Nhiều thị trường khó tính ưa chuộng
Tiếp nối sữa tươi organic, sữa đậu nành hạt, mới đây, Vinamilk tiếp tục xuất khẩu lô sản phẩm cao cấp sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến đầu tiên đi Singapore. Theo đánh giá của đối tác phân phối sản phẩm tại Singapore, tiềm năng của sản phẩm này là rất lớn vì trên thị trường hiện chưa có sản phẩm nào tương tự như sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến của Vinamilk. Cộng thêm hương vị rất đặc biệt từ sữa tươi và tổ yến kết hợp, đây là một lợi thế lớn khi sản phẩm dinh dưỡng cao cấp này được giới thiệu đến người dân Singapore.
Ông Ivan Tan, đại diện công ty phân phối sản phẩm sữa Vinamilk tại Singapore cho biết, người dân tại “đảo quốc sư tử” có mức sống cao và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là khi dịch bệnh diễn ra, nhìn chung người dân Singapore đang hướng đến lối sống lành mạnh hơn và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cũng gia tăng khi họ bị hạn chế đi du lịch hơn so với trước đây.
Trước đó, năm 2019, sản phẩm sữa tươi 100% organic đã được Vinamilk xuất khẩu thành công đến Singapore, thị trường được đánh giá là khó tính nhất nhì của khu vực Đông Nam Á về cả các tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu lẫn mức độ yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sự mở đầu thuận lợi đó được tiếp nối với thành công của bộ ba sữa hạt cao cấp (gồm ba loại hạt óc chó, hạnh nhân và đậu đỏ).
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, điểm sáng trong xuất khẩu những năm vừa qua là hàng hóa Việt Nam không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống, mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Anh...
Đơn cử, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này liên tục có sự tăng trưởng. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã đạt con số 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù EU là thị trường rất khó tính song doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong hai tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao nhất là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất, thủy sản, rau quả, gạo…
Mới đây, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Từ nay, vải thiều Lục Ngạn được mang chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản – một chứng nhận uy tín tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường khó tính. Cùng với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020 đã mở ra cơ hội cho trái vải thiều gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngay trong niên vụ 2021.
Xây dựng chuỗi liên kết khép kín
Theo Bộ Công thương, việc tận dụng cơ hội để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính là điểm tích cực, song các thị trường này cũng đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa.
Đơn cử, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp khi tiếp cận, tận dụng EVFTA là các cam kết thuế quan của EVFTA được xây dựng dựa trên lộ trình. Vì vậy, trong dài hạn, mức thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ ngày càng ưu đãi hơn, chứ chưa thể có một cú sốc giảm thuế hay tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch. Ngoài ra, để hiểu đúng, đầy đủ và thực thi có hiệu quả quy tắc xuất xứ trong EVFTA, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thời gian để thích nghi, chuyển đổi quá trình sản xuất đặc biệt trong vấn đề nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Ngoài ra, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Hoặc thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại, bởi ở mỗi giai đoạn và tùy từng đối tác, Mỹ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại khác nhau. Thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng nông sản Việt Nam nhưng lại có những tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác là phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường này, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Từ đó chinh phục tốt các thị trường.
Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông các nội dung về xuất xứ hàng hóa, các điều kiện tiếp cận thị trường đến các doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo ứng dụng các hình thực đào tạo trực tuyến để có thể tiếp cận đến số lượng lớn các doanh nghiệp hơn.