Mở lối cho gạo thơm xuất khẩu
Những ngày này, đi đến các vùng trồng lúa của tỉnh Sóc Trăng đều thấy rõ niềm vui hiện trên gương mặt nhà nông. Ðây là năm thứ hai, nông dân trồng lúa hưởng trọn niềm vui "được mùa, được giá". Ðến đầu tháng 3, trà lúa đông xuân trồng trên nền ao tôm theo mô hình "Lúa thơm - Tôm sạch" của huyện Mỹ Xuyên đã thu hoạch xong. Phấn khởi trước vụ mùa thắng lợi, nông dân Ðặng Thanh Sang, Tổ trưởng Tổ hợp tác tôm-lúa ấp Hòa Lời, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên cho biết, năm nay do thời tiết thuận lợi nên lúa trúng, giá ổn định ở mức cao, giúp nông dân ở địa phương này có lợi kép. Nhờ vào tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn kỹ thuật mới, từ khâu cải tạo đất, cách chăm sóc tôm nuôi ở từng giai đoạn và bảo quản sau thu hoạch, sau đó cải tạo đất xuống giống lúa trên nền đất nuôi tôm. Nông dân được hỗ trợ 50% số giống và 50% số vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất. "Nông dân tham gia vào mô hình hợp tác phấn khởi vì được trang bị kiến thức và nâng cao thu nhập từ đồng đất nên quyết tâm giữ vững mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng sản xuất sạch, an toàn thực phẩm"- anh Sang khẳng định.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Mỹ Xuyên Trần Quốc Quang cho biết, hằng năm, diện tích canh tác nhóm giống lúa ST chiếm hơn 80% tổng diện tích canh tác lúa vùng tôm - lúa của huyện. Với đặc điểm tự nhiên, canh tác lúa ở đây sử dụng ít phân bón hơn nhờ lượng chất thải của tôm là nguồn phân hữu cơ quý cho lúa. Hơn nữa, do có thời gian ngắt vụ nên áp lực sâu bệnh giảm, cùng với việc lợi dụng sự lên xuống của thủy triều nên có thể áp dụng một số biện pháp cơ học để diệt sâu bệnh. Nhờ vậy, chất lượng hạt gạo vùng này cao hơn so với các vùng chuyên trồng lúa. Từ 10 năm nay, được sự hỗ trợ của dự án cạnh tranh nông nghiệp do Bộ NN và PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện, Hợp tác xã lúa - tôm ấp Hòa Lời, xã Ngọc Ðông, huyện Mỹ Xuyên đã sản xuất lúa thơm ST đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và được Công ty lương thực Gentraco của TP Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá bán cao hơn 25% so với giá thị trường.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng gạo thơm, dẻo chất lượng cao trên thế giới ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng (gọi tắt là Ðề án). Ðồng thời xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định và bền vững, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới.
Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, trước khi có Ðề án, diện tích sản xuất lúa đặc sản toàn tỉnh chỉ khoảng 66.000 ha. Ðến năm 2015, sau khi kết thúc giai đoạn một, toàn tỉnh đạt 126.728 ha, tăng gần gấp hai lần so với năm 2012. Trước sự thành công của giai đoạn một, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng Ðề án giai đoạn 2016-2020. Nhờ sự tích cực, chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, diện tích lúa đặc sản tiếp tục gia tăng. Sản lượng lúa đặc sản tăng 27% so với mục tiêu của Ðề án. Qua 5 năm triển khai thực hiện Ðề án tại địa bàn bảy huyện, thị xã, diện tích lúa đặc sản gieo trồng đạt 175.226 ha, vượt 27% so kế hoạch đề ra. Diện tích và sản lượng lúa đặc sản tại Sóc Trăng tăng dần qua từng năm, hiện tại đạt hơn 1,1 triệu tấn, vượt xa so kế hoạch đề ra năm 2020 là 800.000 tấn.
Trên thị trường, từ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, lúa thơm đặc sản luôn có mức giá cao nhất. Lúa ST24, ST25 giá bán từ 7.500-7.700 đồng/kg. Riêng lúa thơm ST trồng theo mô hình tôm-lúa hữu cơ có giá hơn 8.300 đồng/kg. Các giống lúa thơm nhẹ như OM4900, RVT, Ðài Thơm 8… giá bán từ 6.700 - 7.300 đồng/kg. Trong khi đó, các giống lúa thường cho phẩm chất gạo trung bình chỉ có giá từ 6.500-6.750 đồng/kg. So với vụ đông xuân 2019-2020, giá lúa bình quân hiện cao hơn từ 1.000 - 2.500 đồng/kg. Giá lúa tăng so với cùng kỳ giúp lợi nhuận người trồng lúa đạt 17 đến 19 triệu đồng/ha, canh tác lúa bảo đảm lợi nhuận hơn 30%. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, gạo thơm ST đã vượt mốc 1.000 USD/tấn và nhiều hợp đồng xuất khẩu vẫn đang thiếu nguồn cung.
Chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ
Sóc Trăng hiện có 243 cánh đồng với 52.122 ha, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, sử dụng giống chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, trong đó có 43 cánh đồng có diện tích từ 300 ha trở lên với tổng diện tích 22.386 ha. Toàn tỉnh có 79 doanh nghiệp, đại lý ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích 20.326 ha, chiếm 17% diện tích gieo trồng của tỉnh. Bên cạnh việc xây dựng cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp Sóc Trăng tích cực chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất bền vững như: 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, mô hình công nghệ sinh thái, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó diện tích được chứng nhận gần 341 ha; có 46,5 ha lúa ST24, ST25. Nhờ thành công trong xây dựng chuỗi sản xuất và mô hình hợp tác nên việc sử dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu bơm tưới đạt 100%. Hơn 98% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, với khoảng 1.000 máy, trong đó 821 máy của người dân địa phương.
Hiện trên địa bàn tỉnh có ba doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu với quy mô khoảng hơn 20.000 tấn/năm với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Phi-li-pin, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a... Có 19 nhà máy, cơ sở xay xát chế biến lúa gạo và các sản phẩm từ gạo với tổng sản lượng sản phẩm sơ chế khoảng 50.000 tấn/năm chủ yếu phục vụ cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước. Có sáu nhãn hiệu gạo được đóng gói và tiêu thụ nội địa trong và ngoài tỉnh như: Gạo thơm ST, gạo Phú Khang, gạo hữu cơ Nông trường cá Bờ đập, gạo Thành Tín, gạo Công Ðiền, gạo Ba Ðẹp. Năm 2020 có tổng cộng 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ/tổng diện tích 36.747 ha, tăng 19.388 ha so với cùng kỳ.
Mới đây, nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa thơm ST25 do Anh hùng lao động Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo ST25 - "Gạo ngon nhất thế giới" tại Cụm công nghiệp thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Dự án đầu tư ban đầu với diện tích khoảng 5 ha, gồm: Nhà máy xay xát lúa gạo liên hợp, khu phục dựng quá trình lai tạo giống lúa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, khu trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh… để phục vụ khách du lịch.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ý tưởng này nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa thơm đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Trước hết, nhóm sẽ đầu tư nhà máy xay xát làm nền tảng để kêu gọi đầu tư thêm các hạng mục tiếp theo trong thời gian tới. "Hiện đã có nhiều doanh nghiệp muốn liên kết để cung cấp gạo ST25 cho thị trường trong nước và ngoài nước nên đầu ra gạo thơm ST khá ổn định. Chúng tôi đang chọn vị trí cụ thể, thuê đơn vị tư vấn và hoàn tất các thủ tục đầu tư. Ðịa phương và các sở, ngành liên quan hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành các thủ tục triển khai thực hiện dự án hiệu quả, nhằm bảo tồn và phát triển danh tiếng gạo ngon nhất thế giới" - Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.
Ðồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, quán triệt Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực nông nghiệp, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã cụ thể hóa vào chương trình 5 năm tới với việc phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm hơn 80% sản lượng lúa toàn tỉnh. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, mô hình sản xuất lúa đặc sản không chỉ là thương hiệu về hạt gạo chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn là điểm đến thu hút du khách trong nước và nước ngoài khi đến Sóc Trăng - xứ sở làm ra gạo ngon nhất thế giới!
Bài và ảnh: Nguyễn Phong