp 1946. Còn trên Thế giới thì mọi thành viên của đại gia đình toàn cầu hóa phải giác ngộ đúng mức chân lý:
"Thiện căn ở tại lòng ta" - Cái tâm kia mới bằng ba, bằng ba mươi cái tài!
LÊ MẠNH TUẤN thực hiện
-------------
(1) Trích trong bài thơ của Bác in dưới bức ảnh Bác đặt bàn tay lên ngực phía trái tim, ảnh gắn vào đầu cuốn sách của Sơn Tùng mang tựa đề "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh" - Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2005.