“LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU”

Hậu phương vững chắc của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Được Đảng và Bác Hồ chọn là An toàn khu (ATK) trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Thái Nguyên là nơi Bộ Chính trị đưa ra những quyết định quan trọng lãnh đạo kháng chiến tiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong thời gian này, quân và dân trong tỉnh đã hết lòng bảo vệ ATK, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo tuyệt đối an toàn, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến, đặc biệt là với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Bảo đảm giao thông, vận tải

Ngày 6-12-1953, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Bác Hồ chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung hoàn thành cho kỳ được.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Thái Nguyên tập trung sức lực và của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, lương thực của ta từ căn cứ địa Việt Bắc ra mặt trận, giặc Pháp tập trung máy bay và bom đạn đánh phá rất ác liệt hệ thống đường sá, cầu, phà trên địa bàn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên có những chỉ đạo, giải pháp hiệu quả để bảo đảm giao thông, vận tải thông suốt phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy công trường sửa chữa giao thông, Ban bảo vệ cầu, đường cấp tỉnh, huyện và các xã dọc các tuyến đường, huy động hàng chục nghìn dân công đi lấp hố phá hoại, sửa chữa cầu đường các tuyến quốc lộ 1B, tỉnh lộ 13A; toàn tỉnh thành lập 115 tổ bảo vệ với hơn 1.900 tổ viên làm nhiệm vụ bảo vệ những đoạn đường xung yếu nhất trên các tuyến giao thông quan trọng. Khi bị máy bay địch đánh phá, cầu, đường bị hỏng, các tổ bảo vệ đã kịp thời sửa chữa bảo đảm giao thông vận tải thông suốt.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn đã san lấp 8.000 khối đất đá trên đường vận tải từ Quán Vuông ra mặt trận. Nhân dân các huyện phía nam tỉnh, lực lượng vũ trang, nhân dân Bắc Giang và Đoàn công binh 152, thanh niên xung phong mở thêm hơn 80 km từ đường số 13 qua Lũng Lô, Phiềng Ban nối với đường số 41 hình thành nên tuyến giao thông chủ yếu từ hậu phương Việt Bắc lên tiền tuyến. Những chuyến phà qua sông Cầu, sông Công cũng ngày đêm tăng vòng, tăng chuyến chở bộ đội, dân công và hàng hóa ra mặt trận. Với đôi tay trần và sức người, mỗi chuyến phà vượt sông mất 30 phút trước kia đã được rút xuống 20 phút, rồi khi vào chiến dịch chỉ còn mất năm, sáu phút. Nhiều đêm liền các tổ kéo phà ở Bến Tượng, Thác Huống đạt kỷ lục 50 chuyến qua sông và kịp thời giải tỏa hàng hóa trước khi trời sáng, nhằm tránh máy bay địch bắn phá. Trong số hơn 35 nghìn dân công phục vụ chiến dịch của toàn Liên khu Việt Bắc, Thái Nguyên đóng góp một phần quan trọng, nhiều gia đình cả ba thế hệ cùng ra mặt trận, nhiều đoàn dân công của các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình đã tham gia phục vụ chiến dịch cho đến ngày toàn thắng.

Bên cạnh đông đảo dân công dùng tay khiêng vác, gồng gánh, nhân dân các địa phương trong tỉnh còn đem cả xe trâu, xe đạp đi thồ, vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch. Tỉnh phối hợp cơ quan hậu cần chiến dịch tổ chức các đội dân công dùng xe đạp, xe trâu chở hàng ngày đêm, lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong những đoàn dân công gồng gánh, những đoàn xe thồ nặng hàng hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối đến Điện Biên Phủ, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có hàng nghìn lá thư của những người bố, người mẹ, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh gửi ra mặt trận động viên các chiến sĩ dũng cảm xông lên giết giặc. Các đoàn dân công Thái Nguyên đã bắc nhịp cầu nặng trĩu tình cảm nối liền hậu phương ATK Thái Nguyên với tiền tuyến Điện Biên Phủ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến

Thái Nguyên luôn là mục tiêu tiến công, phá hoại số một của thực dân Pháp, cho nên việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đông về số lượng, nâng cao về chất lượng, đủ sức bảo vệ ATK luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Năm 1953, chỉ tính riêng 53 xã trong tỉnh đã kết nạp thêm gần 1.300 dân quân du kích. Ngày 7-12-1953, Tỉnh ủy Thái Nguyên ra chỉ thị cho các cấp ủy đảng trong tỉnh phải khẩn trương đưa đảng viên vào dân quân du kích, đưa cấp ủy viên vào các ban chỉ huy xã đội, ban chỉ huy tự vệ. Đầu năm 1954, Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương để bổ sung quân số cho bộ đội chủ lực; kiện toàn đủ quân số bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ban Chỉ huy Tỉnh đội cử một số cán bộ đi xuống cơ sở xây dựng về chính trị và quân sự ở những nơi trọng điểm và tranh thủ rèn cán bộ, luyện quân cho các đơn vị.

Ban Chỉ huy Tỉnh đội Thái Nguyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ chỉ huy xã đội, trung đội, đại đội dân quân du kích, chỉ đạo các huyện bổ sung, hoàn chỉnh phương án tác chiến, đề phòng địch tiến công; kiện toàn đủ quân số các đại đội bộ đội địa phương huyện và bộ đội địa phương tỉnh. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Tỉnh ủy Thái Nguyên mở cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân với các khẩu hiệu: Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng. Với tinh thần đó, ngoài đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, bộ đội trong ATK Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động hơn 670 tấn gạo, gần 29 tấn thịt lợn, thịt trâu, bò, 10 tấn đỗ, lạc, vừng cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên có gần 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, gần 18 nghìn người tòng quân đánh giặc, hơn 1.600 người con ưu tú hy sinh, hơn 1.100 người là thương binh, bệnh binh; 63 tập thể, ba cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể nói với vai trò ATK trong kháng chiến, đặc biệt trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang và nhân dân Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK, bổ sung kịp thời sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.