Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân với diện tích lên đến hơn 1,5 triệu ha. Cùng với việc khẩn trương thu hoạch lúa, việc đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch đã trở thành thói quen của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hành vi nhỏ tưởng chừng có lợi này lại rất tai hại với môi trường và cả vấn đề an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc băng qua đồng ruộng.

Hiện trường vụ tai nạn tông xe liên tiếp trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chiều ngày 28/2 do người dân đốt đồng khiến khói bay che khuất tầm nhìn của lái xe trên cao tốc (Ảnh: Phương Vũ).
Hiện trường vụ tai nạn tông xe liên tiếp trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chiều ngày 28/2 do người dân đốt đồng khiến khói bay che khuất tầm nhìn của lái xe trên cao tốc (Ảnh: Phương Vũ).

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc đốt đồng không chỉ làm cho đất bị bạc màu nhanh hơn mà còn gây ô nhiễm môi trường vì lượng tro thải và khói rất lớn, có thể "tấn công" vào các khu vực dân cư.

Theo ước tính, 1 ha lúa đông xuân có năng suất trung bình 7 tấn, sau khi thu hoạch sẽ cho ra 6 tấn rơm. Với hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 10 triệu tấn lúa hàng hóa và 9 triệu tấn rơm. Nếu đồng loạt đốt đồng với số lượng rơm trên thì là mối nguy hại đối với môi sinh và lãng phí tài nguyên cũng không hề nhỏ. Đó là chưa nói đến nguy cơ gây ra các vụ bỏng, các vụ cháy khác nếu lửa từ đồng ruộng không được kiểm soát tốt. Những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Mới đây, một vụ tông xe liên tiếp xảy ra làm hư hại gần chục xe ô-tô trên cao tốc mà nguyên nhân là do... khói đốt đồng.

Ngày 28/2, trên tuyến cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi nối từ thành phố Cần Thơ đi tỉnh Kiên Giang, đoạn qua huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, một xe ô-tô 7 chỗ đang lưu thông thì bất ngờ giảm tốc độ do lái xe bị khuất tầm nhìn bởi khói đốt đồng bay dày đặc trên cao tốc. Các xe ô-tô đi liền kề phía sau, lái xe bị khói làm khuất tầm nhìn và tông liên tiếp vào các xe phía trước. Vụ va chạm trên có tổng số 7 xe ô-tô bị hư hại rất nặng, rất may không có thiệt hại về người.

Có một thực tế là hầu hết các cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long đều được định tuyến xuyên qua các cánh đồng lúa. Và như thế, việc đốt đồng trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh với các lái xe trên các tuyến đường cao tốc ở miền Tây, mỗi khi tới mùa thu hoạch lúa.

Để hạn chế thấp nhất và ngăn chặn những hiểm họa từ việc đốt đồng bên các tuyến đường cao tốc, ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng mỗi địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của việc đốt đồng. Việc đốt rơm còn gây lãng phí rất lớn nguồn nguyên liệu dùng làm phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, ngày nay, chủ ruộng có thể bán rơm cho những cơ sở thu mua để tăng thêm thu nhập.

Các đơn vị chủ quản các tuyến cao tốc trong quá trình quản lý vận hành cần lắp đặt hệ thống camera hoặc hệ thống cảnh báo cháy, cảnh báo khói để kịp thời phát hiện việc đốt đồng gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông; đồng thời kịp thời phát đi cảnh báo từ xa cho các lái xe.

Cùng với việc nâng cao trách nhiệm tuần tra, kiểm soát các tuyến cao tốc của các lực lượng cảnh sát giao thông, đơn vị quản lý đầu tư các dự án cao tốc, chính quyền địa phương, kết hợp với ý thức của mỗi người dân về mối hiểm họa liên quan đến khói đốt đồng thì mới tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.