Nào dì nọ, ấy mợ kia. Đám cháu ra phố học, tới chào, mang theo ít quà quê. Rồi chúng thuê nhà, có người yêu, làm đám cưới. Chúng thường bảo: “Mợ Ly giỏi mà hiền quá!”, thế thôi. Vài năm dắt theo một đứa nhỏ mắt đen tròn, bảo: “Chào bà đi chứ, đứng trân trân thế hả”.
Chồng nàng đi công tác xa, biền biệt. Một chuyên gia phân tích thực trạng tìm ra giải pháp cho công ty, nhưng chẳng bao giờ ngó ngàng gì tới thực trạng và giải pháp cho nỗi nhớ của nàng. Nhớ chồng như thể nước sông, hạ nguồn tích nước thượng nguồn đổ mưa.
Nhớ chàng cũng chẳng làm sao cả, nhớ nhiều bạc tóc lại chê già theo cô trẻ thì sao. Chàng lý luận: “Tiền cũng muốn, chồng cũng cần. Anh phải có tí sự nghiệp cho bằng anh bằng chị”. Thôi, đi đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn anh yêu tôi, miễn anh vui.
Nàng có một câu kinh điển: “Anh về hưu ở với em, đừng về với cô nào là được”. Mẹ nàng bảo: “Hưu thì còn nước non gì nữa hả con. Trẻ không về, già vác xác đi luôn cho chúng tôi được nhờ”.
Ngẫm người ở quê thật sung sướng. Họ không bao giờ nghỉ hưu. Sáng làm đồng áng, trưa về cơm nước, chiều lại thăm vườn. Cái ấm chè xanh vợ chồng uống cả ngày. Nước sông, cá suối, chẳng bao giờ lo ô nhiễm. Nàng sẽ chợ búa rau dưa cả đời cho chàng không bữa nào giống bữa nào.
Lần này chồng về phép, nàng bèn dẹp hết công việc cơ quan, bắt chồng đưa về thăm quê chàng một lần cho biết. Chàng bảo: “Đi du lịch, tham quan chỗ nào chứ được dăm ngày phép lại về quê. Này, quê thì có gì mà chơi”. Thôi, chiều vợ một lần đi, thiệt thòi gì đâu mà tiếc.
Chàng dặn: “Về quê cấm được đòi dầu thơm, đòi sơn cắt móng tay, đòi làm tóc. Cấm chê nghèo, cấm chê rách, không được la mắng ngổn ngang, cẩu thả. Cho gì ăn nấy, ai uống gì mình uống nấy, muỗi đốt không kêu, chó cắn không khóc, ngỗng đuổi không nhảy xuống ao”.
Nàng lại bảo: “Em cầm cái thẻ, xuống đó mua gì rút ATM cho tiện, mang quà cáp theo lích kích”. Chàng té ngửa: “Làng tôi làm gì có ATM. Tài khoản là đồng ruộng, vườn cây, đến mùa mới thu hái. Lợn nuôi mấy tháng, gà đẻ mỗi ngày. Rau dưa quanh năm, không cần đi chợ. Tiền mặt chỉ gửi cho con cái ở thành phố”.
Tính mua mấy tấm vải may áo dài tặng các mợ, dì, nhưng nghe nói làng quê vùng sâu xa chỉ các cô giáo mới mặc áo dài. Mua về không mặc, chuột gặm nát cả. Nàng ngẫm nghĩ cuối cùng mua mì tôm, nước mắm, đường, đại thể vẫn thấy hàng cứu trợ đồng bào những thứ thế cả. Sẵn tiện mua dăm cái chăn mầu xanh lá mạ.
Hai vợ chồng với đứa con lên chiếc xe khách vừa chở người vừa chở hàng hóa. Chỉ có đám xe kiểu nửa xe tải nửa xe buýt thế này mới vào tận các làng sâu xa để trả người, giao hàng. Đứa phụ xe mới ra phố tập tành xăm trổ, bảo: “Tiền hàng, tiền người tính riêng”. Nó đếm ra được bảy kiện hàng cộng ba người, tính chung là 10 kiện. Lại bảo: “Nếu các bác gửi 10 kiện thì không tính tiền người rồi. Tiếc là thiếu ba kiện, cả nhà thông cảm”.
Con của nàng tên Sơn, 11 tuổi, cứ lao vào khuân vác giúp đứa phụ xe. Đứa kia bảo: “Không có tiền bốc vác đâu cậu nhé”. Nó lại bảo: “Tôi lơ xe 5 năm rồi lần đầu tiên có người phụ giúp. Nghề này hay lắm nha! Xe tới bến tha hồ nằm chơi game, sáng sớm xe mới chạy. Ở nhà chơi, ông bà đánh cho quắn đít”. Sơn bảo: “Em không chơi game, em phải học bài”.
Đứa phụ xe kêu ly nước rau má cho Sơn, nói: “Tôi nom cậu không giống bố cậu”. Cu cậu hỏi: “Anh nhìn làm sao, bố em không giống em thì giống ai”. Phụ xe giải thích: “Bố cậu ghét việc chân tay chứ không như cậu. Bố tôi cũng thế, việc gì dơ dáy nhất đều mẹ tôi làm hết. Làm không sạch sẽ, bố tôi mắng luôn”. Sơn lắc đầu: “Anh đừng nói xấu bố. Làm con thì bố mình là thần tượng anh ơi”. Nghe ừ một tiếng, kiện hàng ném vào xe kịch, kịch.
Chàng không muốn con uống nước rau má ở bến xe, lỡ đi đường đau bụng thì khổ. Nhưng nó cứ tu ngon lành. Chiếc xe chạy được vài chục phút, Sơn đã lăn ra ngủ cùng với đám hàng hóa, bao tải, thùng giấy phía sau xe.
Chàng nhớ những ngày mới ra trường, lặn lội công trình xuôi ngược, cũng vạ vật ăn ngủ trên xe đường dài. Không phải như bây giờ, cứ máy bay, mà phải hạng thương gia mới oách, không bị thiên hạ coi thường.
“Em thấy cu Sơn giống anh không?”. Nàng vẫn thoa dầu gió ngào ngạt: “Nó giống ông hàng xóm. Anh đi công tác một năm mười một tháng thì nó không giống ông hàng xóm mới lạ”.
Tào lao quá đi mất. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Ở kè kè bên cạnh mà chắc gì tính cách đã giống mình đâu. Con tôi siêng năng, học giỏi, giống tôi.
Vợ chàng nghiêm nét mặt: “Con anh làm sao giống anh được. Giống anh thì chết tôi à. Anh đi mút mùa, còn nó luôn ở cạnh tôi. Anh với nó như mặt trăng mặt trời. Tôi ao ước nó đừng bao giờ giống anh”. Chàng lại lắc đầu: “Lớn rồi còn bám váy mẹ. Mấy năm nữa vào đại học, phải cho ở nội trú mới mau trưởng thành. Phải biết tự lập, lo cho bản thân. Bố mẹ lo mãi được đâu”.
Nàng lại bảo: “Lo gì, trời sinh voi trời sinh cỏ. Em đây, từ khi lấy chồng mới biết tự lập. Từ việc nhà, việc cơ quan, nuôi con, nuôi bố mẹ, lúc ốm lúc đau, một thân em hết. Thế mà có người còn kêu không tự lập”.
Chàng không nói gì. Chàng sinh ra lớn lên ở thành phố, tấc ruộng không có, nửa mảnh vườn cũng không. Học đại học xong, ra xin được việc làm, trăm việc nhờ vào lương. Thành phố đâu phải lắm công trình, phải đi tỉnh, phải đi miền nọ miền kia. Có khi xe chạy qua cổng nhà, ngoài nhìn vào thấy vợ con mà chẳng thể nói nên lời. Bởi sếp còn việc bận, còn việc thì còn đi.
Chàng chẳng có ước mơ gì to tát đâu, chỉ mong đứa con trai học giỏi, đỗ đạt, sau ra kiếm được việc làm, đủ sống, nuôi được vợ con ít nhiều. Lương thì vậy thôi, muốn thu nhập thêm phải làm ngoài giờ. Cái chuyện tăng lương mà lại giảm giờ làm nó vô lý, chưa thấy nơi nào thực hiện. Tăng ca thì tăng thu nhập.
Nhưng rồi, một ngày, chàng chợt nhận ra đời mình cuốn theo công trình, ngày tháng lăn lộn mọi xó xỉnh, như con thú hoang ưa cô độc, vui với bầu bạn hơn với gia đình. Chẳng phải không có ngày nghỉ, ngày lễ đâu. Nhưng lúc ấy, cả đám dân công trình lại quấn túm với nhau, đánh chén, chơi bài, nói đủ thứ chuyện trên đời. Lắm hôm mẹ ốm, bố qua đời thì chúng nó mới vội vã về nhà. Mà cả công trình đánh xe về luôn, đi mấy chiếc xe, chứ không để nó về một mình, sợ buồn.
Hôm vừa rồi, khi về đến đầu con hẻm, trong phố nhỏ nơi gần cái hồ con con, thấy vợ ngồi đọc sách, đứa con học bài, ti-vi bật lên đó mà không mở tiếng. Chàng cứ bần thần.
Chàng nghĩ mình bước chân vào nhà, sẽ đánh động không khí yên tĩnh quen thuộc ấy. Chàng không biết mình còn mùi đất cát công trường, mùi xăng xe trên đường, tóc còn chưa cắt, cũng chẳng có lược.
Chàng đứng dưới gốc cây, nơi đặt cái ghế đá, nhìn vào nhà. Con chàng quay lưng lại. Khi nó nhìn ra, bên ngoài bóng tối. Nó không thấy chàng đâu. Chàng nhìn thấy nó giống chàng như hai giọt nước.
Bằng tuổi ấy, chàng cũng đọc sách suốt ngày, học suốt đêm. Mà bố chàng cũng đi công tác, năm về nhà một đợt nghỉ Tết thôi. Nhớ bố biết nhường nào. Lúc nhỏ chàng chỉ mong thấy bố về, đạp cái xe đạp, đem theo một ba-lô đường, sữa, xì dầu, nước mắm. Được sà vào lòng bố, rồi được bố cắt tóc cho.
Đứa con nhìn ra, bần thần một lúc, nhớ lại cảnh mình lúc nhỏ, chàng bước vào sân nhà.
Cu Sơn không quay lại, nó bảo: “Mẹ ra xem, bố về ngoài kia kìa”.
Vợ chàng buồn cười, bảo: “Đùa mẹ làm gì”. Rồi nàng bỏ tờ báo nhìn ra, thấy chồng vẫn dáng quen quen, mà sao đợt này nom hốc hác tợn, tóc dài phát ghét, mai phải cắt ngay. Nàng vội đứng dậy ra mở cửa, làm vỡ luôn cái ly nước để nãy giờ chưa uống.
Mẹ để con dẹp cho. Đứa con bỏ sách ra lượm mảnh chai chẳng hiểu thế nào đứt tay chảy máu. Ông bố lôi ngay trong ba-lô mớ bông băng, vội vàng bịt lại cầm máu cho ông con, hỏi: “Đau không con?”. Ông con bảo: “Bình thường! Bố về sao không báo trước để mẹ nấu cơm”.
Chàng ngồi vừa ăn mì tôm vợ nấu với trứng, như ở công trường, vừa dạy con học bài. Con bảo: “Bố giỏi quá!”. Bố khoe: “Bố suýt thủ khoa. Chỉ có điều bố kém mất môn phụ thôi”.
Con học xong đã khuya, chàng vào phòng trong thì nàng đã ngủ từ lúc nào.
Chàng thấy hơi tủi thân. Lặn lội đường xa, về tới nhà, tưởng gây bất ngờ, vợ vui, ai dè quay vào trong vợ đã ngủ rồi. Tiếng thở nàng dịu nhẹ và chàng không nỡ đánh thức vợ dậy.
Trách làm sao được, nàng đã có thói quen bao nhiêu năm nay, giờ ấy là lên giường và ngủ. Nếu quá đi, nàng lại thức trắng cả đêm, trằn trọc nghĩ về chồng, thương chồng vất vả chốn xa, nằm lán, có được ăn nóng uống sôi không. Không nghĩ về chồng thì thôi, cứ nghĩ lại chẳng thể nào ngủ được.
Vợ con say giấc nồng, khu tập thể yên tĩnh lắm. Chàng ngồi ở phòng khách, nhìn lên tấm ảnh cưới, thấy mình sao lúc lấy vợ hẵng còn non nớt quá. Vợ chàng chẳng khá gì hơn, ngơ ngơ ngác ngác, đúng là áo cưới đi mượn. Mới đó mà đã mười mấy năm rồi.
Chàng ngả lưng lên cái ghế dài chợt nghĩ về công trường giờ này anh em điện sáng đang tranh thủ làm đêm cho kịp tiến độ. Thiếu người trông coi, quản lý, giám sát, chẳng biết thế nào. Đám thanh niên trai trẻ kia, chúng coi đêm là ngày, sức còn khỏe, chưa vợ con gì. Chàng thì tóc đã pha sương, vợ xa con nhỏ. Đường sá xa xôi vợ gọi điện nên về. Vài bữa lại vào ngay với anh em.
Bất chợt, chàng ganh tỵ với gã hàng xóm bên cạnh nhà. Anh ta cùng học một lứa, chưa bao giờ ra khỏi thành phố, chỉ làm việc giảng dạy ở trường. Sáng đi, tối về, hai đứa con nghe nói học giỏi lắm. Bố giỏi thế, mẹ giỏi thế, con không giỏi mới lạ.
Con của chàng thường sang nhà đó chơi, học cùng các bạn. Ông hàng xóm dạy cho con chàng nhiều hơn chàng dạy nó. Lắm khi chàng phải hỏi: “Thế bác ấy ở nhà dạy con thế nào? Có giống bố dạy không?”. Con chàng đáp: “Không giống. Bác ấy dạy dễ hiểu hơn. Nhưng con thích cách dạy của bố”.
Chàng cảm động. Chàng vẫn chỉ là kỹ sư thôi, còn vợ chồng nhà người ta đã là phó giáo sư, phó tiến sĩ rồi. Thật ra nếu không phải là con anh, chắc gì anh chỉ nó đã nghe. Chàng cũng muốn trở lại trường, học hành bổ sung kiến thức, nhưng công việc bao giờ ngơi tay, về nhà thăm con cũng vội vàng như nước rút.
Chiếc xe đò chạy qua không biết bao nhiêu là vực thẳm, đường mòn. Lúc đầu nàng còn ham nhìn phong cảnh qua cửa sổ, rồi mệt quá gục trên vai chồng mà ngủ.
Mệt lắm, nhưng thà thế này còn hơn ở nhà một mình vò võ. Con nàng đã lớn, nó dặn: “Mẹ làm gì phải hỏi ý kiến con”. Thế đấy, tôi hỏi bố anh chán rồi giờ quay sang hỏi anh. Đã bao giờ bố con anh hỏi một câu rằng tôi muốn gì?
Nàng chẳng biết nàng muốn gì. Ai cũng bảo nàng có một gia đình hạnh phúc, con ngoan học giỏi, bố thì giờ đã lên đến chức phụ trách công trình, dưới tay quản mấy chục con người, mỗi năm nộp ngân sách lại cao hơn năm trước. Giờ còn muốn gì nữa.
Ngoài đầu ngõ có ông giáo bán cà phê với vợ chỗ gốc cây bàng, kiếm khá lắm, một ngày mấy trăm ly cà-phê. Thu nhập cao hơn làm giảng viên, ở nhà với vợ 24/7 thì cần gì lên giảng đường nữa. Nhưng mà nàng không thích thế.
Nàng muốn chồng nàng xông pha, thăng tiến, có chút địa vị trong xã hội. Con trai sẽ nhìn theo mà phấn đấu, không thể chơi bời, hài lòng với cuộc sống cơm áo tầm thường. Đành rằng chờ đợi mà thấy có hy vọng có tương lai. Chàng bảo: “Anh xin về hưu non”. Nàng xua tay: “Còn trẻ mà hưu hưu cái gì chứ”.
Chàng hỏi: “Em có còn yêu anh như thời mình hò hẹn không?”
Nàng đáp: “Em chẳng biết nữa. Em chỉ biết phải lo cho anh, cho con”.
Chàng trách: “Em chưa bao giờ nói yêu anh”.
Nàng cũng thấy mình có lỗi. Tính nàng rụt rè lắm. Chưa bao giờ biết nói lời yêu, thì làm sao mà biết nói thế nào cho phải.
Bất chợt nghe chồng lắc vai: “Em ơi! Dậy đi, xe sắp tới làng mình rồi”.
Nàng giật mình ú ớ, nửa tỉnh nửa mơ: “Em yêu anh! Em có yêu”.
Chồng nàng nghe không rõ, cứ hỏi lại: “Sao? Em yếu quá à? Thôi chết, sáng nay cả nhà mình chưa ăn sáng đã vội lên xe. Yếu là phải rồi. Uống tạm nước đi, kẻo kiệt sức”.
Nàng lại thiếp đi. Lâu lắm rồi mới được dựa lên vai chồng thế này. Sướng quá, buồn ngủ không mở mắt nổi.
Ờ, mà Sơn đâu nhỉ? Nó học bài chưa đấy?
Nàng bật dậy ngoái nhìn ra sau. Con trai nàng giờ đã ra dáng người lớn, nó ngồi nói chuyện lan man với đứa phụ xe. Hai đứa ăn hoa quả. Nhà xe lúc nào cũng có nhiều hoa quả thế đấy.
- Ơ! Em vừa ngủ mơ. Em thấy anh về hưu.
Chàng hôn lên trán vợ. “Cũng sắp hưu rồi. Mình cũng già như rừng dẻ ngoài kia rồi”.
Nàng nhìn theo chồng, thấy ngoài khung cửa xe cũ kỹ là những rừng hoa dẻ miên man. Lần đầu tiên nàng được thấy rừng hoa dẻ đẹp đến thế. Chúng tỏa xuống những dòng thác hoa vô tận.
“Chỗ này làm du lịch sinh thái thì hay biết bao nhiêu”. Nàng không ngờ quê chồng lại mang một vẻ đẹp y như trong chuyện cổ tích vậy. Thật uổng quá nếu mình không một lần tới đây.
“Mẹ con mình phải chụp nhiều ảnh selfie con ạ! Mẹ có mang theo ba cái áo dài, ba đôi giày. Chỗ này đẹp quá!”.
Chàng tủm tỉm: “Chỗ công trình của bố còn đẹp hơn!”.
Xe dừng ngay cạnh con suối nhỏ, thấy rất đông người. Nàng hỏi: “Có chuyện gì thế? Tai nạn à?”.
“Không! Mọi người ra đón em đấy”.
“Thôi bày vẽ, sao lại đón em”.
Nàng vội lôi thỏi son ra trang điểm vội vàng.
“Ai xuống khe Kiền Kiền thì mời xuống nhé”.
Phải tới ba chục người chứ ít đâu. Trẻ có, già có, lớn có, bé có. Đứa nhỏ nhất hãy còn bồng bế trên tay.
Ly vừa bước xuống xe thì tất cả chạy ào lại:
“Mợ ơi! Mợ Ly ơi! Mợ về rồi! Chúng bay ơi, mợ về!”.
Người thì mừng cười toáng lên, người tủm tỉm, riêng mấy đứa cháu đã từng ghé nhà gặp Ly ngoài phố thì ôm lấy nàng mà khóc tu tu: “Mợ khỏe không mợ ơi!”.
Đám thanh niên trai tráng cùng phụ xe chuyển xuống 7 cái thùng hàng lớn. Địa chỉ trên các thùng hàng đều có mấy chữ: “Quà cho quê chồng tôi”.
Mọi người cứ bàn tán: “Chúng tôi chưa gửi quà cho mợ mà mợ đã tặng quà cho chúng tôi”.
Buổi tối trăng sáng lắm. Trăng từ trên núi Sọ Voi chiếu xuống, sáng như ban ngày. Mọi người ăn cơm, trò chuyện râm ran không dứt.
Sơn bảo: “Mẹ ơi, con yêu trăng quê ta quá. Mẹ ở lại đây chơi vài ngày nhé mẹ!”. Nàng đáp: “Ở đây cả đời cũng được. Chỉ sợ con lại nhớ các bạn ở trường”.
Ly ngồi giữa đám cháu, đứa đấm lưng đứa bóp chân, miệng chúng như ngô rang: “Mợ hết mệt chưa hả mợ”.
Chúng lại bóc hạt dẻ ra cho nàng ăn. Chao ôi, nàng xưa nay chỉ ăn hạt dẻ Thái, không ngờ ăn hạt dẻ ta dẻo giòn ngon thơm đến thế.
Nàng thấy chồng về làng, trẻ hẳn ra, lại nói thứ tiếng quê mà nàng vừa nghe vừa đoán.
Nàng hỏi: “Anh thấy em giống nàng lọ lem thèm hạt dẻ không?”.
Chàng cười: “Không giống! Nàng lọ lem có ba hạt dẻ còn em có một rừng dẻ”.
Nàng thấy chồng nàng hôm nay sao lãng mạn biết ví von so sánh như cổ tích. Bèn định bảo: “Em yêu anh”.
Chồng thấy vợ định nói gì, cứ nán lại chờ nghe.
Nàng mới bảo: “Em yêu nhất hạt dẻ quê chồng”.
Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Tên truyện là “Hạt dẻ quê chồng”, nhưng những hạt dẻ ấy không hiện ra cho tới gần hết câu chuyện. Nó chứa những bí ẩn hay nói đúng là những phép màu giống như chuyện về những hạt đào tiên mà tôi đã đọc hồi nhỏ. Chỉ khi người phụ nữ về đến quê chồng thì những hạt dẻ mới mở ra phép màu của nó. Những hạt dẻ chứa đựng văn hóa và con người của một vùng đất đẹp đẽ và ân tình. Những hạt dẻ làm cho người phụ nữ ấy nhận được một món quà ý nghĩa nhất: TÌNH YÊU.
Đọc truyện ngắn này tôi bồn chồn không biết điều gì sẽ hiện ra hay xảy ra ở một làng quê miền núi xa xôi kia đối với một phụ nữ thành phố lần đầu tiên tìm đến. Đã có những chuyến đi của những nàng dâu thành phố như vậy và cuối cùng chỉ là sự thất bại trong đó có sự thất bại của người đọc. Nhưng những hạt dẻ trong truyện ngắn này không phải là tài sản riêng của người phụ nữ mà của nhiều người đọc khác trong đó có tôi. Và cuối cùng, tôi cũng nhận được quà cho riêng mình.